Nhà sản xuất phải chủ động “cám dỗ” người tiêu dùng
Cùng một sản phẩm Việt Nam nhưng khi mang mác ngoại thì người tiêu dùng chọn ngay và sản phẩm ấy được bán với giá cao! Đây là ý kiến xuyên suốt của ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op Mart trao đổi về vấn đề làm gì để thu hút người Việt dùng hàng Việt.
Quà ngoại... made in Vietnam!
Ông Hòa kể câu chuyện có người được người thân ở nước ngoài gửi về cho món quà và khi mở ra thì món đồ đó là chiếc áo sơmi có mác “Made in Vietnam”. Dẫn chuyện như vậy và ông Hòa kết luận hiện nay năng lực của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có thể sản xuất ra được các sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và mẫu mã không thua gì hàng ngoại.
Vì thế mới có chuyện sản phẩm thì do Việt Nam sản xuất nhưng lại mang mác ngoại bán tại các siêu thị nước ngoài. Ông Hòa nhấn mạnh DN trong nước hiện đủ tầm để chiếm lĩnh thị trường nội địa. Tuy nhiên, hàng Việt hiện còn ít được biết đến và người tiêu dùng trong nước còn nghi ngại là do DN chưa chủ động thông tin.
Người Việt ít biết đến hàng Việt có phải do DN trong nước chưa hợp tác với nhà phân phối để thông tin rõ ràng về sản phẩm, thưa ông?
+ Đúng vậy. Với cùng một sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất nhưng khi mang thương hiệu ngoại thì người tiêu dùng chọn ngay và sản phẩm ấy được bán với giá cao. Tôi ví dụ, cũng cái áo trong nước sản xuất nhưng khi Việt kiều mua về tặng thân nhân và bảo mua ở nước ngoài thì người thân rất thích và còn có cảm giác hàng đó rất có giá trị.
Mặt khác, thường các DN Việt Nam chỉ chuyên một mặt hàng, một ngành hàng, nếu chuyên về xuất khẩu, thì chỉ làm hàng xuất khẩu bỏ thị trường nội địa và ngược lại. Thậm chí ngay trong thị trường nội địa, DN đã bỏ mất nhiều thị phần tiềm năng.
Quên thị trường nông thôn
Ý ông muốn nói DN trong nước đã bỏ quên thị trường nông thôn?
+ Dân số Việt Nam hơn 80 triệu người, phần lớn sinh sống ở vùng nông thôn. Vì vậy đây là đất sống cho DN nào biết nhắm vào thị phần này. Tại sao nhiều DN không nhắm vào đây vạch kế hoạch sản xuất kinh doanh?
Ở đây tôi muốn nói khi đưa một sản phẩm ra thị trường thì nhà sản xuất phải biết nhắm đến nhiều cấp độ sản phẩm khác nhau. Như quần áo, gói bột giặt, lon nước uống..., DN cũng nên chia thành nhiều phân khúc khác nhau. Ví dụ, một sản phẩm cao cấp có giá trị cao như áo An Phước thì phải được phân phối ở nơi người dân có thu nhập cao chứ nếu đem về tiêu thụ ở nông thôn là không phù hợp. Rõ ràng trong chuyện này còn có vấn đề quản trị, vạch chiến lược của từng DN. Tôi muốn nói DN sản xuất phải lựa chọn những phân khúc mà DN có thế mạnh, có như vậy sản phẩm làm ra mới đủ sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Phải có những DN chuyên “đánh” hàng cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, đưa hàng về nông thôn phải phù hợp tập quán tiêu dùng, sức mua, thu nhập của người dân nơi đó chứ không thể cứ đem sản phẩm giá trị cao về bán.
Như vậy DN sản xuất phải là chủ công trong việc thu hút người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của mình?
+ Hoàn toàn như vậy. Hiện nay đại bộ phận DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa. Vì thế, máy móc, nhân lực, tài chính... còn khó khăn nhiều. Nhưng không phải cứ lực yếu mà ỷ lại, không chủ động tiếp cận khách hàng. Yếu thì phải biết đầu tư đúng chỗ như không đầu tư dàn trải cho tất cả thị trường... DN phải biết mình là ai, năng lực đến đâu và làm ra sản phẩm bán cho ai.
Làm gì để hàng Việt không lép vế?
DN nội hiện không quảng cáo lớn, trang bị máy móc tân tiến... Vậy làm gì để hút người tiêu dùng biết đến sản phẩm, thưa ông?
+ Để chiếm lĩnh lòng tin người tiêu dùng, một DN phải làm nhiều công đoạn. Nhưng điều tiên quyết là phải sản xuất ra sản phẩm có chất lượng. Vì vậy phải biết chọn ra đâu là thế mạnh của mình và dồn sức cho lĩnh vực đó. Như một, hai năm đầu dồn sức cho chất lượng, hai năm sau dồn sức cho bao bì, mẫu mã, rồi tiếp đến quảng bá, marketing. DN không nên căng sức cho ba, bốn lĩnh vực cùng lúc.
Tuy nhiên, tôi lưu ý điều mà DN hoàn chỉnh được và không tốn sức nhiều là huấn luyện thái độ phục vụ cho nhân viên và chấn chỉnh công tác hậu mãi... Nếu DN nào làm tốt các việc này thì sẽ lấy được sự tín nhiệm của khách hàng rất nhanh và sản phẩm cũng nhanh chóng được mọi người biết đến.
Tuy nhiên, trong quá trình để hàng Việt được người Việt mua sử dụng nhiều thì còn là một chuỗi tác động của nhiều nhân tố khác. Như sự nỗ lực sản xuất hàng chất lượng cao của DN thì phải sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong việc chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và sau cùng là sự hỗ trợ thông tin tuyên truyền của báo chí.
. Xin cảm ơn ông.
Đi chợ chỉ nghe giới thiệu hàng ngoại
Chiều 14-8, tôi đi chợ Bến Thành mua một chiếc vali kéo. Khi đến nơi, tôi thấy có rất nhiều mẫu mã bắt mắt nhưng khi đó vẫn chưa biết đâu là hàng nội, đâu là hàng ngoại. Thấy tôi có vẻ e dè về mức giá khá cao, bà chủ cửa hàng liền giới thiệu cho tôi những chiếc loại giá mềm hơn và kèm theo câu “Đây là hàng của Việt Nam”.
Nghe vậy, tôi mừng quá vì người Việt dùng hàng Việt là điều nên làm. Nhưng bà bán hàng này lại cố giới thiệu thêm: “Chiếc vali này là của Trung Quốc, chiếc này là hàng của Đài Loan, chỉ đắt hơn có 20.000 đồng thôi nhưng lại đẹp”. Bà này còn nói thêm khá nhiều lời giới thiệu về các mặt hàng ở đây, đặc biệt là hàng của Trung Quốc. Bà cho rằng hàng Trung Quốc giá mềm mà kiểu dáng lại đa dạng, dễ bán chứ không như hàng Việt Nam. Tôi cười xòa và vẫn nhất định không chịu lấy hàng của nước khác dù có thể đúng là nó đẹp hơn một chút.
Cuối cùng, tôi vẫn chọn cho mình một chiếc vali hiệu Sakos sản xuất tại Việt Nam. Có thể ai đó nói tôi quá cực đoan nhưng để lựa chọn lại thì tôi sẽ vẫn làm vậy. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng đúng là hàng của các nước khác giờ vào thị trường chúng ta rất nhiều và giá cả phải chăng. Hôm nay, tinh thần mua hàng trong nước của tôi còn cao vì hợp với túi tiền của mình. Nhưng có phải khi nào túi tiền cũng cho phép tôi chọn sản phẩm nội giá cao hơn rất nhiều.
Vì vậy, thiết nghĩ DN nội cũng nên phân khúc thị trường rõ ràng. Có những sản phẩm dành cho người thu nhập cao, chất lượng tương xứng nhưng cũng có những sản phẩm phải có giá mềm để phục vụ người bình dân. Có nhiều sự lựa chọn như vậy thì tôi tin rằng người Việt Nam sẽ ủng hộ nhiệt tình cho hàng trong nước.
Lại nói về văn hóa tiêu dùng, trước đây, tôi nhớ một người bạn Hàn Quốc sang Việt Nam du học. Anh này cần mua một chiếc xe máy để đi lại. Khi bạn bè giới thiệu cho chiếc xe Nhật thì anh nhất định không đồng ý và bằng mọi cách đi lựa chiếc xe Hàn Quốc. Lý do anh bạn này nói với chúng tôi thật đơn giản: “Tôi muốn mua xe Hàn Quốc vì tôi biết đồng tiền đó sẽ được chuyển về nước tôi”.
Có lẽ giờ đây để phân biệt hàng nội và hàng ngoại thì luôn luôn có sự khập khiễng. Tôi tin rằng nếu DN trong nước luôn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì sẽ chẳng có ai từ chối hàng Việt cả.
Bùi Nhơn - Thành Vinh
Pháp luật
|