Năng lượng tái tạo: Vẫn chưa khai thác hiệu quả
Trong khi nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, khí, than đá… - năng lượng không tái tạo - tại Việt Nam đang dần cạn kiệt, thì đến nay các nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa được khai thác và sử dụng một cách triệt để và hiệu quả.
Trên đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại hội thảo về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng thứ Tư, 26-8.
Theo ông Hoàng, dự báo trữ lượng dầu thô, khí của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong vòng 20 – 30 năm tới. Đến năm 2020, khi tất cả các dự án nhiệt điện sử dụng than đá đi vào hoạt động, Việt Nam có thể sẽ phải nhập khẩu thêm mỗi năm khoảng 100 triệu tấn than đá.
“Trong khi đó việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam thời gian qua chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm, do vậy, việc tạo cơ chế, chính sách khuyến khích việc đầu tư sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là vô cùng cần thiết trong lúc này”, ông Hoàng nói.
Với điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo khá lớn và đa dạng như thủy điện, gió, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học... có thể khai thác để đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường ở nước ta. Việt Nam đang có kế hoạch phấn đấu đến năm 2015, nguồn năng lượng tái tạo khai thác đạt mức 5%, năm 2030 đạt mức 10% trong tổng sản lượng điện khai thác.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo, ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường của Quốc hội cho biết, dự kiến, dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được Bộ Công Thương soạn thảo sẽ được Quốc cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 vào tháng 10-2009, sau đó bỏ phiếu thông qua vào giữa năm 2010, dự kiến luật sẽ được ban hành và có hiệu lực vào cuối năm 2010.
Ông Minh nói, sau khi luật này được ban hành, trong những thông tư hướng dẫn thi hành luật, sẽ đưa những nội dung khuyến khích thật cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất và khai thác nguồn năng lượng tái tạo một cách triệt để, đặc biệt là khuyến khích khai thác các nguồn điện từ bãi rác, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học…
“Ngoài những chính sách khuyến khích, cũng sẽ có những cơ chế ràng buộc việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Minh cho hay.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tổ chức, cá nhân trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng dân dụng, hoạt động giao thông vận tải, kinh doanh và sử dụng phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng.
Bộ Công Thương nhận định: hơn 80% nguồn năng lượng sử dụng ở nước ta là nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu có nguồn gốc hữu cơ. Quá trình cháy nhiên liệu nói riêng và hoạt động năng lượng nói chung là yếu tố gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng năng lượng tạo ra khoảng 25% khí CO 2 và khoảng 15% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được chứng minh là biện pháp đầu tư hiệu quả, chi phí tiết kiệm 1 kWh điện năng ít hơn nhiều so với chi phí đầu tư để sản xuất 1 kWh điện trong các nhà máy điện.
Văn Nam
TBKTSG Online
|