Chủ Nhật, 16/08/2009 10:25

Môi trường đầu tư miền Trung:

Tinh thần tự giác còn kém

Hầu hết hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước có mặt tại diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nhật tổ chức ở Đà Nẵng ngày 14/8 đều tập trung vào hai rào cản lớn về cơ sở hạ tầng, và chất lượng của nguồn nhân lực.

Ông Lê Hữu Quang Huy (Phó Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, Bộ KH&ĐT) nêu thực tế cơ sở hạ tầng còn chưa phát triển và thiếu đồng bộ.

Kết cầu hạ tầng các khu kinh tế mới thành lập gần đây, như Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên... phát triển quá chậm so với nhu cầu thu hút vốn đầu tư các dự án FDI. Tình trạng thiếu điện, cắt điện không theo lịch khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Hideo Hosoya, có hệ thống cảng biển dọc miền Trung, nhưng chi phí vận chuyển cao, tàu thuyền ít, số ngày trên biển dài đang gây khó khăn cho một số doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn.

Cụ thể, hàng hóa gửi đi Nhật Bản, từ Đà Nẵng nếu so với TPHCM, chi phí vận chuyển cao gấp 1,5 lần, số ngày trên biển dài gấp hai lần – Ông Hosoya lấy ví dụ. Chưa kể tình trạng, hiện vẫn chưa có đường bay nào trực tiếp từ Nhật Bản đến Đà Nẵng mà phải đi đường vòng qua Hà Nội hoặc TPHCM.

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật lành nghề, nhất là tại các khu kinh tế. Cũng theo ông Hosoya: tinh thần tự giác của lao động còn kém, không có ham muốn phát triển và kiếm tiền.

Lợi thế phần cứng, phần mềm

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Hữu Quang Huy nhấn mạnh: “Miền Trung hội tụ đầy đủ các lợi thế cả phần cứng và phần mềm. Nằm trên trục giao thông Bắc – Nam, điểm cuối của hành lang kinh tế Đông – Tây, nhiều vịnh nước sâu kín gió, hệ thống cảng biển, sân bay, tài nguyên thiên nhiên và du lịch mang tính chất đặc thù. Các tỉnh, thành miền Trung xếp ở vị trí cao về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó Đà Nẵng dẫn đầu năm 2008, thủ tục hành chính về đầu tư được cải tiến mạnh mẽ, chính quyền doanh nghiệp và dân địa phương có thái độ thân thiện giúp đỡ doanh nghiệp FDI...”.

Ông Hideo Hosoya, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng cũng nhận định: “Lý do để các doanh nghiệp Nhật Bản vào miền Trung là những lợi thế về nhân công, chế độ ưu đãi, tình cảm dành cho phía Nhật và, nếu so với các nước khác trong khu vực, thị trường miền Trung ổn định hơn rất nhiều”.

Theo thống kê, đến nay đã có gần 90 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn FDI lên đến 166 tỷ USD với gần 11.000 dự án còn hiệu lực.

Riêng miền Trung, tính đến cuối tháng 7/2009, 11 địa phương thu hút được 470 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 18 tỷ USD, bằng khoảng 11 phần trăm tổng vốn đầu tư cả nước.

Đáng nói, bình quân các dự án FDI ở khu vực này lên gần 38 triệu USD/dự án, cao hơn 2,5 lần so với bình quân cả nước (16 triệu USD/dự án). Riêng ba năm (2006 – 2008), tổng vốn đầu tư FDI vào miền Trung đã gấp 30 lần của 20 năm trước.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mituso Sakaba cho biết, gần 40 doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Trung Bộ cho thấy sức hút của khu vực này đang có hướng tăng nhanh so với hai đầu đất nước.

Theo ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thành phố có 34 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản với tổng vốn đầu tư trên 178 triệu USD.

* Các dự án tại miền Trung nổi bật như các dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô của Anh và Nga (1,7 tỷ USD), New City Việt Nam của Brunei (4,3 tỷ USD, ở Phú Yên), Khu đô thị quốc tế Đa Phước của Hàn Quốc (250 triệu USD, tại Đà Nẵng), dự án Laguma Huế của Singapore (875 triệu USD), tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô Thừa Thiên - Huế vừa mới khởi công ngày 1/8/2009...

* Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, TP đang đề nghị Chính phủ, Vietnam Airlines cùng các hãng lữ hành Nhật Bản xúc tiến mở đường bay trực tiếp từ Nhật đến Đà Nẵng nhằm khai thác thị trường du lịch miền Trung và góp phần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư FDI.

Nguyễn Huy

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   Khó đạt tăng trưởng 3% kim ngạch xuất khẩu (15/08/2009)

>   Thiếu chiến lược cạnh tranh (15/08/2009)

>   Từ những chuyến đò ngang ở Ka Long... (15/08/2009)

>   4 tỉ USD xây tuyến đường sắt TPHCM-Cần Thơ (15/08/2009)

>   Giảm giá thuê văn phòng: Chuyện nhỏ (15/08/2009)

>   Hạn chế đầu cơ bất động sản cách nào? (15/08/2009)

>   Giá đất đền bù phải theo giá thị trường (15/08/2009)

>   Thách cược 5 triệu USD cho ‘đường bay vàng’ (15/08/2009)

>   Cá tra và basa của Việt Nam tiêu thụ tốt ở thị trường Mỹ (15/08/2009)

>   Gần 100 container thịt đông lạnh kẹt cảng: Lỗi chính do DN? (15/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật