Nhiều cơ hội mở rộng giao thương với Nga
Tiến sĩ Nguyễn Chí Tâm, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm hơn nữa để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản vào thị trường Nga.
Phát biểu tại Hội thảo “Thương mại Việt Nga mở rộng giao thương, thu hẹp khoảng cách” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ tổ chức tại Cần Thơ sáng ngày 3-8, ông Tâm cho rằng, hiện có đến 60% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga là nông, thủy sản.
... “Và trong các năm gần đây, chính các mặt hàng này đã đạt các mức tăng trưởng cao. Đây lại là các mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng, nên việc chú tâm, tập trung vào xúc tiến thương mại các mặt hàng này trong thời gian sắp tới là rất cần thiết”, ông nói.
Duy trì kim ngạch xuất khẩu
Thể hiện rõ nhất là sự tăng trưởng đáng kể (hơn 77%) trong xuất khẩu cá và hải sản của Việt Nam vào Nga trong năm 2008. Trong năm này, Cơ quan kiểm định hàng nông sản Nga (Rosselkhoznadzor) đã kiểm định và cấp giấy phép cho 38 xí nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam được xuất khẩu sản phẩm của mình sang Nga.
Sau một số trục trặc vào cuối năm 2008, đến 14-2-2009, lệnh cấm nhập hàng thủy sản từ Việt Nam vào thị trường Nga đã bị bãi bỏ và nhiều cơ hội mới đang mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam sang Nga trong 3 năm gần đây đã tăng trưởng rất tốt, tuy nhiên, nếu chất lượng, vệ sinh, dịch tễ sản phẩm được bảo đảm tốt hơn và việc xuất khẩu được điều tiết tốt hơn từ 1 trung tâm nào đó, thì phi-lê cá ba sa Việt Nam sẽ trở thành một thương hiệu tốt ở Nga và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng ổn định”, ông Tâm cho biết.
Theo số liệu sơ bộ của Bộ Công Thương Việt Nam, trong năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,64 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu hàng hóa Nga sang Việt Nam 970 triệu đô la Mỹ, còn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam 672 triệu đô la Mỹ.
Do Nga cũng đang gặp ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, nên theo ông Tâm, mục tiêu phấn đấu trong năm 2009 này là kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 1,48 tỉ đô la Mỹ; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt mức 735 triệu đô la Mỹ và nhập khẩu là 745 triệu đô la Mỹ.
“Nhưng để đạt được mục tiêu, đòi hỏi ngoài việc tăng cường, tổ chức có hiệu quả hơn các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có kế hoạch tổ chức chương trình triển lãm quốc gia hàng xuất khẩu Việt Nam tại Mat-xcơ-va vào cuối tháng 9 tới, cần có sự tích cực, năng động và chuyên nghiệp của các Hiệp hội ngành hàng, các trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và đặc biệt các doanh nghiệp trong việc tiếp thị, tìm kiếm bạn hàng và nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu vào Nga”, ông nói.
Đón vốn đầu tư từ Nga
Trên lãnh thổ Nga, hiện có 13 dự án có vốn đầu tư của Việt Nam với 78,4 triệu đô la Mỹ vốn đăng ký và đã thực hiện đạt 31,5 triệu đô la Mỹ.
Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến cuối năm 2008, 56 dự án có vốn đầu tư của Nga đã được đăng ký và vốn đầu tư thực tế là 611,9 triệu đô la Mỹ, trong đó có 19 xí nghiệp liên doanh có vốn của Nga, 28 công ty 100% vốn của Nga, 4 công ty trong khuôn khổ các hiệp định hợp tác doanh nghiệp.
Đa số vốn đầu tư của Nga tập trung trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các loại sản phẩm khác nhau (54.4 triệu đô la Mỹ), thăm dò và khai thác dầu khí (53 triệu đô la Mỹ), du lịch và kinh doanh khách sạn (18,3 triệu đô la Mỹ), xây dựng (14,3 triệu đô la Mỹ).
Các doanh nghiệp Nga, trong đó các công ty đầu tư lớn đang rất quan tâm đến việc xây dựng ở Việt Nam các khách sạn, các tổ hợp du lịch, các trung tâm thương mại và các khu dân cư. Công ty xây dựng “Mirax” đang tiến hành xây dựng khách sạn ở thành phố Nha Trang. Công ty đầu tư tài chính “Metropol” hiện nay đang chọn địa bàn ở đảo Phú Quốc để xây dựng một khách sạn năm sao.
Theo cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, thương mại Nga-Việt trong năm 2008 đã phát triển với nhịp độ cao và cả hai bên cần tận dụng cơ hội để tăng cường phát triển, từ đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu đến mở rộng vốn đầu tư.
Lệ Hương
TBKTSG Online
|