FDI vào Việt Nam không chỉ là tiền
Việt Nam đang trong giai đoạn cần tăng trưởng nhanh và bền vững thì vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rất quan trọng, bởi FDI không chỉ đơn thuần là tiền mà còn là động lực giúp ổn định các yếu tố vĩ mô và tác động tích cực lan tỏa đến kinh tế đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn ở lĩnh vực này.
Báo cáo nghiên cứu đánh giá giữa kỳ dựa trên kết quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 giữa kỳ do Dự án “Hỗ trợ giám sát phát triển kinh tế-xã hội”(Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa thực hiện đã cho thấy: “Số vốn FDI đăng ký và thực hiện tăng kỷ lục trong cả ba năm, năm sau cao hơn năm trước, nên tỷ trọng FDI trong tổng vốn đầu tư xã hội tăng từ 14,9% năm 2005 lên 31,5% năm 2008.
Điều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO.”
Tiền nhiều ít không phải điều quan trọng nhất
7 tháng đầu năm nay, cả nước thu hút được 10 tỷ USD vốn FDI; vốn thực hiện ước đạt hơn 4,6 triệu USD. Nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì số này chỉ bằng 18,8%.
Tuy nhiên, theo phân tích của TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều hay ít ở thời điểm này không phải là vấn đề cốt lõi mà điều quan trọng nhất là thực hiện nguồn vốn đó như thế nào và thực hiện được bao nhiêu.
Nguồn FDI năm 2007, 2008 cam kết đầu tư cho Việt Nam rất lớn, việc mở rộng đầu tư của những doanh nghiệp FDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam cũng cung cấp thêm lượng vốn không nhỏ.
Mặc khác, con số hơn 10 tỷ USD vốn FDI cho thấy ngay trong bối cảnh khó khăn này vẫn có những lĩnh vực, những khu vực kinh tế của Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong con số 10 tỷ USD cam kết đầu tư nước ngoài có nhiều dự án du lịch, bất động sản – đây đều là những lĩnh vực có sức hút đối với đầu tư dài hạn, và các nhà đầu tư nước ngoài thường gọi là đặt chỗ để đón đầu triển vọng phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Chia sẻ thêm về điều này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Hữu Thắng cũng cho rằng con số 10 tỷ USD của 7 tháng đầu năm tuy chỉ bằng 18,8% của năm ngoái nhưng cũng không phải là con số quá bi quan. Thực tế thì với các điều kiện của Việt Nam hiện nay, mỗi năm nền kinh tế cũng chỉ có thể hấp thụ khoảng 10 tỷ USD, vậy mà trong 7 tháng, chúng ta đã giải ngân được gần 50% số này trong bối cảnh kinh tế khó khăn như vậy là một sự nỗ lực rất đáng khích lệ.
Vẫn đang rình rập 7 nguy cơ tiềm ẩn
Những tiến triển về tình hình FDI 7 tháng đầu năm, tuy thấp về số lượng nhưng chất lượng lại rất đáng lạc quan. Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn với độ rủi ro rất cao vẫn đang rình rập quanh khu vực này.
Theo “Báo cáo nghiên cứu đánh giá giữa kỳ dựa trên kết quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010” (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những chính sách đáng lưu tâm đang tạo nên những rủi ro tiềm ẩn của FDI chính là việc phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng cho các bộ, các ngành, các địa phương.
Kể từ tháng 10/2006, chính quyền địa phương đã được trao gần hết quyền cấp phép các dự án FDI. Đây là một bước đi được coi là đúng đắn. Nhưng, ba điều kiện tiên quyết để phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng có hiệu quả đã bị xem nhẹ hoặc lãng quên. Đó là: năng lực của cơ quan được phân cấp phải đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ được giao; quyền được phân cấp phải gắn liền với trách nhiệm về quyết định đã ra; phải có các chế tài kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Báo cáo nhận định: Để có thể chọn lọc được các dự án FDI phù hợp với lợi ích dài hạn của quốc gia cần phải có bộ máy thẩm định, đánh giá dự án có năng lực. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có đủ năng lực đánh giá dự án. Trách nhiệm về việc ra quyết định phê duyệt dự án sai cũng ít khi bị truy cứu và có biện pháp xử lý thích đáng. Công tác giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn còn những bất cập...
Đó là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến bảy nguy cơ tiềm ẩn trong nhiều dự án đầu tư mới đăng ký gần ba năm qua tại Việt Nam. Bao gồm: Nguy cơ “thổi phồng” về vốn và lợi nhuận; nguy cơ sử dụng quá nhiều nguồn lực khan hiếm hoặc đang thiếu trầm trọng như đất đai, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; nguy cơ hủy hoại và gây ô nhiễm môi trường; nguy cơ không phù hợp với quy hoạch phát triển dài hạn, hoặc gây mất cân đối về cơ cấu trong quá trình phát triển dài hạn; nguy cơ sử dụng công nghệ lạc hậu, thải loại; Nguy cơ “cướp vốn” của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Và cuối cùng là nguy cơ thiếu hụt ngoại tệ và rủi ro tỷ giá.
Lê Châu
tbktvn
|