Thứ Năm, 27/08/2009 06:28

Hàng nội đang ở đâu?

Việc Bộ Chính trị đồng ý tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo cơ hội cho hàng nội bứt phá trong hành trình chiếm lĩnh thị trường nội địa. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, thời gian gần đây tỷ lệ hàng Việt được người tiêu dùng sử dụng ngày càng được nâng cao.

Hàng nội “ra quầy” nhiều hơn

Theo thống kê sơ bộ của Sở Công thương, TPHCM hiện có 238 chợ, 82 siêu thị, 22 trung tâm thương mại và 500 cửa hàng văn minh tiện lợi.

Ở các kênh phân phối chính này, nhiều nhãn hàng Việt Nam đã có được vị thế không thua kém hàng ngoại. Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc kinh doanh của hệ thống siêu thị CitiMart cho biết, hàng nội hiện chiếm khoảng 80% – 90% lượng hàng hóa tại siêu thị và luôn luôn được khách hàng chọn mua nhiều hơn nhờ giá rẻ hơn hàng ngoại. Sau hơn 3 tuần diễn ra cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, doanh số nhiều nhóm hàng được sản xuất trong nước như nhựa gia dụng, sữa, thực phẩm chế biến, đồ hộp… đã tăng lên rất cao. Trong đó, tăng nhiều nhất là nhóm sản phẩm sữa nước của các công ty như Vinamilk, Hancofood, Nutifood, Dutch Lady và các sản phẩm đồ hộp mang thương hiệu Vissan.

Tại hệ thống siêu thị BigC, theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại, tỷ lệ hàng sản xuất trong nước chiếm đến 95% tại BigC.

Còn tại 38 siêu thị của hệ thống Co.opMart trên toàn quốc, hàng nội địa cũng chiếm hơn 90%, trong đó ưu thế mạnh nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến và đồ gia dụng.

Đối với mặt hàng điện máy, một số hệ thống siêu thị bán lẻ trên địa bàn TPHCM cũng nhận định rằng người tiêu dùng không hề quay lưng đối với hàng Việt Nam. Thời gian gần đây hàng Việt Nam đang có nhiều ưu thế, tiềm năng để phát triển, gia tăng thị phần của mình. Ông Vũ Vương, Giám đốc marketing của hệ thống siêu thị điện máy Chợ Lớn cho biết, hiện nay, một số mặt hàng điện tử mang thương hiệu Việt như: ti vi VTB, đầu đĩa Tiến Đạt, quạt máy Asia, Lifan… được rất nhiều người tiêu dùng chọn mua. Còn bà Nguyễn Thị Quyền, Phó Giám đốc marketing của hệ thống siêu thị điện máy Thiên Hòa, khẳng định: “Chúng tôi luôn ưu tiên đón nhận các mặt hàng mang thương hiệu Việt. Tuy nhiên, có một thực tế là ở ngành hàng điện tử, các doanh nghiệp VN hầu như chưa chú trọng, đầu tư nhiều nên chưa có nhiều mặt hàng, sản phẩm có thể cạnh tranh với sản phẩm nội”.

Cần chiến lược dài hơi

Việt Nam với hơn 86 triệu dân, cơ cấu dân số lại rất trẻ nên sức tiêu thụ rất lớn. DN Việt Nam có lợi thế sân nhà, hiểu được tập tục, thói quen tiêu dùng của người Việt, còn người Việt Nam thì luôn có lòng yêu nước, yêu hàng hóa mang thương hiệu của quê hương mình, đó là điều kiện cần để các doanh nghiệp VN chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, điều kiện đủ là các doanh nghiệp phải xây dựng được những chiến lược dài hơi. Bởi thực tế cho thấy, thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn.

Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, điều quan trọng trước tiên là các doanh nghiệp phải nhận thức được con đường tối ưu là phát triển thị trường trong nước trước khi tính tới việc xuất khẩu để xây dựng chiến lược mục tiêu về thị phần, sản phẩm và giá sản phẩm, chất lượng sản phẩm. Trong đó, ưu tiên định vị thị trường mục tiêu; tính đa dạng của hàng hóa, chất lượng sản phẩm, hướng đến sản phẩm hàm lượng chất xám cao và phát huy sở trường trong chiến lược sản phẩm...

Để cạnh tranh, DN phải nhanh chóng cắt giảm các khoản chi phí bất hợp lý, giảm giá thành để giảm giá bán hàng hóa sản xuất trong nước. DN chỉ nên đặt lợi nhuận kỳ vọng thấp vì phải mất một thời gian dài từ 3 - 5 năm hoặc 10 năm mới chiếm lĩnh được thị trường. Song song đó, DN Việt Nam phải tập trung xây dựng đạo đức kinh doanh theo phương châm hướng đến người tiêu dùng, bỏ kiểu làm ăn kinh doanh chụp giật. Bởi lẽ, đạo đức kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp thu lợi lâu bền, đạt lợi nhuận cao.

Hệ thống phân phối cũng cần đặc biệt chú trọng, nhất là ở khu vực nông thôn. Hiện nay người tiêu dùng ra cửa hàng chỉ thấy toàn hàng Trung Quốc, thì mua hàng Việt Nam ở đâu? Đó là câu hỏi mà các doanh nghiệp cần phải giải quyết để mở rộng thị phần của mình.

Điểm cuối cùng, mang tính quyết định là yếu tố con người. DN muốn giành lại sân nhà thì phải có đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên nghiệp, đội ngũ lãnh đạo tài năng, nhiệt huyết và phải tập trung đổi mới công nghệ, xây dựng được các quy trình quản lý theo tiêu chuẩn ISO... Có như thế hàng VN mới có thể “lên ngôi” và giữ được thị trường một cách bền vững, mới tạo được thói quen cho người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Tháng khuyến mãi đến sớm

Mặc dù theo thông báo của Sở Công thương TPHCM tháng khuyến mãi sẽ chính thức diễn ra từ ngày 1-9, nhưng để thu hút khách đến mua sắm trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 sắp tới, hiện nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đã bắt đầu tung ra các chương trình khuyến mãi lớn. Có thể nói, với sự tham gia của hơn 350 doanh nghiệp và 1.450 điểm bán, Tháng khuyến mãi lần này được dự báo sẽ tạo ra một lễ hội mua sắm lớn nhất từ trước đến nay.

Khởi động sớm hơn các hệ thống siêu thị khác, từ 28-8 tới, tại siêu thị BigC sẽ diễn ra chương trình “Mua sắm giá rẻ” với việc giảm giá đồng loạt từ 10%-50% đối với 600 mặt hàng quần áo, đồ điện tử, điện máy, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm và thực phẩm, sữa…

Trong các ngày 28, 29-8, Saigon Co.op cũng sẽ tổ chức hơn 30 chuyến bán hàng lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa và công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất - những người không có điều kiện mua sắm nhiều mặt hàng thiết yếu thuộc nhóm hàng Việt Nam chất lượng cao với giá giảm từ 5%-40%. Không bỏ qua cơ hội này, để giành thị phần, từ đầu tháng 8, Công ty Vissan cũng đã chi 5,5 tỷ đồng thực hiện nhiều chương trình giảm giá kéo dài từ đầu tháng 8 đến nay.

Song song đó, hiện nhiều công ty du lịch cũng chủ động giảm giá tour 2-9 để thu hút khách, nhiều tour giá giảm đến 35%. Dịp này, Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng thực hiện giảm giá vé máy bay khứ hồi TPHCM - Huế hoặc TPHCM - Đà Nẵng.

Thu Tuyết - Mai Thi

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Cục Hàng không giải trình về “Đường bay vàng” (27/08/2009)

>   Hàng thiết yếu thấp hơn giá thị trường 10% (27/08/2009)

>   Chưa xem xét một số dự án đầu tư sang Mỹ (27/08/2009)

>   Khan hiếm nhãn xuất khẩu (27/08/2009)

>   Năng lượng tái tạo: Vẫn chưa khai thác hiệu quả (26/08/2009)

>   Tăng thêm nhiều cơ hội hợp tác với Thái Lan (26/08/2009)

>   Vũng Tàu bàn cách xây dựng thương hiệu du lịch biển (26/08/2009)

>   Chuyển động trái chiều trong thu hút FDI (26/08/2009)

>   “Cửa” vẫn mở cho tất cả nhà đầu tư (26/08/2009)

>   50% sữa có hàm lượng đạm thấp (26/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật