Thứ Ba, 11/08/2009 08:31

Nghịch lý khan hiếm VLXD: Quy hoạch dự báo không chính xác

Với điều kiện địa lý, tự nhiên đặc thù, Việt Nam có nguồn tài nguyên cát, sỏi xây dựng khá dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay không ít DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB) giao thông lại kêu trời vì tình trạng khan hiếm những loại vật liệu xây dựng tự nhiên quan trọng như cát, đá... gây ảnh hưởng tới tiến độ thi công nhiều công trình.

Thiếu triền miên

Sau "cơn bão giá" vật liệu xây dựng, đặc biệt là những mặt hàng như: xi măng, sắt thép… diễn ra vào năm 2007, 2008, các nhà thầu thuộc khối XDCB giao thông đang dần lấy lại phong độ. Tiến độ nhiều công trình, đặc biệt là những công trình trọng điểm quốc gia được đẩy nhanh. Tốc độ giải ngân 6 tháng đầu năm nay của toàn ngành GT-VT trong lĩnh vực XDCB ở mức cao là minh chứng sinh động nhất khẳng định điều đó. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều DN đang kêu trời về tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, đá tiếp tục tái diễn. Giám đốc Công ty CP Cầu 12 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1) Phạm Xuân Thủy cho biết, cát phục vụ cho các công trình, đặc biệt là công trình giao thông lớn, hết sức khó khăn, nhất là ở phía Nam. Được biết, việc nhập khẩu cát từ Cam-pu-chia về để phục vụ thi công cũng gặp trở ngại. Giá cát bị đẩy lên gấp khoảng 2 lần so với bình thường. Các nhà thầu "mạnh ai nấy chạy" để mua đủ cát. Dù giá cao nhưng việc mua với số lượng lớn cũng không dễ và thường bị "đong thiếu". Biết vậy nhưng DN vẫn phải chịu vì… cần. Được biết, nhiều công trình giao thông lớn đang ở giai đoạn thi công nước rút như cầu Hàm Luông, tuyến Nam Sông Hậu, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ... cũng bị thiếu cát chất lượng cao.

Nếu các tỉnh phía Nam thiếu cát thì tại một số công trường giao thông ở phía Bắc lại rơi vào tình trạng thiếu đá, nhất là các tỉnh khu vực miền núi. Nghe rất bất hợp lý nhưng đó lại là sự thật. Các dự án mở rộng, nâng cấp QL 70, QL 6 đoạn đèo Pha Đin - Tuần Giáo, QL 279... luôn phải đối mặt với cảnh thiếu đá trầm trọng. Ông Nguyễn Kiều Hưng, cán bộ Ban quản lý dự án 6 (Cục Đường bộ Việt Nam), phụ trách công trường thi công QL 70 cho biết, Ban điều hành dự án luôn phải hỗ trợ nhà thầu tìm nguồn đá để bảo đảm tiến độ thi công công trình. Đá thiếu nên không ít nhà thầu phải mua ở xa, chi phí cao để thi công vì không thể đắp chiếu thiết bị chờ… Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông (Bộ GT-VT) Phạm Văn Khôi, tình trạng khan hiếm vật liệu là hiện tượng phổ biến, kéo dài. Đây là khó khăn rất lớn cho các nhà thầu ngay từ khi đấu thầu, bởi không được bỏ giá cao hơn mức dự toán và phải căn cứ vào thông báo giá của địa phương. Mà giá thực tế luôn vênh với giá thông báo của địa phương ngay cả khi không khan hiếm vật liệu.

Công tác dự báo có vấn đề

Theo Bộ Xây dựng, nước ta có nguồn cát dồi dào, phong phú cả về chủng loại, chất lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nguyên nhân dẫn tới việc thiếu một số loại vật liệu là do công tác dự báo đã không theo kịp với nhu cầu thực tế. Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu và cân đối cung - cầu cát, sỏi xây dựng trong nước đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và đề xuất chủ trương xuất khẩu cát, sỏi xây dựng, Bộ Xây dựng đã thừa nhận điều này. Lãnh đạo Bộ khẳng định, khối lượng tiêu thụ cát xây dựng những năm gần đây đều vượt so với nhu cầu dự báo theo quy hoạch cũ. Năm 2005 cả nước tiêu thụ 64,44 triệu mét khối cát, năm 2006 là 73,09 triệu mét khối, trong khi đó quy hoạch dự báo trước đây đến năm 2010 mới chỉ cần hơn 35 triệu mét khối. Dự báo không chính xác đã ảnh hưởng đến khai thác, đáp ứng phục vụ thi công công trình. Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương điều tra, cân đối nhu cầu sử dụng cát đến năm 2015 để lập quy hoạch sử dụng cũng như có giải pháp quản lý khai thác, cung cấp hiệu quả.

Bày tỏ quan điểm về tình trạng thiếu vật liệu, tại hội nghị về XDCB giao thông mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GT-VT) Trần Quốc Việt cảnh báo, việc điều tra mỏ vật liệu phục vụ thi công phía tư vấn thực hiện rất sơ sài, chưa xác định được trữ lượng, tiêu chuẩn vật liệu để đề xuất giải pháp phù hợp. Ngoài ra, hàng loạt công trình giao thông lớn khởi công đồng thời trong thời gian qua cũng góp phần dẫn tới khan hiếm vật liệu. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ GT-VT Ngô Thịnh Đức, để hạn chế và ngăn chặn tình trạng thiếu vật liệu tiếp diễn, cần xây dựng bản đồ vật liệu xây dựng trên cả nước và áp dụng các giải pháp thay thế phù hợp nhằm bảo đảm tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH mỗi địa phương và các vùng, miền.

Nguyễn Đức Thuật

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Thị trường trái cây VN: Bao giờ vượt khỏi sân nhà ? (11/08/2009)

>   Xuất khẩu sang Hàn Quốc:Thêm cơ hội, thêm rào cản (11/08/2009)

>   Doanh nhân Việt kiều muốn mở rộng đầu tư về nước (11/08/2009)

>   Giá thuê mặt bằng: Đắt nên xắt ra miếng (11/08/2009)

>   Ngành giao thông đạt tốc độ giải ngân kỷ lục (11/08/2009)

>   Việt Nam-Algeria tăng cường hợp tác năng lượng (11/08/2009)

>   Tiêu thụ ôtô lần đầu tiên tăng trưởng “dương” (11/08/2009)

>   Đài Loan vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (11/08/2009)

>   DN Việt kiều: Mong thủ tục hải quan đơn giản hơn nữa (11/08/2009)

>   Thêm một sàn giao dịch bất động sản (11/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật