Doanh nghiệp gặp khó vì chuẩn mực kế toán
Ngoài những khó khăn do chịu tác động từ suy thoái kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối phó với sự gia tăng các vụ kiện chống bán phá giá. Một khi bị điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp trong nước còn chịu thiệt thòi không nhỏ bởi chuẩn mực kế toán mà họ đang áp dụng có nhiều điểm không phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với giáo sư, tiến sĩ Võ Thanh Thu, Trưởng bộ môn kinh doanh quốc tế thuộc trường Đại học Kinh tế TPHCM, thành viên trọng tài quốc tế Việt Nam, xung quanh những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.
Thưa bà, thông thường trong các vụ kiện chống bán phá giá, các phái đoàn điều tra của nước có doanh nghiệp khởi kiện sang Việt Nam thẩm tra cụ thể tại các doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc hoặc tự nguyện. Xin bà cho biết các dữ liệu mà các nhân viên điều tra thường tập trung làm rõ là gì?
- Có 5 chủ đề chính ở doanh nghiệp mà phái đoàn điều tra chống bán phá giá quan tâm. Đầu tiên là cơ cấu bộ máy, tổ chức và lịch sử hình thành phát triển của công ty; hoạt động kế toán và kiểm toán của công ty; tình hình tiêu thụ sản phẩm; tình hình xuất khẩu sang nước nhập khẩu đang khởi kiện và cuối cùng là tổ chức sản xuất và xuất khẩu.
Một bất lợi hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam là nhiều nước còn xem Việt Nam là một nước có nền kinh tế phi thị trường nên một trong những nội dung quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần làm là chứng minh doanh nghiệp mình hoạt động theo cơ chế thị trường, hạch toán chi phí và tính giá xuất khẩu theo chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, từ vụ kiện chống bán phá giá cá tra, ba sa, vụ kiện tôm tới vụ kiện giày mũ da, các doanh nghiệp trong nước than phiền về chuẩn mực kế toán của chúng ta có khác biệt nên khó cho doanh nghiệp khi giải trình. Bà có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?
- Chuẩn mực kế toán hiện hành chưa phù hợp với các báo cáo tài chính quốc tế. Chúng ta có 26 chuẩn mực, trong khi chuẩn mực kế toán quốc tế có tới 38, sự khác biệt về chuẩn mực sẽ ảnh hưởng tới hạch toán chi phí, giá thành.
Lấy ví dụ chuẩn mực về hạch toán chi phí, trong khi Việt Nam cho phép hạch toán các loại chi phí như chi phí thành lập doanh nghiệp, chi quảng cáo, đào tạo, nghiên cứu… vào nhiều kỳ hoạt động (phân bổ không quá 3 năm), thì theo chuẩn mực quốc tế, các loại chi phí này phải được hạch toán vào chi phí hoạt động của kỳ phát sinh chi phí đó.
Do vậy, nếu so sánh hai cách hạch toán thì rõ ràng giá thành của ta sẽ thấp hơn nếu so với chuẩn mực quốc tế bởi nhiều khoản chi được phân bổ trong một thời gian dài.
Một yếu tố khác gây bất lợi không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam là khoản mục công cụ, dụng cụ. Chuẩn mực kế toán quốc tế thì không có khoản này, mà chỉ phân biệt một là chi phí tính vào yếu tố đầu vào của giá thành, hai là tài sản cố định.
Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, nếu tài sản chưa đủ tiêu chuẩn xem là tài sản cố định (tài sản cố định phải có giá trị trên 10 triệu đồng và thời gian hữu dụng trên 1 năm) thì tài sản đó được xem là công cụ, dụng cụ hoặc chi phí trả trước sẽ được phân bổ trong nhiều kỳ. Thế nhưng quốc tế thì họ xem là yếu tố đầu vào và phải hạch toán hết vào chi phí sản xuất ngay trong kỳ. Do vậy nếu so sánh tại một thời gian nhất định thì giá thành sản phẩm theo phương pháp tính của ta sẽ thấp hơn nếu tính theo quốc tế.
Thực tế là trong vụ điều tra chống bán phá giá cá tra, bên nguyên đơn đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xem xét tính không trung thực của cách tính giá thành của một công ty thủy sản lớn của Việt Nam. Phía nguyên đơn cho rằng công ty bị đơn của Việt Nam đã không đưa vào hạch toán một số chi phí sản xuất như túi nylon, dây thun. Trong quá trình thẩm tra, DOC đã nhận thấy công ty bị đơn không tính vào giá thành chi phí mua túi nylon, dây thun do công ty này tái sử dụng nhiều lần nhưng khi mua ban đầu, đã tính một lần vào giá thành sản phẩm như một cách hạch toán vốn lưu động.
Thế nhưng theo DOC, túi nylon hay dây thun được tái sử dụng nhiều lần thì được xem là tài sản chứ không phải hạch toán dưới dạng nguyên liệu đầu vào. Cũng bởi cách hạch toán khác nhau nên DOC không chấp nhận cách giải thích của công ty Việt Nam.
Đây cũng là một bất lợi nữa, cái ta cần hạch toán một lần thì họ lại chia ra nhiều lần, còn khi ta hạch toán phân bổ nhiều lần thì họ chỉ tính 1 lần khi phát sinh.
-Như vậy làm sao doanh nghiệp khi bị kiện, cung cấp cho phái đoàn điều tra hồ sơ chứng từ đúng theo tiêu chuẩn quốc tế?
- Những doanh nghiệp lớn có những mặt hàng có khả năng bị khiếu kiện, có kim ngạch xuất khẩu hơn 20 triệu đô la Mỹ mỗi năm thì hàng năm nên thuê các công ty kiểm toán quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam thực hiện nghiệp vụ chuyển đổi cách ghi chép sổ sách, chứng từ theo chế độ kế toán Việt Nam sang chế độ kế toán theo chuẩn mực quốc tế.
-Xin cám ơn bà!
Bà Võ Thanh Thu cùng một số cộng sự đã nghiên cứu đề tài cấp thành phố về “Đề xuất những giải pháp đối phó với rào cản chống bán phá giá ở nước nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam-trường hợp TPHCM” và bà đã xuất bản cuốn sách Cẩm nang phòng ngừa và đối phó các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam vào tháng 3 năm nay.
Tính từ năm 1994 tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam bị các nước nhập khẩu kiện 39 lần nhưng chỉ có 6 vụ nguyên đơn rút đơn kiện, còn lại phần lớn doanh nghiệp trong nước thua kiện.
|