Chủ Nhật, 16/08/2009 15:46

Hà Nội quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong 4 năm liên tiếp, Hà Nội luôn đứng trong tốp trung bình về chỉ số năng lực cạnh tranh (chỉ số PCI), điều này cho thấy môi trường kinh doanh - đầu tư của Hà Nội đang có vấn đề.

Với quyết tâm nâng cao chỉ số PCI, Hà Nội đã xây dựng một đề án với những biện pháp rất quyết liệt và cụ thể. Nhưng theo đánh giá, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với Hà Nội.

Còn nhiều rào cản

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2005 là năm Hà Nội có thứ bậc 14/42 tỉnh được xếp hạng (thuộc nhóm khá); năm 2006 tụt xuống nhóm trung bình với vị trí 38/64; năm 2007 trở lại nhóm khá với thứ hạng 27/64; nhưng sang năm 2008, Hà Nội lại tụt 4 bậc, xuống nhóm trung bình với thứ hạng 31/64. Thủ tục hành chính phức tạp, tiếp cận đất đai khó, hạn chế về chất lượng điều hành liên tục là vấn đề được doanh nghiệp (DN) tư nhân tại Hà Nội phản ánh.

Theo kết quả điều tra PCI năm 2008 do Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh (VNCI) thực hiện, trong hầu hết các chỉ số thành phần của PCI, Hà Nội đều đạt điểm khá thấp như: đứng thứ 48/64 về chi phí không chính thức mà DN phải trả; đứng thứ 46 về tính năng động, đặc biệt là đứng cuối bảng về khả năng tiếp cận đất đai. Gần 65% số DN được hỏi cho rằng, việc thiếu mặt bằng đã ảnh hưởng đến việc mở rộng sản xuất kinh doanh của họ. Vấn đề đất đai của Hà Nội, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có thể đúc rút là: hiếm, thiếu, giá cao, bất cập trong giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính.

Cũng theo kết quả điều tra trên, có đến 80% DN tư nhân trên địa bàn thành phố cho rằng, các DN cùng ngành phải trả chi phí không chính thức. Cũng có 62% DN được hỏi xác nhận, công việc của họ được giải quyết sau khi chi trả phí “đen” (ở Đà Nẵng, địa phương đứng đầu bảng xếp hạng, chỉ là 42,6%). Đường giao thông kém và rất kém cũng là đánh giá của 22,29% số DN được hỏi (của Bình Dương là 2,52%). Việc cải cách thủ tục hành chính của Hà Nội cũng được đa phần DN đánh giá ở mức trung bình. Việc cán bộ tỉnh sử dụng các quy định riêng của địa phương với mục đích trục lợi theo kết quả khảo sát tại Đà Nẵng cũng thấp hơn gần gấp đôi so với Hà Nội (37,1% so với 61,33%)… Hà Nội cũng được đánh giá là thiếu năng động, sáng tạo trong việc giải quyết những vướng mắc trong thủ tục hành chính. Đa phần DN cho biết, họ rất khó tiếp cận được những quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách… nếu không có những “mối quan hệ”. Điều này giải thích vì sao chỉ số tính minh bạch của Hà Nội chỉ xếp thứ 23 năm 2008, tụt 7 bậc so với năm 2007.

Quyết tâm cao

Trước thực trạng đó, ngày 20/3/2009, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2010 với rất nhiều giải pháp từ tổng thể tới cụ thể. 4 nhóm giải pháp chung là: tuyên truyền thực hiện dự án; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính; công khai, minh bạch thông tin cho DN. Các giải pháp cụ thể gồm: giải quyết tháo gỡ về mặt bằng sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ công…

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội về tình hình thực hiện đề án tới nay cho thấy, công tác cải cách hành chính đã có chuyển biến đáng kể, nhiều thủ tục hành chính đã được rút gọn hơn, giảm bớt phiền hà và thời gian chờ đợi cho tổ chức và cá nhân. Thành phố đã triển khai hệ thống ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp của thành phố và DN. Tính đến cuối tháng 6/2009, đã có 100% các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố áp dụng hệ thống ISO.

Thành phố cũng thực hiện tốt chính sách của Trung ương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, thủ tục giãn, giảm, miễn thuế, thủ tục hải quan, hỗ trợ lãi suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, cũng theo báo cáo trên, việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: cải cách thủ tục hành chính tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, triển khai chậm, gây khó khăn trong việc giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư; hạ tầng kỹ thuật, xã hội tuy được cải thiện, song vẫn là những vấn đề bức xúc của TP. Việc cung cấp thông tin cho DN còn chưa thường xuyên, thiếu hiệu quả…

Ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, những vấn đề mà DN phản ánh nhiều như đất đai, thủ tục hành chính, cơ chế chính sách cũng là những vấn đề Hà Nội rất quan tâm lâu nay. Cùng với việc ban hành đề án, Hà Nội đã xác định mục tiêu chính là tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển, phấn đấu cải thiện chỉ số PCI của Hà Nội 10 bậc so với năm 2008. Ông Nguyễn Huy Tưởng cũng nhấn mạnh: Mục tiêu của Hà Nội là xây dựng Thủ đô thành trung tâm công nghệ cao, các dự án đầu tư vào Hà Nội phải tính tới hiệu quả sử dụng đất đai, đây là điều các DN cần nhận thức được khi đầu tư vào Hà Nội. Hà Nội không có chủ trương thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Quyết tâm của thành phố là rõ, nhưng việc thể hiện quyết tâm đó như thế nào thì phải đợi thời gian trả lời./.

Thành Huy

VOV

Các tin tức khác

>   Thực phẩm “có vấn đề” trong siêu thị: Ai lừa người tiêu dùng? (17/08/2009)

>   Thêm một khách sạn cao cấp được xây dựng tại quận 1 (16/08/2009)

>   Phải bỏ thói quen “mê đôla, chê khách nội” (16/08/2009)

>   Phấn đấu tăng mức đóng góp GDP cho cả nước (16/08/2009)

>   Thiệt hại khôn lường (16/08/2009)

>   Làng nghề chưa hướng đến sản phẩm du lịch (16/08/2009)

>   Metro đề nghị xét nghiệm thêm 85 tấn thịt đông lạnh (16/08/2009)

>   Quyết liệt và trọng tâm (16/08/2009)

>   Xem xét DN sữa có vi phạm độc quyền (16/08/2009)

>   Tinh thần tự giác còn kém (16/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật