Đưa ngành thép vượt qua khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến cho nhu cầu về thép tại hầu hết các thị trường trên thế giới giảm mạnh, tiêu thụ chậm. Do đó, xảy ra tình trạng các doanh nghiệp thép nước ngoài đã đưa các sản phẩm phôi và thép thành phẩm vào Việt Nam bán phá giá.
Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ năm 2014 trở đi, khi Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu thép xuống còn 0-5% và theo cam kết khu mậu dịch tự do trong khuôn khổ hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung CEPT/AFTA từ năm 2006 Việt Nam có 5.000 dòng thuế chỉ còn 0-5%, trong đó có thép và đến năm 2015 chỉ còn mức 0%.
Vì vậy, trong tương lai ngành thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn hơn hiện nay.
Chồng chất những khó khăn
Từ đầu năm 2008, giá thép trên thế giới tăng cao và đạt đỉnh vào đầu tháng 7 với giá chào phôi thép lên trên 1.000-1.100 USD/tấn, thậm chí là 1.200 USD/tấn. Trong khi đó, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt biện pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội hướng tới tăng trưởng bền vững, trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp giữ giá bán thép. Chính điều này đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá thép trong nước và giá thép thế giới.
Đến cuối tháng 7/2008, khủng hoảng toàn cầu bùng phát. Giá nguyên liệu thép bất ngờ giảm mạnh. Chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 12, giá nguyên liệu thép đã giảm 2/3 (giá phôi chỉ còn khoảng 300 USD/tấn) so với thời kỳ đỉnh cao. Thế nhưng, các nhà sản xuất vẫn không tiêu thụ được sản phẩm do nhu cầu thép xuống thấp.
Các biện pháp đã được chính phủ nhiều nước áp dụng như giảm thuế, miễn thuế, hạ lãi suất tín dụng, hỗ trợ xuất khẩu, bảo hộ thị trường trong nước, khuyến khích sử dụng sản phẩm nội địa thay cho sản phẩm nhập khẩu... đã phần nào giúp ngành thép vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời tạo ra một lượng hàng giá thấp để bán ra nước khác, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong quý 1/2009, thép nước ngoài được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam với mức bình quân 38 nghìn tấn/tháng thép cuộn phi 6, 8 làm cho thị phần tiêu thụ thép cuộn của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước giảm sút từ 25–30% xuống còn 20%, đặc biệt là thép cuộn từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nguyên nhân làm cho sản phẩm thép Việt Nam khó cạnh tranh được với thép nước ngoài, đó là quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ ở trình độ thấp, phần lớn lại tập trung vào khâu nhập phôi về để cán thép, chỉ có số ít có đầu tư từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn để luyện và cán thép sản phẩm...
Những khó khăn trên cộng với chi phí đầu vào cao làm cho thép Việt Nam sản xuất có giá cao và chất lượng thấp, khó cạnh tranh được với thép nước ngoài nhập khẩu.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) được Nhà nước giao nhiệm vụ bình ổn thị trường thép. Với trách nhiệm đó, VNSteel đã đưa ra nhiều biện pháp để cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát, vượt qua khủng hoảng, đưa ngành thép nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung sớm phục hồi.
Trước mắt các doanh nghiệp thép cần cắt giảm chi phí không hợp lý, quản trị doanh nghiệp công khai, minh bạch, hiệu quả hơn. Mạnh dạn thực hiện việc mua lại, sáp nhập một số doanh nghiệp sản xuất không hiệu quả. Đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau.
Trong thời gian tới VNSteel sẽ tăng cường công tác dự báo, nghiên cứu, phân tích thị trường thép thế giới và trong nước để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh, cân đối đảm bảo đủ nguyên liệu, vật tư phục vụ cho sản xuất, tồn kho hợp lý để giảm chi phí tài chính.
VNSteel đã có một số kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần đẩy nhanh thực hiện nhóm giải pháp “kích cầu đầu tư trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và xây dựng kết cấu hạ tầng”. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các công trình xây dựng bằng nguồn vốn trong nước phải sử dụng thép sản xuất trong nước để kích cầu đối với sản phẩm nội địa.
Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất khi thực hiện nhiệm vụ “bình ổn giá thép” để VNSteel có thêm nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch ngành thép. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với thép xây dựng nhập khẩu để kiểm soát thị trường như: kiểm hóa 100% trước thông quan để ngăn chặn các doanh nghiệp gian lận thương mại; Không cho nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch để kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thép nhập khẩu; có biện pháp kiên quyết xử lý đối với doanh nghiệp cố tình gian lận để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh...
Đặc biệt, có các chính sách ưu đãi về thuế tài nguyên đối với các dự án thép trọng điểm nằm trong quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt để ngành thép Việt Nam hoàn toàn tự chủ và có khả năng vươn ra thị trường quốc tế. Đồng thời hạn chế các dự án thép nằm ngoài quy hoạch, không để lãng phí tài nguyên đất cũng như tạo ra sự cân bằng giữa cung và cầu, tránh tạo ra khủng hoảng thừa trong ngành thép.
Nguyễn Mạnh
tbktvn
|