Chữ “TÍN” doanh nghiệp
Thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng dường như lại do chính các doanh nghiệp nước ngoài phát hiện. Điều này thể hiện qua các hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp tăng lên không ngừng. Khi thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong nước giật mình, nhận thấy đã chọn thị trường chưa tối ưu, đặc biệt chưa nhận thức được vai trò của thị trường nội địa.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động thời điểm này được coi như liều thuốc trợ lực quan trọng kích thích các doanh nghiệp vươn lên.
Các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp cần xác định rõ nhiệm vụ của mình và phải vào cuộc quyết liệt mới mong đem lại kết quả tốt. Trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trong trong việc chỉ đạo điều hành, bởi trong triển khai cuộc vận động sẽ xảy ra nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật, thuế, giá cả...có tác động trực tiếp đến người tiêu cùng và nhà sản xuất.
Các danh nghiệp cũng cần nghiêm túc nhìn lại mình đang đứng ở đâu trên thương trường, xác định điểm mạnh để phát huy và tìm ra điểm yếu so với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại để nhanh chóng khắc phục.
Cũng cần thừa nhận một thực tế, mặc dù hàng nội đã được cải thiện nhưng tâm lý “chuộng ngoại” vẫn còn khá phổ biến ở người tiêu dùng. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
Tâm lý người tiêu dùng bao giờ cũng muốn mua hàng chất lượng, mẫu mã đẹp, giá rẻ...và hàng ngoại thường được ưu tiên nhiều nhất.
Để thay đổi quan điểm của người tiêu dùng, trước hết doanh nghiệp phải tự làm mới mình. Theo đó, hàng hoá sản xuất trong nước phải đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau.
Hiện nay hầu hết các sản phẩm phục vụ tiêu dùng và sinh hoạt hàng ngày, các doanh nghiệp trong nước đều sản xuất được, chất lượng không thua kém hang ngoại. Tuy nhiên, giá thành một số mặt hàng còn cao nên khó cạnh tranh với hàng ngoại.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần xem lại công nghệ, bố trí lao động, nguyên liệu đầu vào...sao cho hợp lý để tiếp tục giảm giá thành.
Nhà nước cũng nên có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ trong nước về thuế, nguồn nguyên liệu, vốn ưu đãi, điện, xúc tiến thị trường...
Có như vậy mới từng bước thay đổi tâm lý “chuộng ngoại” và hình thành ý thức dùng hàng nội trong mỗi người dân.
Việc này phải làm kiên trì, bền bỉ, bằng những hành động cụ thể, trong đó nâng cao chất lượng sản phẩm và giá bán hợp lý là yếu tố quyết định.
Nhiều doanh nghiệp vẫn có suy nghĩ xuất khẩu là nhiệm vụ chính bởi nó thu về “tiền đô”, còn tiêu thị trong nước chỉ là “lượm bạc cắc”, nên họ thời ơ, chưa mạnh dạn đầu tư.
Đây là một quan niệm sai lầm. Về cơ bản, nền kinh tế không thể phát triển phồn thịnh nếu như người dân thích sử dụng hàng ngoại hơn hàng nội. Như vậy doanh nghiệp đã không đứng được ngay tại nước mình, làm sao có thể trụ vững trên thương trường quốc tế?
Điều này thể hiện giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng có mối quan hệ liên đới không thể tách rời: Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải được người tiêu dùng chấp nhận, tin yêu. Lòng tin ấy phải được vun đắp bằng những việc làm cụ thể, với những sản phẩm cụ thể, phục vụ lợi ích cộng đồng.
Chúng ta đánh giá cao vai trò xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, nhưng không thể thờ ơ với tiêu thụ nội địa.
Việc cung ứng những sản phẩm tốt phục vụ tiêu dùng trong nước để mọi người được hưởng lợi là trách nhiệm và từng doanh nghiệp phải ý thức thực hiện.
Ở Nhật Bản và nhiều nước khác, hàng tốt dành tiêu thụ trong nước, tại sao ta không làm như họ? Đây là điều mà doanh nghiệp cần thay đổi tư duy để phục vụ thị trường nội địa tốt hơn.
Thị trường tiêu thụ nội địa cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do đó, những cách kinh doanh kiểu cũ như mua đứt bán đoạn, bán hàng xong là phủi tay, hết trách nhiệm...sẽ khó tồn tại.
Người Việt Nam ai cũng có tinh thần yêu nước và sẵn sàng ủng hộ hàng nội trong điều kiện doanh nghiệp phải coi trọng chữ “TÍN”.
Huỳnh Văn Minh- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
Tổ quốc
|