Thứ Ba, 11/08/2009 08:08

Thị trường trái cây VN: Bao giờ vượt khỏi sân nhà ?

Hiện nay, ở nhiều địa phương các loại trái cây đang trong mùa thu hoạch rộ. Thế nhưng lượng trái cây xuất khẩu còn hạn chế, chủ yếu vẫn trông đợi vào thị trường tiêu thụ nội địa. Điều này làm cho nông dân cũng như doanh nghiệp long đong tìm nơi tiêu thụ, trong khi đó hoa quả ngoại vẫn ồ ạt nhập về.

Quanh quẩn sân nhà

Mấy năm trở lại đây, trái cây Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên sản lượng trái cây xuất khẩu vẫn chưa xứng với tiềm năng. Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, sản lượng trái cây thu hoạch trên cả nước đạt hơn 7 triệu tấn và tăng nhanh so với 7-8 năm trước. Chuối được đánh giá là loại quả có sản lượng thu hoạch lớn nhất, sau đó đến cam, quýt, nhãn, dứa, xoài, vải thiều, thanh long… Song có tới 90% sản lượng trái cây vẫn phải trông đợi vào thị trường tiêu thụ nội địa nên giá bán thấp, tỷ lệ trái cây xuất khẩu mới chỉ chiếm 10% với 5-6% là trái cây tươi, nên giá trị kim ngạch xuất khẩu thu về không nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ trái cây nhập khẩu mấy năm qua liên tục tăng ở hai con số. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng qua, các doanh nghiệp đã nhập về 134 triệu USD mặt hàng rau quả, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều loại trái cây như táo, cam, quýt, mận, nho, lựu từ Trung Quốc, Thái Lan, Phi-líp-pin, Mỹ, Niu Di-lân đầy dẫy trên thị trường nước ta. Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, tỷ lệ trái cây của ta mặc dù đã vươn ra 50 nước, nhưng chưa chiếm lĩnh được thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc và Cam-pu-chia. Nhưng có một nghịch lý trong thời gian qua, trái cây của chúng ta lép vế và liên tục bị ép giá khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ ngày 1-7 trở lại đây, thực hiện chính sách kiểm soát nguồn gốc trái cây lẫn nhau giữa hai nước, mặc dù phía bạn chưa siết chặt, việc xuất khẩu vẫn thuận lợi, song doanh nghiệp xuất khẩu trong nước lại tỏ ra e dè, vì vậy xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc giảm đáng kể. Thêm vào đó là một số doanh nghiệp hám lợi, kinh doanh không lành mạnh, buôn bán phá giá, trà trộn trái cây phẩm chất kém vào các lô hàng được cấp giấy chứng nhận sạch để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín trái cây của ta. Điều đó dẫn tới tình trạng "tự ta hại ta", nhiều thị trường đóng cửa, không cho phép nhập khẩu sản phẩm trái cây của Việt Nam. Các địa phương vẫn chưa có những vùng chuyên canh và sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo dẫn đến khó đáp ứng được những đơn hàng xuất khẩu lớn, do đó kim ngạch xuất khẩu giảm cũng là điều dễ hiểu. Ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng qua đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói, hiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính đang rất khó khăn trong tìm kiếm thị trường và ký hợp đồng mới xuất khẩu trái cây, do đó thị trường tiêu thụ trái cây phần lớn vẫn luẩn quẩn sân nhà.

Lựa chọn hướng đi thích hợp

Đã có rất nhiều ý kiến đưa ra, trong giai đoạn hiện nay cần đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng cho sản xuất trái cây; mở rộng hơn nữa các mối quan hệ hợp tác, khuếch trương giới thiệu, quảng bá sản phẩm trái cây của Việt Nam ra thị trường thế giới; nhanh chóng ký xong các hiệp định kiểm dịch thực vật để trái cây của ta có thể thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, EU… Ngoài ra, rất cần sự nỗ lực và mối liên kết chặt chẽ của cả "bốn nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) với nhau trong nghiên cứu, sản xuất đến tiêu thụ trái cây. Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), phải giải quyết dứt điểm tình trạng buông lỏng quy hoạch, tránh để xảy ra tình trạng "xé" quy hoạch, nông dân đổ xô trồng những cây ăn quả theo phong trào. Theo ông Thông, việc đầu tiên là nhà nước sẽ quy hoạch lại các vùng trồng cây ăn trái theo hướng tập trung, có quy mô lớn, bảo đảm các tiêu chuẩn sạch để làm ra lượng sản phẩm dồi dào, đủ sức đáp ứng cho các cơ sở chế biến xuất khẩu nhưng phải bảo đảm tính chất "liên kết vùng". Theo đó, mỗi vùng, mỗi tỉnh chỉ được phép chọn trồng một hoặc hai loại cây chủ lực là đặc sản của vùng miền, có lợi thế cạnh tranh cao để tránh tình trạng các tỉnh cùng trồng một loại cây, dẫn đến dư thừa, rớt giá thì lại đua nhau đốn hạ như nhiều năm qua. Bên cạnh đó, có chính sách và các giải pháp về giống cây ăn trái, cần liên tục lai tạo ra các giống mới có năng suất và chất lượng cao hơn, đầu tư đồng bộ về công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho trái cây. Đặc biệt, phải xây dựng cho được những vựa thu gom, bảo quản trái cây theo tiêu chuẩn sạch, sản xuất theo quy trình chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và giá thành hạ… bởi đây là những yêu cầu sống còn để đưa trái cây Việt Nam xuất ngoại, vì trong tương lai, hầu như các nước đều thắt chặt việc kiểm soát chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn vệ sinh trong trái cây nhập khẩu. Có thực hiện tốt những giải pháp trên thì trái cây mới mong đạt mục tiêu xuất khẩu 760 triệu USD trong năm 2010 mà Bộ NN&PTNT đã đưa ra.

Thúy Nga

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu sang Hàn Quốc:Thêm cơ hội, thêm rào cản (11/08/2009)

>   Doanh nhân Việt kiều muốn mở rộng đầu tư về nước (11/08/2009)

>   Giá thuê mặt bằng: Đắt nên xắt ra miếng (11/08/2009)

>   Ngành giao thông đạt tốc độ giải ngân kỷ lục (11/08/2009)

>   Việt Nam-Algeria tăng cường hợp tác năng lượng (11/08/2009)

>   Tiêu thụ ôtô lần đầu tiên tăng trưởng “dương” (11/08/2009)

>   Đài Loan vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (11/08/2009)

>   DN Việt kiều: Mong thủ tục hải quan đơn giản hơn nữa (11/08/2009)

>   Thêm một sàn giao dịch bất động sản (11/08/2009)

>   Nghiên cứu quy hoạch đường cao tốc Hà Nội - Vinh (11/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật