Thứ Năm, 13/08/2009 17:06

Không thể làm thay doanh nghiệp

Trong bối cảnh đuổi bắt đi đôi với hội nhập quốc tế như hiện nay, không riêng Việt Nam, công nghiệp phụ trợ (*) đóng vai trò là chìa khóa để phát triển nền công nghiệp hiện đại ở các nước đang phát triển. Và để phát triển nó, Chính phủ chỉ tạo ra những điều kiện hỗ trợ chứ không thể can thiệp trực tiếp, còn tính năng động của đội ngũ doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định.

Chìa khóa để cạnh tranh hội nhập công nghiệp

Trong bối cảnh vừa đuổi bắt các nước đi trước, vừa hội nhập (mở cửa thị trường nội địa, tạo cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài), việc tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ (gọi tắt là SI), thay vì chạy đua coi trọng các ngành công nghiệp như lắp ráp ô tô, xe máy, đồ điện, điện tử... có thể được xem là lựa chọn khôn ngoan và khả thi nhất đối với các nước đi sau như Việt Nam. Vì sao?

Thứ nhất, bằng cách này chúng ta mới có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh hiện có để thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, đã và đang phát triển cả về chiều rộng (phạm vi địa lý) cũng như chiều sâu (quá trình phân hóa sản xuất và loại hình sản phẩm trung gian).

Thứ hai, phát triển SI là quá trình tham gia và mở rộng các hoạt động sản xuất gia công chế tạo trực tiếp, tạo ra sự tích lũy về công nghệ, kỹ thuật và kỹ năng sản xuất, yếu tố then chốt trong phát triển công nghiệp. Từ sự tích lũy này các doanh nghiệp (công nghiệp nội địa) sẽ nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất tự thân, tiến dần tới mặt bằng công nghệ thế giới.

Thứ ba là lựa chọn SI sẽ phù hợp, dễ có khả năng đuổi bắt hơn với trình độ của các nước đi sau như Việt Nam. Khi mà khoảng cách về trình độ công nghệ giữa các nước đang phát triển so với mặt bằng ở các nước tiên tiến quá xa, thì mong muốn đón đầu những kỹ thuật tiến bộ nhất của thế giới là điều phi thực tế.

Hơn nữa, với tốc độ tiến bộ và phổ biến kỹ thuật ngày càng nhanh, tuổi thọ của một dòng sản phẩm công nghiệp cụ thể ngày càng ngắn dần, cấu trúc của những sản phẩm mới lại càng phức tạp do được tích hợp từ nhiều loại công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau khiến cho quá trình đuổi bắt phát triển những sản phẩm như ô tô, hay điện tử bán dẫn... của (doanh nghiệp) các nước đi sau càng trở nên khó khăn hơn.

Nhận định này chính là tiếng nói của các nhà sản xuất Việt Nam hiện nay. Trong lần đi khảo sát thực tế gần đây, người viết đã nghe được phản ánh của một số doanh nghiệp chế tạo và lắp ráp xe máy: “Chúng tôi (các nhà lắp ráp nội địa) không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp vốn ngoại, vì không đủ sức theo kịp tốc độ thay đổi cải tiến mẫu mã của họ. Kết quả là dù mặt hàng này được Chính phủ khuyến khích ưu đãi, chúng tôi cũng phải đi tìm sản phẩm khác, thị trường riêng mà người nước ngoài không ngó tới”.

Một vài lý do trên đây cho thấy vai trò quan trọng của SI. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là làm sao để phát triển SI. Câu trả lời nằm ở hai chủ thể Chính phủ và doanh nghiệp.

Hỗ trợ hay quyết định?

Trong một nền kinh tế thị trường, từ kinh nghiệm cũ như của Nhật, cho tới mới như của Trung Quốc gần đây cho thấy, như mọi ngành kinh tế khác, sự phát triển của SI hoàn toàn phụ thuộc vào sự năng động của các doanh nghiệp, chính phủ chỉ giữ vai trò hỗ trợ. Điều bình thường này (ở các nền kinh tế thị trường) đã không bình thường ở Việt Nam, là nguyên nhân chính dẫn tới sự chậm phát triển của SI.

Dù chúng ta đã chia tay nền kinh tế chỉ huy khá lâu, nhưng di chứng của nó vẫn còn ảnh hưởng khá nặng trong tư duy của Chính phủ cũng như doanh nghiệp. Đối với Chính phủ, di chứng đó là thói quen tập trung quyền lực, điều hành nền kinh tế bằng những chiến lược, quy hoạch phát triển mang nặng tính “kế hoạch”, với những con số mục tiêu cụ thể đáng giật mình.

Ví dụ “Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”, đối với ngành sản xuất lắp ráp ô tô, đã đặt ra những chỉ tiêu sản lượng các năm 2010, 2020 là (tăng sản xuất nội địa) “cabin xe tải từ 56.000 lên 92.000 chiếc”, hay “hộp số, cầu xe moay ơ bánh xe, các-đăng từ 44.300 lên 88.600 bộ”... (tham khảo website của Chính phủ).

Với những chiến lược, chính sách kiểu này, thực tế Chính phủ có xu hướng lập kế hoạch thay doanh nghiệp, mà đáng lẽ vai trò chỉ là hỗ trợ.

Hơn nữa, đối nghịch với các con số mục tiêu rất cụ thể, những quy định liên quan tới biện pháp triển khai thực hiện lại rất chung chung, phân vai cho quá nhiều cơ quan, hiệp hội do Nhà nước chỉ định. Kết quả là những mục tiêu đó hầu hết dừng lại ở mức “hô khẩu hiệu”.

Còn di chứng đối với doanh nghiệp, là thói quen thiếu năng động, trong đó những doanh nghiệp có liên quan tới Nhà nước (dưới nhiều hình thức khác nhau) lại thiếu năng động do trông chờ chính phủ, doanh nghiệp tư nhân thì thiếu năng động do chưa được rèn luyện đủ trong cơ chế thị trường.

Điểm thể hiện sự thiếu năng động của đội ngũ doanh nghiệp đáng chú ý nhất là hạn chế về nỗ lực khai thác thị trường (marketing). Thêm nữa, thiếu năng động trong học hỏi cải tiến quản lý kinh doanh cũng là một điểm hạn chế năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp SI của chúng ta hiện nay.

Vài gợi ý đối với việc phát triển SI tại Việt Nam

Từ những vấn đề được trình bày ở trên, để khắc phục những yếu kém hiện tại đòi hỏi sự tích cực từ cả hai chủ thể Chính phủ và doanh nghiệp.

Với Chính phủ, sự tích cực thể hiện qua việc rút về đúng vai trò cung cấp dịch vụ quản lý công của mình, ban hành những chính sách, quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động một cách chủ động và dễ dàng. Chính sách hỗ trợ cũng cần bình đẳng đối với doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu.

Một điểm khác là trong xây dựng chính sách phát triển SI cần bỏ thói quen xác định những mục tiêu số lượng cụ thể cho cả một nền kinh tế, bởi đây là việc của doanh nghiệp, việc của thị trường chứ không phải là nhiệm vụ của những người làm chính sách.

Đặt ra những mục tiêu này, rồi đưa nó vào hoạt động của doanh nghiệp (có vốn sở hữu nhà nước) và hệ quả tất yếu là thiên về coi trọng vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Điều này sẽ làm cho sân chơi bất bình đẳng.

Nỗ lực giảm bớt tập trung quyền lực trong xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như SI nói riêng, cũng là một biểu hiện về thái độ tích cực của Chính phủ.

Để thi hành chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả, Chính phủ có thể tăng cường quyền lực, song phải đi đôi với trách nhiệm. Đây là một vấn đề lớn cần được xem xét nghiêm túc, vì sự ảnh hưởng ngược của nó đối với phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Ví dụ trong chính sách phát triển ngành ô tô, xe máy, đưa ra những yêu cầu quy định về kiểm tra khí thải để đảm bảo môi trường là cần thiết. Nhưng việc đề ra những tiêu chuẩn như tỷ lệ nội địa hóa, hay quy mô dây chuyền sản xuất... là những quy định chỉ tạo ra sự tập trung quyền lực không trách nhiệm (quyền kiểm tra, quyền cho phép...) vào tay các cơ quan quản lý nhà nước.

Nội địa hóa, mua nguyên liệu từ đâu, đầu tư máy móc sản xuất ra sao... là công việc của bản thân doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để phát triển SI có thể suy nghĩ hoạch định và thực thi chính sách kích cầu đối với doanh nghiệp SI trong nước bằng cách tạo thị trường phù hợp với trình độ năng lực của các doanh nghiệp trong nước, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Lĩnh vực lựa chọn có thể là “xây dựng công nghiệp và dân dụng”. Với công nghệ mới, xây dựng cũng có xu hướng thay đổi cấu trúc phân công lao động gần giống với ngành ô tô, xe máy, ở chỗ sự phân ly rõ ràng giữa hoạt động thi công lắp ráp và chế tạo các bộ phận, phụ kiện.

Nếu như với công nghệ cũ, xây dựng sử dụng chủ yếu các nguyên vật liệu bán thành phẩm, được gia công hoàn chỉnh tại công trình, thì ngày nay hoạt động thi công xây dựng mang màu sắc là một quá trình lắp ghép các sản phẩm đã hoàn chỉnh nhiều hơn. Điều này có nghĩa, nhu cầu về SI của ngành xây dựng mở ra ngày càng rộng hơn.

Vả lại, so với công nghiệp ô tô hay máy móc cơ khí, đòi hỏi sản phẩm SI xây dựng thường có độ tinh thấp hơn. Vì vậy các doanh nghiệp SI nội địa cũng dễ đáp ứng hơn. Kích cầu trực tiếp, là Nhà nước (Chính phủ) tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng công cộng (đường sá, cầu cảng), tạo nguồn nhu cầu về các sản phẩm SI trong xây dựng. Còn kích cầu gián tiếp là việc khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nhằm mở rộng thị trường nhu cầu cả về quy mô cũng như chủng loại các sản phẩm SI.

Nỗ lực và những chính sách của Chính phủ trình bày trên có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của SI trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế mở, sức ép của hội nhập không cho phép các doanh nghiệp SI của Việt Nam chờ đợi.

Với những thỏa thuận về tự do hóa mậu dịch và đầu tư, giai đoạn đầu hội nhập thị trường nội địa còn có thể được phép bảo hộ ở một mức độ nhất định, song nếu không tranh thủ điều kiện hiện tại để tăng cường sức cạnh tranh, khi hết thời hạn cam kết xóa bỏ hoàn toàn hàng rào bảo hộ, thì những chính sách hỗ trợ cũng sẽ không giúp ích gì cho sự phát triển của các doanh nghiệp SI nước nhà.

Với lý do này, để phát triển SI trong nước, vai trò quyết định thuộc về các doanh nghiệp. Và để thực hiện vai trò này, đòi hỏi sự nỗ lực trên cả hai phương diện: tự thân mỗi doanh nghiệp và liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp.Nỗ lực tự thân cốt lõi là vấn đề nâng cao tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship).

Nói một cách cụ thể hơn đó là tính năng động tìm kiếm thị trường, nỗ lực không ngừng cải tiến nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ và quản lý sản xuất kinh doanh. Trong đó “tìm kiếm thị trường” là yếu tố có ảnh hưởng đến quyết định sống còn đối với doanh nghiệp.

Làm sao để tìm kiếm thị trường, trong hoàn cảnh nhu cầu nội địa còn quá nhỏ, cung cấp cho các nhà lắp ráp chế tạo nước ngoài (tại Việt Nam) thì gặp chướng ngại về khoảng cách công nghệ (không đảm bảo sức cạnh tranh về giá cả và chất lượng)? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy ở những nhà doanh nghiệp có “tinh thần doanh nghiệp”. Không ai có khả năng trả lời thay, dù là Chính phủ, hay các tổ chức quốc tế.

Nỗ lực liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp là ý thức tham gia xây dựng và tổ chức hoạt động hiệp hội doanh nghiệp chuyên ngành. Với quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, nếu hoạt động phân tán, các doanh nghiệp SI trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh trên thị trường trong cũng như ngoài nước. Để đáp ứng yêu cầu này cần có một hiệp hội doanh nghiệp SI.

Tuy nhiên điều đáng lưu ý ở đây là hiệp hội SI phải thực sự do tự thân các doanh nghiệp tổ chức. Chỉ có hiệp hội doanh nghiệp như vậy mới có thể hoạt động vì các doanh nghiệp thành viên, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp thành viên đó với nhau.

Những gợi ý trên đây dựa trên những kết quả nghiên cứu mang tính học thuật của tác giả. Để triển khai thực hiện đòi hỏi cần tổ chức điều tra nắm lại tình hình các doanh nghiệp SI thực tế, từ đó mới có thể xây dựng những chính sách hỗ trợ phù hợp hay đề xuất tổ chức hiệp hội cụ thể.

(*) Công nghiệp phụ trợ (Supporting Industries - SI) được hiểu là toàn bộ các ngành (doanh nghiệp) sản xuất phụ tùng, linh kiện, bao bì trung gian, sử dụng các kỹ thuật gia công cơ khí và phi cơ khí, gia công các loại vật liệu kim loại và phi kim loại (gốm sứ, gỗ, giấy, vải, nhựa, thủy tinh, cao su, vật liệu tổng hợp...). Để biết thêm về lĩnh vực này  xin tham khảo trang web trao đổi trực tuyến về đề tài này tại địa chỉ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/16250).

Đỗ Mạnh Hồng - Đại học Obirin - Nhật Bản

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Cấp chứng nhận đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám (13/08/2009)

>   Đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động hiệu quả? (13/08/2009)

>   Thanh tra CP phát hiện nhiều sai phạm trong tháng 7 (13/08/2009)

>   Vốn tư nhân đổ vào hạ tầng vẫn thấp (13/08/2009)

>   Tổng Giám đốc Hà Dũng: Tôi đang lãi thời gian (13/08/2009)

>   Thu phí chỉ là giải pháp tình thế (13/08/2009)

>   Nhà nghỉ dưỡng là kênh đầu tư bất động sản mới (13/08/2009)

>   Lạc quan và tiết kiệm (13/08/2009)

>   Xuất khẩu khó về đích (13/08/2009)

>   Vinashin chậm trễ, PVN lãnh đủ (13/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật