Thứ Bảy, 15/08/2009 15:59

Hàng Trung Quốc thả cửa vào Việt Nam

Từ những chuyến đò ngang ở Ka Long...

Chỉ một chuyến đi dọc bờ sông Ka Long, người ta có thể dễ dàng xác thực: hàng hoá Trung Quốc ứ đọng đang đổ vào Việt Nam.

Những chiếc đèn lồng đỏ vẫn treo cao dọc Phố Bộ Hành, khu mua sắm nổi tiếng nhất của Đông Hưng, giáp thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh. Thế nhưng, chúng không giấu nổi bầu không khí thật buồn tẻ và vắng lặng. Một vài chủ cửa hàng người Trung Quốc nằm co ngủ, một số khác túm tụm chơi bài. Không còn thấy cảnh khách du lịch người Việt hay Trung Quốc đại lục đi lại nườm nượp như cách đây vài năm. “Không có bán được hàng đâu”, một chủ cửa hàng người Trung Quốc nói bằng giọng lơ lớ. Rõ ràng, khủng hoảng kinh tế đã để lại dấu ấn rất đậm của nó trên khu phố mua sắm sầm uất nhất của Đông Hưng.

Ngăn sông nhưng không cấm chợ

Đây chính là điều gây lo lắng cho các nhà quản lý thương mại Việt Nam: hàng hoá Trung Quốc ứ đọng có thể đổ vào Việt Nam. Thực tế có vẻ là vậy. Cách đó chỉ khoảng 1km, dọc con sông Ka Long phía bên bờ Đông Hưng, quang cảnh đã thay đổi hẳn: sầm uất, náo nhiệt, nhộn nhạo bởi các hoạt động thương mại tiểu ngạch.

Chúng tôi đi dọc bờ sông Ka Long nay đã cạn kiệt nước. Những dãy đò chứa đầy hàng hoá nằm chen chúc nhau suốt dọc tuyến. Hàng trăm “cửu vạn” người Trung Quốc mồ hôi mồ kê nhễ nhại đang xếp hàng lên các con đò. Hàng hoá Trung Quốc ở đây, cũng giống như những gì chúng tôi nhìn thấy ở phía sau đường mòn Gốc Bưởi của tỉnh Lạng Sơn, đủ chủng loại: từ đồ điện máy, quần áo, vải vóc, cho đến phân bón… Những bao hàng này được vận chuyển ra bờ sông bởi hàng trăm chiếc ôtô tải nhỏ chạy tới chạy lui liên tục. Rất nhiều căn nhà trong khu dân cư sát bờ sông đã được tổ chức lại thành các kho chứa hàng. Hoạt động “thương mại tiểu ngạch”, một cách không thể chối cãi, đã trở nên quy mô và được tổ chức tốt như thế nào ở phía bên kia bờ sông.

Ở bên này bờ sông phía Việt Nam, tình hình trông có vẻ được kiểm soát tốt. Cửa khẩu duy nhất Ka Long có đầy đủ các ngành chức năng gồm biên phòng, hải quan, kiểm dịch; trong khi cả một tuyến đường dài giáp bờ sông đã được chính quyền thành phố Móng Cái biến thành công viên với đầy đủ tường rào nhằm chống việc chuyển hàng vào. “Vậy, những con thuyền chở đầy hàng lậu đó về Việt Nam như thế nào?”, chúng tôi băn khoăn hỏi Trần Sỹ, một chủ thuyền. “Các anh cứ đi rồi sẽ rõ”, Sỹ cười rồi nổ máy lái thuyền đi.

Trên sông, cách cầu Ka Long vài trăm mét đã có thể thấy rõ hàng được chuyển về Việt Nam như thế nào. Những bến đò nho nhỏ nối các khu dân cư người Việt với dòng sông chính là nơi mà hàng Trung Quốc được tuồn vào Việt Nam. Chỉ đi dọc con sông chừng 2km, chúng tôi đếm được vài chục bến như vậy. Các cửu vạn người Việt, cũng giống như các đồng nghiệp của họ bên kia biên giới, đang hì hụi vác các bao hàng lên bờ. Sỹ giải thích, việc chuyển hàng như vậy là điều “rất đỗi bình thường” ở vùng này. Quả thật, khi quay lại dòng sông vào lúc chiều tối, chúng tôi vẫn chứng kiến những hoạt động như vậy.

Hàng lậu là chủ yếu

Thương mại tiểu ngạch, hay nói thẳng là buôn lậu không còn lạ gì với người dân Móng Cái. Hai ngày ở thành phố này, chúng tôi đã có dịp chứng kiến và phỏng vấn khoảng 20 người dân gồm chủ quán nước, lái xe ôm, chủ cửa hàng, và cả người bản địa mà chúng tôi vô tình gặp. Tất cả mọi người đều khẳng định, phần lớn hàng hoá Trung Quốc bán ở Móng Cái đều là hàng lậu, rất rẻ so với ở các chợ nội địa trong Việt Nam. Theo UBND thành phố Móng Cái, có tới hơn 80% trong tổng số gần 300 triệu USD đầu tư nước ngoài là của người Trung Quốc. Họ đã chiếm gần như toàn bộ các khu trung tâm thương mại có vị trí tốt nhất ở thành phố này, và cho thuê lại để bán hàng Trung Quốc.

Trần Thị Thắm, một chủ cửa hàng ở trung tâm thương mại Việt – Trung nhận xét: “Người dân ở đây không dùng hàng Việt, trừ đồ ăn”. Điều này không lạ gì với trạm trưởng trạm Biên phòng cửa khẩu Ka Long Vũ Trọng Quỳnh. Trong phòng khách của trạm, trừ duy nhất bộ bàn ghế là của Việt Nam, tất cả đồ đạc còn lại, từ tivi, phích điện, ấm chén… cho đến hơn chục khung treo bằng khen của trạm đều là của Trung Quốc. “Nói thật, hàng Trung Quốc rẻ thế nên chúng tôi dùng thôi”, ông Quỳnh giải thích.

Theo thống kê của UBND thành phố Móng Cái, nhập khẩu từ Trung Quốc sáu tháng đầu năm 2009 chỉ 124 triệu USD, bằng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này được lãnh đạo thành phố giải thích là vì khủng hoảng kinh tế. Thế nhưng, con số chính thức này, theo nhiều chuyên gia kinh tế, còn lâu mới phản ánh đúng thực tế ở đây.

Bất kỳ lúc nào, những chiếc xe hơi đắt tiền như Lexus, Camry, Mercedes vẫn thường đậu dày đặc ở khu phố “quan”, cách chợ trung tâm 1 của Móng Cái chỉ vài bước chân. Đó là biểu tượng của sự phồn thịnh của tầng lớp giàu có đang xuất hiện ngày càng nhiều ở thành phố vùng biên trù phú nhất Việt Nam. Nhưng chỉ cách đó 1km, mọi thứ đã khác. Người lái đò tên Sỹ chở chúng tôi về thăm nhà – hay đúng hơn là một túp lều trong khu nghĩa địa Tây. Cả bốn anh em Sỹ nay thành thất nghiệp dù họ vẫn có đò. “Các anh biết không, các chủ hàng không thuê những người lẻ như bọn em nữa. Họ đóng luôn vài chục cái để tiện đưa hàng Trung Quốc về Việt Nam”, Sỹ nói.

Trần Việt Đức – Tư Giang

Sài Gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   4 tỉ USD xây tuyến đường sắt TPHCM-Cần Thơ (15/08/2009)

>   Giảm giá thuê văn phòng: Chuyện nhỏ (15/08/2009)

>   Hạn chế đầu cơ bất động sản cách nào? (15/08/2009)

>   Giá đất đền bù phải theo giá thị trường (15/08/2009)

>   Thách cược 5 triệu USD cho ‘đường bay vàng’ (15/08/2009)

>   Cá tra và basa của Việt Nam tiêu thụ tốt ở thị trường Mỹ (15/08/2009)

>   Gần 100 container thịt đông lạnh kẹt cảng: Lỗi chính do DN? (15/08/2009)

>   Giá đường sốt ảo (15/08/2009)

>   Vào WTO 2 năm vẫn chưa rành luật (15/08/2009)

>   Nhà sản xuất phải chủ động “cám dỗ” người tiêu dùng (15/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật