Thứ Ba, 11/08/2009 09:46

Doanh nghiệp khẩn trương, cơ quan nhà nước đủng đỉnh

Chủ trương đã có, đề án cũng có nhưng từ nhiều tháng qua doanh nghiệp vẫn chưa thể nhận được sự hỗ trợ từ đề án xúc tiến thị trường nội địa. Câu chuyện trên cho thấy để hàng Việt đến tay người tiêu dùng không chỉ có nỗ lực từ phía doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Thọ Xuân - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, ngay khi có chủ trương của Chính phủ từ cuối năm 2008, bộ đã nhanh chóng tổ chức xây dựng đề án. Đến ngày 22-4, Bộ Công thương đã họp báo chính thức công bố “Chương trình xúc tiến thương mại thị trường nội địa năm 2009”.

Bốn tháng để hoàn thiện quy định

Trong đề án xúc tiến thương mại thị trường nội địa của Bộ Công thương, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp 100% kinh phí điều tra, khảo sát thị trường, khảo sát mạng lưới phân phối trong nước, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các hoạt động truyền thông. Đồng thời hỗ trợ 70% kinh phí tổ chức các hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề phía Nam và phía Bắc. 70% kinh phí cho các đợt bán hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ bán hàng Việt cho công nhân các khu công nghiệp, các phiên chợ hàng Việt cuối tuần tại các khu đô thị... cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí.

Tuy nhiên, kể từ sau ngày họp báo công bố chương trình, đến nay nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ đề án. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-8, ông Hoàng Thọ Xuân thừa nhận tiến độ thực hiện chương trình chậm nhưng ông cho rằng do Bộ Tài chính vừa mới soạn thảo xong các quy định về tài chính, chi tiêu, định mức và các khoản được chi trong chương trình. Mặc dù tổng số tiền Nhà nước bỏ ra hỗ trợ chỉ khoảng 51 tỉ đồng, nhiều lĩnh vực chỉ được hỗ trợ một phần nhưng ông Xuân cho biết Bộ Tài chính mất tới gần bốn tháng để hoàn thiện quy định trên nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của đề án.

Sẽ mạnh dạn hơn, nếu...

Nhiều doanh nghiệp cho rằng tuy không quá trông chờ vào chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công thương, nhưng nếu được nhận sự hỗ trợ sớm họ sẽ mạnh dạn đưa những chuyến hàng về nông thôn xa hơn, đều đặn hơn.

Bà Lương Thị Mỹ Tiên, trưởng phòng kinh doanh nhựa Chí Thành, cho biết chi phí cho mỗi chuyến bán hàng về nông thôn không hề nhỏ. Nếu chương trình xúc tiến sớm hơn, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đưa hàng đi nhiều nơi chứ không e ngại như bây giờ. “Chi phí cho những chuyến bán hàng rất cao.

Ví dụ như chuyến bán hàng gần nhất là Bến Tre cũng đã ngốn gần 15 triệu đồng trong hai ngày, có bán hết hàng cũng khó có thể lấy lại vốn” - bà Tiên nói. Nếu đi xa hơn kinh phí còn tăng gấp bội nhưng doanh nghiệp cũng phải làm vì đó là cơ hội để người tiêu dùng ghi nhận sự có mặt của thương hiệu tại địa phương.

Ông Đặng Chí Hùng, giám đốc kinh doanh nhôm Kim Hằng, cho rằng nếu có sự hỗ trợ về điều tra thị hiếu của người tiêu dùng địa phương kịp thời, doanh nghiệp sẽ không bị lúng túng khi quyết định đưa hàng nào về bán. “Trong lần đưa hàng về Bến Tre vừa rồi, bà con mua hàng phấn khởi lắm. Mặc dù đã có hệ thống phân phối khu vực miền Tây nhưng họ vẫn chưa hiểu người tiêu dùng nông thôn cần gì” - ông Hùng nói.

Ở góc độ hiệp hội, ông Phan Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN (VPA), cho biết ngành nhựa được duyệt hai chương trình xúc tiến thương mại, trong đó chương trình tại thị trường nội địa được duyệt 1,803 tỉ đồng để tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế ngành nhựa tại VN vào tháng 10-2009.

Theo hướng dẫn của Bộ Công thương, sau khi được phê duyệt, các đơn vị chủ trì tiến hành thủ tục xin tạm ứng một phần kinh phí để thực hiện nội dung được phê duyệt. Nhưng đến nay VPA vẫn chưa được tạm ứng kinh phí thực hiện như hướng dẫn.

Ông Thanh cho rằng giá như ngay sau khi có quyết định phê duyệt hỗ trợ xúc tiến thương mại, nguồn kinh phí hỗ trợ cần được tạm ứng ngay cho các đơn vị chủ trì chương trình trong vòng hai tháng với tỉ lệ tạm ứng tối thiểu là 50% cho các chương trình hội chợ, thông tin và 30% cho các nội dung còn lại. Ngoài ra, có thể căn cứ vào tỉ lệ thực hiện chương trình của năm trước, từ đó cấp nguồn kinh phí hỗ trợ tương ứng cho các đơn vị chủ chương trình thì sẽ đỡ bị động hơn như hiện nay.

Tương tự, ông Nguyễn Sơn, trưởng phòng xúc tiến thương mại Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), nhận xét dù các chương trình xúc tiến thương mại của Vitas cơ bản đang được triển khai, nhưng nếu xét trên khía cạnh “cần khẩn cấp” từ phía doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế suy giảm thì kế hoạch xúc tiến thương mại năm nay tương đối khá chậm so với mọi năm.

Đấu thầu số tiền Nhà nước hỗ trợ

Về hướng triển khai sắp tới của đề án xúc tiến thị trường nội địa, ông Hoàng Thọ Xuân cho biết Bộ Công thương sẽ đưa lên trang web của bộ các hướng dẫn để doanh nghiệp có thể lập và gửi hồ sơ đăng ký xin hỗ trợ từ chương trình xúc tiến thương mại thị trường nội địa.

Việc đăng ký, thẩm định và phê duyệt các hồ sơ đăng ký, theo ông Xuân, sẽ theo đúng quy định của Luật đấu thầu. Nghĩa là nhiều doanh nghiệp sẽ cùng đấu thầu số tiền hỗ trợ của Nhà nước, ai có dự án tốt, làm hiệu quả sẽ được chọn.

Việc thẩm định và phê duyệt sẽ được làm nhanh, có thể đầu tháng 9-2009 các doanh nghiệp được hỗ trợ chứ không phải đợi đến tháng 10 như nhiều người lo ngại.

C.V.Kình - N.Bình - T.V.N.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   TP.HCM: Ế ẩm đất nền biệt thự (11/08/2009)

>   Đừng nhìn xấu một việc tốt (11/08/2009)

>   Giá cước vận tải chưa tăng theo giá xăng, dầu (11/08/2009)

>   Nghịch lý khan hiếm VLXD: Quy hoạch dự báo không chính xác (11/08/2009)

>   Thị trường trái cây VN: Bao giờ vượt khỏi sân nhà ? (11/08/2009)

>   Xuất khẩu sang Hàn Quốc:Thêm cơ hội, thêm rào cản (11/08/2009)

>   Doanh nhân Việt kiều muốn mở rộng đầu tư về nước (11/08/2009)

>   Giá thuê mặt bằng: Đắt nên xắt ra miếng (11/08/2009)

>   Ngành giao thông đạt tốc độ giải ngân kỷ lục (11/08/2009)

>   Việt Nam-Algeria tăng cường hợp tác năng lượng (11/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật