Chuyển động trái chiều trong thu hút FDI
Công ty TNHH Giao nhận vận chuyển toàn cầu Toll và Công ty TNHH Bình Tường là hai trong số hiếm hoi các nhà đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 8/2009 (tính đến ngày 20/8), với tổng vốn đầu tư hai dự án là 12,3 triệu USD.
Cũng chính vì vậy mà tổng vốn FDI sau 8 tháng (cả vốn cấp mới và tăng thêm) chỉ đạt 10,453 tỷ USD, tăng không nhiều so với sau 7 tháng (10,118 tỷ USD); xu hướng sụt giảm mạnh vốn FDI đăng ký mới so với cùng kỳ năm trước vẫn tiếp tục diễn ra.
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, có 504 dự án FDI được cấp chứng nhận đầu tư (tổng vốn là 5,625 tỷ USD) và 149 dự án tăng vốn (tổng số vốn là 4,828 tỷ USD). Tính chung sau 8 tháng, tổng vốn FDI đăng ký đã giảm 81,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, điều đáng chú ý trong bức tranh thu hút FDI những tháng đầu năm nay, là số dự án tăng vốn đầu tư tiếp tục gia tăng. Thậm chí, số vốn tăng thêm trong 8 tháng đầu năm nay, trái ngược xu hướng giảm của vốn đăng ký của các dự án mới, đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thêm một lần nữa khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với triển vọng thị trường Việt Nam sau thời kỳ suy giảm kinh tế.
Hơn thế, giải ngân vốn FDI cũng đã có sự chuyển biến tích cực trong tháng 8. Nếu như 7 tháng đầu năm, chỉ có 4,65 tỷ USD được đưa vào thực hiện, thì sau 8 tháng, con số này đã lên tới 6,5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nghĩa là chỉ trong tháng 8, đã có tới 1,85 tỷ USD được đưa vào thực hiện.
Đây là một con số ấn tượng, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang trong bối cảnh khủng hoảng, khiến không ít nhà đầu tư khó có thể tiếp tục thực hiện một số dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư.
Đối với vốn đầu tư đăng ký mới vào Việt Nam, nguyên nhân sụt giảm không chỉ là do những khó khăn khách quan, mà còn do những tồn tại liên quan tới sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật về thu hút đầu tư nước ngoài, dẫn tới lúng túng trong triển khai thực hiện, khiến các nhà đầu tư phải chờ đợi dài hơn quy định để nhận được giấy chứng nhận đầu tư.
Chẳng hạn, mặc dù đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới được hơn 2 năm, đã bắt đầu thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, song vẫn thiếu các hướng dẫn đối với các lĩnh vực đầu tư có điều kiện, khiến cho việc cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư trong các lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, do không có đủ căn cứ pháp lý và hướng dẫn cần thiết.
Trong khi đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (một trong nhũng ưu đãi chủ yếu đối với nhà đầu tư nước ngoài, áp dụng từ ngày 1/1/2009) đã thu hẹp đáng kể diện doanh nghiệp, dự án được ưu đãi. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, điều này làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế…
Tuy vậy, trên thực tế, trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn và nhiều tiềm năng. Bằng chứng là, trong suốt thời gian qua, bất chấp khó khăn do khủng hoảng, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam với mong muốn “gửi gắm” các dự án đầu tư lớn. Chẳng hạn, Dự án Thành phố Sáng tạo Nam Tuy Hòa (vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 1,6 tỷ USD) của Tập đoàn Galileo (Mỹ); Dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị của CNT (Hồng Kông), trị giá 1,15 tỷ USD...
Nhìn nhận về xu hướng này, trong một cuộc trao đổi gần đây với phóng viên Báo Đầu tư, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã lấy kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu á năm 1997 để khẳng định rằng, khi kinh tế thế giới hồi phục, đầu tư sẽ trở lại và vì thế, ngay từ bây giờ, Việt Nam phải chuẩn bị để đón lấy thời cơ đó.
Theo ông, thời điểm đầu tư phục hồi sẽ trùng với lúc thế giới tái cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các ngành sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, vì thế rất có thể, những ngành sản xuất, công nghệ gây ô nhiễm môi trường sẽ đổ sang Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam không chỉ cần dọn đường cho nhà đầu tư nước ngoài như đã làm, mà phải chọn lựa trong thu hút đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, trong định hướng thu hút FDI những năm tới, Cục Đầu tư nước ngoài cũng khẳng định sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nguyên Đức
ĐẦU TƯ
|