Phải bỏ thói quen “mê đôla, chê khách nội”
Doanh nghiệp phải dung hòa cách sử dụng công nghệ mới kết hợp với các bí quyết, kinh nghiệm gia truyền.
Doanh nghiệp sản xuất ra một sản phẩm có chất lượng chỉ là bước khởi đầu, còn để người tiêu dùng chấp nhận lại là một hành trình dài từ xâm nhập thị trường, sức mua đến tìm hiểu thói quen và thái độ ứng xử văn hóa vùng, miền...
Ông Lê Trung Hải,Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex): Khách nội cũng phải được xài hàng loại một
Trước đây không chỉ dệt may mà rất nhiều doanh nghiệp ngành hàng khác quá chú trọng vào xuất khẩu. Điều này được thể hiện khi hàng loại một được doanh nghiệp đem bán ra nước ngoài, còn hàng loại hai, hàng phế phẩm được tiêu thụ ở thị trường nội địa. Việc làm này tương đối dễ hiểu vì doanh nghiệp chưa hiểu rõ hết tiềm năng của thị trường nội địa cùng với áp lực xuất khẩu để thu ngoại tệ. Chính lối tư duy này đã khiến người tiêu dùng Việt Nam trong một thời gian dài không tin tưởng hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Tuy nhiên, ba, bốn năm lại đây, cách suy nghĩ đó đã dần thay đổi. Riêng Vinatex trong năm 2008, doanh thu trong nước đạt gần 500 tỷ đồng là điều đáng khích lệ.
Để hàng Việt chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nước thì vấn đề chất lượng, giá cả cạnh tranh là điều doanh nghiệp phải chú ý đến đầu tiên. Tiếp theo phải nghiên cứu về mẫu mã, thời trang và thị hiếu người tiêu dùng từng vùng, miền.
Ví dụ như với áo sơmi, quần Tây người miền Bắc thích mặc sát lại một chút, còn ở miền Nam lại thích mặc rộng ra. Về màu sắc, mỗi vùng chuộng một màu riêng chứ không vùng nào giống vùng nào. Cái này tuy nhỏ nhưng nếu doanh nghiệp đáp ứng được sẽ tác động rất lớn để người tiêu dùng quyết định mua hay không.
Vinatex cũng đánh giá cao thị trường nông thôn. Bằng chứng là trong thời gian gần đây, doanh nghiệp của Vinatex tập trung đánh mạnh, mở rộng hệ thống phân phối đi các tỉnh để phục vụ đông đảo người tiêu dùng nông thôn.
Với chủ trương lớn này, Vinatex không có tham vọng chiếm lĩnh hết thị trường nội địa về dệt may. Tuy nhiên, tập đoàn sẽ cố gắng hết sức để phát huy hết khả năng, sở trường của từng doanh nghiệp, cũng như tạo thêm thu nhập cho cán bộ, công nhân viên. Quan trọng hơn, chiếm lĩnh thị trường nội địa chính là thể hiện lòng tự trọng của doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Hạnh,Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa):Không nên coi thị trường nội là tạm thời
Ngành gỗ chiếm lĩnh được thị trường trong nước là một câu chuyện dài. Việc chiếm lĩnh không dễ vì lâu nay doanh nghiệp gỗ chỉ chú trọng tới xuất khẩu mà không chú trọng nhiều vào thị trường nội địa. Vì vậy, sản phẩm gỗ đi sâu vào thị trường trong nước cần phải xây dựng một chiến lược dài hơi. Doanh nghiệp không nên nghĩ việc xâm nhập thị trường trong nước là tạm thời khi thị trường xuất khẩu gặp phải khó khăn. Cho nên dù có chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt nhưng ngành gỗ sẽ không đáp ứng được nhiều trong ngày một ngày hai.
Với thị trường nông thôn cũng vậy. Doanh nghiệp gỗ xác định đây là thị trường tiềm năng nhưng để tiêu thụ được, để người tiêu dùng ở nông thôn chấp nhận lại quá khó.
Cái khó của doanh nghiệp gỗ khi muốn bán sản phẩm do mình sản xuất là hệ thống phân phối gỗ trong nước không nhiều để doanh nghiệp lựa chọn. Vì vậy, doanh nghiệp nào muốn bán hàng trong nước thì tự thân vận động, xây dựng hệ thống phân phối.
Cũng như các mặt hàng khác, để người tiêu dùng tin cậy thì doanh nghiệp phải biết làm ra sản phẩm với mẫu mã, giá cả phù hợp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nhận thức đầy đủ về lợi ích khi mua hàng Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Trọng,Giám đốc kinh doanh Công ty Sữa VinaCali: Nắm thị phần nông thôn bằng sản phẩm tiện lợi
Trước tiên phải khẳng định sản phẩm sữa của công ty chúng tôi đều đạt chất lượng cao vì sử dụng nguyên liệu nhập ở các quốc gia như Úc, New Zealand. Mặt khác, quy trình sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tôi muốn nói tuy ở thành thị sản phẩm sữa VinaCali ít được biết đến nhưng ở các tỉnh miền Trung, miền Tây, vùng nông thôn sản phẩm sữa Vina Cali tiêu thụ khá mạnh.
Sở dĩ có được thị phần lớn tại các vùng này là do công ty nắm bắt được thói quen của người tiêu dùng địa phương. Như các tỉnh miền Tây, các bà nội trợ hay mua sữa đóng gói bằng giấy, họ ít chọn mua các loại sữa đóng trong hộp thiếc.
Người dân miền Tây cho biết mua sữa trong hộp giấy vừa giá rẻ lại tiện lợi vì khi mang về có thể cắt ra đổ vào hộp thiếc để sử dụng dần dần. Chính vì thói quen này mà những hãng sữa lớn hay sữa ngoại đóng trong hộp thiếc về miền Tây không thuận lợi như sản phẩm sữa của chúng tôi.
Riêng các tỉnh miền Trung, Công ty VinaCali không chỉ giao hàng cho các đại lý phân phối mà còn trực tiếp đi bán lẻ để tiếp cận nhanh với khách hàng. Việc kinh doanh linh hoạt như vậy giúp công ty giải quyết rất nhanh các sự cố, các thắc mắc của đại lý... nên được người tiêu dùng tin tưởng. Ở đây tôi muốn nói rằng tại mỗi khu vực, mỗi vùng, miền doanh nghiệp phải dựa vào tâm lý, thói quen sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng nơi đó mà có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Ông Phan Bảo Tâm,Giám đốc Công ty Nước chấm Mê Kông: Phải quan tâm đến khẩu vị của người dân
“Cơn bão 3-MCPD” xảy ra năm 2007 đã làm nhiều doanh nghiệp trong ngành này điêu đứng, thậm chí có nhiều cơ sở nhỏ đã phá sản. Lúc ấy để tồn tại, các doanh nghiệp đồng loạt thay đổi công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất của doanh nghiệp sản xuất nước tương không phải công nghệ mới mà là ở mùi vị của sản phẩm. Bởi lẽ trong thời điểm đó, doanh nghiệp đã làm ra được nước tương sạch nhưng thị trường vẫn không chấp nhận. Nguyên nhân chỉ vì mùi vị nước tương mới, được sản xuất theo quy trình mới không hợp khẩu vị của người tiêu dùng đã quen ăn nước tương được sản xuất hàng trăm năm.
Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp liên tục gặp nhau bàn bạc, thậm chí có doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường nhưng vẫn tham gia hiến kế. Cuối cùng cũng tìm được giải pháp dung hòa cách sử dụng công nghệ mới kết hợp với các bí quyết, kinh nghiệm gia truyền để làm ra nước tương có mùi vị gần giống như cũ nhưng vẫn bảo đảm. Qua đợt khủng hoảng đó, hiện sản phẩm nước tương của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Mê Kông đã lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Bây giờ dù sản phẩm đã bán rộng rãi trong nước và mỗi năm còn xuất khẩu ra nước ngoài hàng chục ngàn tấn hàng, thế nhưng mỗi lần nhớ lại tôi thấy chính vì doanh nghiệp làm được sản phẩm hợp với thói quen ăn uống hằng ngày của người dân nên mới tồn tại.
BÙI NHƠN - TRUNG HIẾU
Pháp Luật
|