Điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm: Thận trọng và linh hoạt
Thị trường ngoại tệ của Việt Nam đã có những biểu hiện căng thẳng, rõ nhất là có lúc đã lên cơn sốt khan hiếm USD, nhu cầu mua ngoại tệ vượt khả năng bán của các ngân hàng thương mại (NHTM); giới đầu cơ đã lợi dụng tâm lý này tạo ra những tin đồn thất thiệt, gây nên biến động tỷ giá trên "chợ đen"...
Sau những biện pháp ổn định thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường ngoại hối hiện nay đã có những chuyển động theo chiều hướng tích cực. Nhiều DN đang rục rịch bán ngoại tệ cho ngân hàng sau nhiều tháng găm giữ trên tài khoản tiền gửi. Một số NHTM đang đẩy mạnh huy động ngoại tệ để triển khai tín dụng sau nhiều tháng đóng băng. Các con số thống kê cho thấy, dư nợ tín dụng ngoại tệ trong các NHTM đang tăng nhẹ so với đầu năm. Quan trọng hơn, các DN đang tìm đến ngân hàng vay ngoại tệ, thay bằng tìm mọi cách mua USD thanh toán - phòng ngừa rủi ro tỷ giá như những tháng trước. Điều này cho thấy chính sách điều hành tỷ giá của NHNN đang có những tín hiệu tốt cho thị trường ngoại hối.
Một vấn đề đang được nhiều chuyên gia quan tâm là từ giờ đến cuối năm, tỷ giá hối đoái sẽ biến động như thế nào. Việc lựa chọn chính sách tỷ giá hối đoái thích hợp đang là vấn đề đáng được quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhằm phát huy tính hiệu quả trong việc ổn định thị trường tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Thực tế cho thấy, điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá luôn là bài toán khó, tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng đồng tình với việc điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian qua. Thế nhưng, để công tác này thêm hiệu quả, sẵn sàng đối phó ngay với những cơn sốt ngoại tệ như đã xảy ra, theo các chuyên gia cần lưu ý đến những dấu hiệu đang diễn ra làm xuất hiện xu hướng tăng tỷ giá đến cuối năm 2009.
Thứ nhất, do tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến nguồn thu ngoại tệ từ XK giảm mạnh. 7 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch XK chỉ đạt khoảng 32,35 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trường hợp lạc quan nhất thì kim ngạch XK năm nay cũng chỉ bằng mức XK năm ngoái, tức là tăng trưởng 0%. Trong trường hợp xấu hơn, sẽ tăng trưởng âm 2,2% - 6,4%. Như vậy ngay cả lạc quan nhất thì mục tiêu tăng trưởng XK 3% đặt ra trong năm nay cũng không thể thành hiện thực. Bên cạnh đó số liệu không khả quan về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2009 cũng dự báo một năm khó khăn, bên cạnh đó việc giải ngân FDI cũng không thuận lợi hơn năm trước. Tính đến tháng 7 năm 2009, tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt 10,1 tỷ USD, bằng 18,8% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó, vốn thực hiện là 4,6 tỷ USD, bằng 77,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, nguồn thu kiều hối cũng được dự báo không khả quan. Đây là 3 nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của kinh tế Việt Nam, quyết định khá lớn trong cán cân cung cầu ngoại hối.
Thứ hai, với mục đích hỗ trợ XK, tỷ giá có thể được điều chỉnh tăng theo sự chủ động điều hành chính sách tỷ giá của NHNN. Hiện nay, giá trị XK chiếm đến 70% GDP của Việt Nam. Do vậy tỷ giá là công cụ rất quan trọng để kích thích tăng trưởng. Thực tế cho thấy, để hỗ trợ XK, cần có thêm những động lực hỗ trợ mới trong đó có việc nới rộng biên độ tỷ giá. Có thể nói rằng, sự hỗ trợ XK bằng tỷ giá sẽ có tính chất chiến lược và đón đầu với những khó khăn của XK trong các tháng còn lại của năm 2009. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngoài khuyến nghị về hỗ trợ tín dụng cho hoạt động XK và đa dạng hóa các loại ngoại tệ, NHNN cần tiếp tục điều chỉnh biên độ dao động tỷ giá lên +/- 6%, sau đó lên +/- 7% vào những thời điểm được tính toán thận trọng, tránh gây ra những cú sốc bất lợi cho nền kinh tế. Thực tế trước đó, NHNN đã có động thái được đánh giá là tích cực đối với tỷ giá ngoại tệ là mở rộng biên độ dao động ngoại tệ từ +/- 1% lên +/-3% sau đó lên +/- 5%. Đây là một hình thức điều chỉnh tỷ giá nội tệ từ từ, có kiểm soát. Khi ngoại tệ lên cơn sốt trong vài tháng qua, việc nới rộng biên độ tỷ giá cũng đã được đề cập tới như một biện pháp nhằm giảm nhiệt tình trạng găm giữ USD, tăng cung ra thị trường đồng thời thúc đẩy hoạt động XK. Người ta kỳ vọng là tỷ giá sẽ ở mức 18.500 VND/USD vào cuối năm nay. Tuy nhiên, sau một thời gian điều chỉnh tăng từ đầu tháng 4 cho tới cuối tháng 7, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ so với đỉnh 16.970 VND/USD ngày 30-7. Mức dao động của tỷ giá từ 16.964 VND/USD - 16.966 VND/USD được NHNN giữ trong vòng 2 tuần qua. Ngày 18-8, tỷ giá liên ngân hàng giữa USD so với VND do NHNN công bố là 16.968 VND/USD, tăng nhẹ 2 đơn vị so với ngày trước đó và kém mức đỉnh nói trên 2 VND/USD.
Thứ ba, chính sách kích cầu của Chính phủ sẽ đi kèm với nới lỏng hơn tiền tệ, đã làm yếu VND một cách tương đối so với USD do cung tiền đồng tăng lên. Bên cạnh đó, nguồn vốn để kích cầu nếu có sử dụng nguồn từ dự trữ ngoại hối, cũng sẽ gây áp lực lên dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn thu giảm mạnh (XK dầu thô giảm mạnh) và tình trạng bội chi kéo dài, áp lực này có thể làm tăng tỷ giá.
Thứ tư, áp lực tiếp tục rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh suy thoái kinh tế là khó tránh khỏi, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư gián tiếp. Vào thời kỳ đỉnh cao, vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam lên tới 8-9 tỷ USD, nhưng năm ngoái đã có 4,5 tỷ USD rút ra. Chưa có gì bảo đảm rằng khoảng 3 tỷ USD cổ phiếu và nửa tỷ USD trái phiếu còn lại sẽ được nhà đầu tư nắm giữ đến cùng.
Nhìn dưới nhiều góc độ thì đang có không ít yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá từ giờ đến cuối năm 2009. Một số chuyên gia cho rằng, điều hành tỷ giá tại thời điểm lạm phát cao thì không thể nới rộng biên độ dao động, chỉ nên điều hành linh hoạt. Nhưng tại thời điểm này, khi lạm phát không còn đáng sợ, các DN không phải thiếu hàng, mà là thiếu thị trường, do đó điều cần thiết là phải khuyến khích XK, giám sát nhập khẩu, ổn định nền kinh tế và thu hút đầu tư… là cả một bài toán khó. Vì vậy, việc điều hành chính sách tỷ giá cần thực hiện theo hướng linh hoạt và hết sức cẩn trọng, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Bình Thu
Hà Nội Mới
|