Doanh nhân Việt kiều muốn mở rộng đầu tư về nước
Đánh giá cao việc Nhà nước có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho Việt kiều về nước đầu tư, sinh sống, nhiều đại biểu về dự đại hội doanh nhân người Việt ở nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho đất nước thông qua việc đầu tư về nước và quảng bá hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Bùi Thăng Long, Việt kiều Nhật Bản, cho rằng cùng với các chính sách cởi mở gần đây về nhà ở, quốc tịch và thị thực, việc thành lập Hiệp hội doanh nhân người Việt ở nước ngoài biểu hiện rõ nét sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng Việt kiều.
Bởi vậy, ông Long cho biết ngoài việc sẽ tiếp tục đầu tư ở nước sở tại, ông cũng sẽ tận dụng cơ hội này để mở rộng đầu tư về nước nhiều hơn.
Nhà đầu tư này rất quan tâm đến lĩnh vực khách sạn, nhà hàng bởi theo ông, đời sống người dân trong nước đang ngày càng tốt hơn kéo theo sự phát triển mạnh của ngành du lịch. Ông hy vọng sẽ tạo được dấu ấn ở lĩnh vực này. Đầu tư về nước gần 2 năm qua, ông Long hiện sở hữu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Nhu chuyên kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở Quảng Ninh.
Một doanh nhân Việt kiều khác là Chủ tịch Tập đoàn New World Fashion Phạm Minh Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh, cũng nhận xét “chính sách của Nhà nước ngày càng cởi mở, môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng tốt hơn”.
Cũng vì thế, ông dự định sẽ mở rộng quy mô đầu tư ở các tỉnh Ninh Bình và Hải Dương, bên cạnh các nhà máy hiện có tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng
Quan tâm đến một khía cạnh khác là quảng bá sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài, ông Phạm Ngọc Chu - chủ một hệ thống cửa hàng bán lẻ ở Hungary, hàng ngày phục vụ hơn 10.000 khách hàng, cho rằng xây dựng tốt thương hiệu là “vấn đề rất quan trọng” để hàng hóa Việt Nam thâm nhập được thị trường thế giới.
Theo doanh nhân này, nguyên nhân khiến hàng Việt Nam ít xâm nhập được vào thị trường châu Âu là do thiếu chiến lược xâm nhập từng bước và bao bì sản phẩm thiếu kỹ xảo. “Bao bì phải phù hợp với nền văn hóa và lịch sử của thị trường nơi doanh nghiệp hướng tới, tạo sức hấp dẫn với khách hàng. Chiến lược tiếp thị cần có sự nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường”, ông Chu chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, cho biết Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập cũng nhằm mục tiêu gắn kết doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp trong nước định hướng đúng việc phát triển thị trường ở quốc gia sở tại, thông qua hoạt động và đối tác của mình.
Cùng với đó, Hiệp hội này sẽ phôi hợp với doanh nghiệp trong nước xây dựng các thương hiệu chung cho hàng hóa của Việt Nam ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu./.
Hồng Hạnh
VIETNAM+
|