Thứ Hai, 10/08/2009 08:06

Thay đổi cách đối xử với hàng nội

VN đã có nhiều cuộc vận động dùng hàng nội, song đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị tổ chức cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” từ trung ương đến địa phương.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Chi Lan - nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng - cho rằng cuộc vận động không chỉ kêu gọi ý thức của người dân mà nên là cuộc hành trình của các “đối tác” là Nhà nước, doanh nghiệp, người dân để cùng tìm ra và phát huy nội lực.

Bà Phạm Chi Lan nói:

- VN đã phát động nhiều lần phong trào người Việt dùng hàng Việt, nhưng đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị phát động và có phân công cho các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Đây là cách đặt vấn đề đúng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu có thể giúp thoát nghèo, nhưng muốn giàu có, các nước đều phải tận dụng và phát huy được nội lực, cơ bản là doanh nghiệp nội và thị trường trong nước. Hiện vẫn chỉ có bốn con rồng châu Á, nhiều nước ứng viên mãi mà không hóa rồng nổi, theo tôi, chính bởi họ không có được những doanh nghiệp mạnh, trong tốp dẫn đầu về khoa học công nghệ, dòng sản phẩm mới...

* Thưa bà, nhiều mặt hàng ta đang thua ngay trên sân nhà, một phần vì dân ta chưa chịu khó tìm hàng nội. Thật khó kiếm gia đình nào không có một món đồ hàng ngoại?

- Không phải mặt hàng nào ta cũng thua trên sân nhà, nhưng cũng phải công nhận hàng ngoại đang rất phổ biến, từ loại có chất lượng cao đến loại khó có thể kiểm định chất lượng. Tôi rất lấy làm lạ khi đi vào nhiều cơ quan nhà nước, từ những vật dụng rất nhỏ như ấm chén cũng dùng hàng ngoại trong khi sứ Hải Dương, Bát Tràng của ta rất tốt, giá rẻ. Một trong những lý do của điều này là kênh phân phối ở VN chưa hoàn thiện. Nhưng trong khi nhiều khách sạn lớn vẫn tìm mua sứ Bát Tràng, Hải Dương làm vật dụng như một biểu trưng cho bản sắc địa phương thì nhiều cơ quan nhà nước lại chưa để ý làm... Nên theo tôi, việc đầu tiên cần làm là thông tin đến người dân, công chức biết việc mua hàng Việt không chỉ là yêu nước, mà nó giúp doanh nghiệp Việt mạnh lên, tạo nhiều công ăn việc làm hơn, nộp thuế nhiều lên,  tăng chất lượng cuộc sống của chính người dân.

* Nhưng muốn người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, doanh nghiệp cũng phải vận động?

- Đúng vậy, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với người tiêu dùng bằng chất lượng và giá cả chứ không thể yêu cầu một cách đơn phương. Các mặt hàng đem bán trong nước không thể là hàng lỗi, không xuất khẩu được. Đây là cách đặt vấn đề cần được quan tâm nghiêm túc. Các nước mua hàng VN thường quan sát hàng này bán tại thị trường nội địa thế nào.

Đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu tại VN cách nay mấy năm đã yêu cầu phải nâng chất hàng nội địa chứ không chỉ hàng xuất khẩu, họ cho rằng khi có uy tín trong nước thì xây dựng uy tín cho hàng xuất khẩu sẽ dễ hơn, khả năng tiêu thụ tốt hơn. Nhật Bản đã làm theo hướng này, đến nay ai cũng biết hàng nội địa Nhật tốt hơn hàng xuất khẩu và hàng nào đã bán được ở thị trường nội địa Nhật thì các nhà nhập khẩu nước ngoài không có gì phải lo ngại nữa. Nhiều doanh nghiệp VN lại cho rằng do khả năng chi trả chưa cao nên chỉ dành hàng giá rẻ cho thị trường nội. Tuy nhiên, nhu cầu của con người luôn tăng, nếu có hàng để lựa chọn, người nghèo đôi khi cũng chấp nhận mua hàng đắt hơn nhưng tốt. Không nên tự hạn chế quyền của người tiêu dùng và khả năng bán hàng của mình.

* Cũng có nhiều mặt hàng VN bây giờ ở thế “thượng phong” như bia nội, bóng đèn - phích nước Rạng Đông, Vinamilk... Bài học nằm ở đâu, thưa bà?

- Chúng ta đã mở cửa, yêu cầu cạnh tranh nếu không sẽ phá sản, nên doanh nghiệp đã tự vươn lên. Vấn đề là tạo được môi trường cạnh tranh tốt, bình đẳng, khuyến khích sự vươn lên. Song, từ bài học cạnh tranh tốt với hàng ngoại như Vinamilk hay các doanh nghiệp may mặc là cách làm ăn bài bản. Các doanh nghiệp vươn lên được hầu hết đều dám đầu tư công nghệ và cách làm mới. Vinamilk hay hãng chế biến hoa quả Vinamit đã đầu tư công nghệ, nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, mở rộng hệ thống phân phối, tập trung vào chất lượng, đầu tư cho con người, phong cách quản lý chuyên nghiệp... Và họ đã vượt lên. May 10, An Phước cũng vậy. 10 năm trước, cùng xuất khẩu, họ đã mở kênh phân phối trong nước, có chiến lược chiếm phân khúc thị trường tốt nên họ cũng thành công.

* Ở các nước người dân có ý thức dùng hàng nội rất rõ. Malaysia, Ấn Độ dù xe ngoại đẹp, xe hơi của họ xấu nhưng đường phố toàn xe nội...

- Theo tôi, trong cuộc vận động lần này, bộ phận đầu tiên phải gương mẫu là cơ quan và công chức nhà nước. Ấn Độ và Malaysia một thời gian cấm và hạn chế ngặt nghèo nhập xe nên đúng là lãnh đạo của họ toàn đi xe xấu. Sau khi họ mở cửa thì các hãng xe của họ đã mạnh, Ấn Độ giờ đã có xe Tata giá rẻ nổi tiếng, Malaysia có xe Proton. Nhưng tại VN xe lắp ráp trong nước được ưu đãi nhiều nhưng vẫn đắt, khi vào WTO, xe nhập khẩu tốt hơn, ngay lập tức bán được nhiều hơn. Cái này không trách người tiêu dùng được. Tôi thiên về cách làm của Hàn Quốc hơn, họ tạo được ba hãng xe mạnh, liên tục cạnh tranh với nhau, và từ công chức đến lãnh đạo đều có ý thức dùng xe nội, giờ họ đã được thưởng bằng một nền công nghiệp xe hơi hàng đầu thế giới.

* Chỉ thị của Bộ Chính trị có yêu cầu các cơ quan nhà nước vào cuộc. Theo bà, Nhà nước cần làm gì để hàng nội thật sự lên ngôi?

- Từ tháng 11-2008 Chính phủ đã đề ra phải phát triển thị trường nội địa. Bộ Công thương công bố chương trình xúc tiến thương mại thị trường nội địa cũng đã lâu, nhưng đến nay khi Chính phủ đã thông qua thì đến tháng 10-2009 mới triển khai được. Mất một năm từ khi có chủ trương đến khi thực hiện là quá chậm. Nếu các cơ quan nhà nước cứ đủng đỉnh thì cơ hội của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Khả năng tiêu thụ hàng nội thấp còn do yếu kém của hệ thống phân phối. Hàng ngoại vào được hang cùng ngõ hẻm nhờ nhập lậu, giá rẻ nên hàng trong nước cần sự hỗ trợ bài bản, hợp lệ và lâu dài của Nhà nước vào những khâu này. Trước đây Nhà nước đã hỗ trợ chi phí vận tải cho hàng hóa, muối đến vùng sâu, tôi nghĩ nay có thể áp dụng lại rộng hơn. Những việc đã thông qua thì cần phải làm ngay.

Đây cũng là lúc Chính phủ nên đưa ra tiêu chuẩn cho các loại hàng hóa và kiểm soát thường xuyên. Không nên để thi thoảng lại xảy ra những vụ như nước tương chứa chất nguy hiểm, sữa thiếu đạm, nguyên liệu làm đồ uống, thức ăn quá hạn... Nó sẽ ảnh hưởng chung đến uy tín hàng Việt. Thay đổi cách đối xử với hàng nội thì cũng nên xem lại thái độ với hàng ngoại. Các nước yêu cầu ta xuất trái cây phải có xuất xứ, kiểm định chặt, tại sao ta không làm tương tự? Cứ để hàng ngoại lẫn lộn, để người dân khi đi chợ mua hoa quả vẫn vừa mua vừa lo ngại là không nên, vừa hại người tiêu dùng, vừa hạn chế hàng nội.

* Ông Hồ Tất Thắng (phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN - Vinastas): Phát động người Việt dùng sữa VN

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Vinastas chuẩn bị phát động một cuộc vận động cụ thể, đó là Người Việt ưu tiên dùng các sản phẩm sữa Việt. Dự kiến cuộc vận động được tiến hành vào ngày 19-8 tại TP.HCM.

Trước thực tế giá sữa đang cao bất hợp lý và để cuộc vận động này thành công, Vinastas sẽ phát hành cẩm nang mua sắm sữa để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn. Mục đích của cuộc vận động là vừa vận động người Việt dùng hàng Việt nhưng cũng tạo áp lực kéo giá sữa đang cao bất hợp lý xuống, giảm thiệt hại cho người tiêu dùng.

* Ông Nguyễn Văn Tuyên (giám đốc Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng G&T): Phải triệt được hàng lậu

Cuộc vận động thành công ở mức độ nào, theo tôi, phải gắn liền với việc chúng ta chống hàng lậu ra sao. Chống hàng lậu phải là một trong những tâm điểm của cuộc vận động này. Nên đa dạng hóa và xã hội hóa hơn nữa công tác chống hàng lậu và coi đó là cuộc chiến của nhân dân. Nếu huy động được nhân dân tham gia thì hiệu quả mới cao được. Cần có những khảo sát, đánh giá độc lập về công tác chống hàng lậu hiện nay, xem tại sao hiệu quả chưa cao, những bất cập và khó khăn của các cơ quan chức năng có thể giải quyết được không. Không nên năm này qua năm khác để câu “tình hình vẫn diễn biến phức tạp” lặp đi lặp lại mãi.

Cầm Văn Kình

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   Đề nghị giảm giá điện cao điểm sáng từ ngày 1/9/2009 (10/08/2009)

>   Doanh nghiệp CNTT sang Nhật xúc tiến thương mại (10/08/2009)

>   Rào cản nào cần gỡ bỏ để thu hút đầu tư vào Nam Định, Thái Bình (10/08/2009)

>   Trách nhiệm doanh nghiệp (10/08/2009)

>   Hồ tiêu VN: Vô địch vẫn... về sau ! (10/08/2009)

>   Doanh nghiệp còn ít sử dụng dịch vụ tư vấn (09/08/2009)

>   TPHCM : Khách hàng lại 'tố' Tân Hoàng Thân (09/08/2009)

>   Sẽ cấp chung một giấy chứng nhận nhà, đất (09/08/2009)

>   Công ty Thái Lan đầu tư bất động sản tại Hải Phòng (09/08/2009)

>   Tăng giá xăng dầu: Không 'sốc', chỉ ngán ngẩm (09/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật