Mô hình quản lý nào cho sàn vàng?
Đã hoạt động từ nhiều năm nay nhưng các trung tâm giao dịch vàng (TTGDV) vẫn chưa biết sẽ thuộc cơ quan nào quản lý, nên tổ chức theo mô hình nào?
Cả nước đang có khoảng 20 sàn vàng gồm 4 loại. Loại hình thứ nhất do ngân hàng thương mại (NHTM) thành lập như TTGDV Á Châu, Phương Nam, Sacombank, Việt Á...; nhà đầu tư (NĐT) mở tài khoản tại ngân hàng (NH) thành lập sàn. Loại thứ 2 do các tổ chức, cá nhân tổ chức, NĐT tham gia sẽ đóng tiền vào một tài khoản tổng đứng tên công ty thành lập sàn như TTGDV Phố Wall, Châu Á, 24K... Loại thứ 3 do tổ chức và NH tham gia góp vốn thành lập qua hình thức công ty, NĐT mở tài khoản giao dịch tại NH như TTGDV Việt Nam (VGB). Loại hình thứ 4 do các công ty tổ chức, NĐT kinh doanh trực tiếp vàng bằng USD ra nước ngoài như Kim Thiệu, Kim Minh Đạt... Mỗi TTGDV có một hệ thống giao dịch, chính sách tín dụng, phí... khác nhau.
Ngày 27.8, NH Nhà nước đã có buổi làm việc với một số đơn vị về nội dung dự thảo Thông tư quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản. Theo đó, đối tượng được cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là NHTM với điều kiện đã hoạt động tối thiểu 5 năm, kinh doanh vàng tối thiểu 3 năm, được phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài... NHTM phải có giấy xác nhận đủ điều kiện cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước. Công ty muốn trở thành đại lý nhận lệnh với NHTM phải có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm, cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu đề ra... Một tổ chức chỉ được làm đại lý nhận lệnh cho một NHTM. Dự thảo cũng quy định khối lượng giao dịch tối thiểu đối với tổ chức từ 50 lượng hoặc 1.875 gr vàng trở lên/lệnh, còn cá nhân từ 10 lượng hoặc 375 gr vàng trở lên/lệnh. Tỷ lệ ký quỹ của NĐT tối thiểu 15%/giá trị lệnh giao dịch (mức tỷ lệ phổ biến hiện nay là 10% - PV).
Việc quy định chỉ NHTM được thành lập TTGDV trước tiên gây băn khoăn cho không ít NĐT về việc nếu NHTM là đơn vị thành lập TTGDV lại quản lý tài khoản của NĐT đồng thời cũng có chức năng kinh doanh vàng liệu có đảm bảo tốt quyền lợi của NĐT? Thực tế đã có trường hợp NHTM tổ chức sàn đã tự can thiệp vào tài khoản của NĐT mở ở NH đó mà không được NĐT đồng ý. Nhiều NĐT cho rằng nếu sàn vàng do một công ty tổ chức, tài khoản mở ở một NHTM thì việc can thiệp tùy tiện như vậy không thể xảy ra.
Vừa qua, UBND TP.HCM đã đề nghị giao các sàn vàng cho Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) quản lý. Nếu theo hướng này thì vướng do Luật Chứng khoán chưa cho phép. Nếu Sở GDCK quản lý sàn vàng, với khối lượng giao dịch vàng qua các TTGDV hiện nay khoảng 1,5 triệu lượng/ngày, chỉ cần một khối lượng nhỏ phải đối ứng ra nước ngoài đòi hỏi Sở phải có hạn mức rất cao mới có thể tạo tính thanh khoản.
Thị trường vàng hiện đang đòi hỏi một mô hình giao dịch tập trung mà ở đó tách bạch tài khoản giao dịch của NĐT và đơn vị tạo lập TTGDV. Một số sàn giao dịch vàng lớn trên thế giới hoạt động theo mô hình: sàn do một tổ chức độc lập điều hành, NHTM chỉ thực hiện chức năng thanh toán. Chẳng hạn Sàn giao dịch vàng COMEX trực thuộc Sàn giao dịch hàng hóa New York (Mỹ) được điều hành bởi Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai, một cơ quan độc lập của Chính phủ Mỹ.
Theo ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) - từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158 hướng dẫn về thành lập Sở giao dịch hàng hóa và nên chăng các cơ quan chức năng nghiên cứu để cho ra đời một Sở giao dịch hàng hóa, trong đó vàng là một mặt hàng do sở quản lý.
Thanh Xuân
Thanh niên
|