DN Việt kiều: Mong thủ tục hải quan đơn giản hơn nữa
Chiều 10-8, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại đầu tư.
Ông Phạm Minh Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Anh, cho biết hiện đang đầu tư sáu nhà máy với trên 10.000 lao động. Sắp tới, một chuỗi siêu thị bán lẻ sẽ được đầu tư tại Việt Nam. Những thông tin này đã chứng minh sự thành công của nhà đầu tư.
“Hai năm gần đây, thủ tục hành chính được cải thiện rất nhanh gọn. Ví dụ như tôi mới mở thêm một nhà máy ở Ninh Bình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong một tuần. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn nhận được sự đón tiếp nhiệt tình, tạo điều kiện của chính quyền địa phương” - ông Nam nêu.
Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư ở Việt Nam, ông Vũ Văn Tiền, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thương mại Geleximco, cho biết: “Hiện nay doanh nghiệp của ông đang đầu tư vào các địa phương lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh... và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Nếu rót vốn vào đầu tư ở những nơi này thì chỉ vài ba năm là có lợi nhuận. Nhưng nếu đầu tư ở Hà Nội và TP.HCM thì phải mất đến năm năm vì các chi phí đầu tư (thuê đất, nhân công...) luôn cao hơn”.
Để khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp Việt kiều, nhất là các doanh nghiệp lần đầu tiên về đầu tư tại quê hương, ông Phạm Minh Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Anh, mong muốn Chính phủ cần có chính sách ưu tiên hơn nữa, đặc biệt là việc đơn giản các thủ tục thuế, hải quan.
Theo ông Nam, đối với hàng tạm nhập tái xuất, thời gian quy định của Việt Nam lại ngắn quá. Ví dụ, mặt hàng vải chỉ có tối đa 260 ngày. Quy định này đang gây trở ngại cho các nhà đầu tư.
“Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, giá cả nguyên liệu trên thế giới giảm rất nhiều, doanh nghiệp có thể tranh thủ nhập hàng để dự trữ. Nhưng khi về đến Việt Nam, hàng tạm nhập tái xuất lại chỉ được lưu kho trong một khoảng thời gian nhất định. Do vậy, đôi lúc doanh nghiệp phải bán tống bán tháo hàng đi trong khi đó 70% nguyên liệu phục vụ ngành may là nhập khẩu” - ông Nam lý giải.
Lê Thanh
Pháp luật
|