DN bảo hiểm xe cơ giới: Doanh thu đầu ngành vẫn than lỗ!
Thời gian qua, nhiều khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới lỡ gặp phải tai nạn giao thông đã không được giải quyết như hứa hẹn ban đầu. Điệp khúc chậm bồi thường, đòi bổ túc nhiều loại giấy tờ, đùn đẩy nhau giữa đại lý và công ty bán bảo hiểm thường xảy ra. Ngược lại với chất lượng phục vụ của nhiều doanh nghiệp bị dân kêu ca, đi sâu vào mổ xẻ lĩnh vực này mới thấy hoạt động kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới rất béo bở, lãi ròng.
Làm gì có chuyện lỗ
Năm doanh nghiệp bảo hiểm lớn khi được phỏng vấn về việc tại sao khách hàng than phiền thái độ phục vụ để họ phải mòn mỏi đi lại nhiều lần mới lấy được tiền bồi thường đều nhất loạt trả lời: Bồi thường chậm là do thiếu nhân lực. Tỷ lệ bồi thường cho nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới khoảng 70%, chưa kể chi phí trích lập quỹ dự phòng theo quy định. Vì thế thường chỉ đủ để hoạt động cầm chừng nên chi phí cho dịch vụ tư vấn khách hàng không bao nhiêu.
Tuy nhiên, theo công bố từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong chín tháng đầu năm 2008, bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu cao nhất, đạt 2.391 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền chi bồi thường là 1.224 tỷ đồng, chiếm 52%. Vài doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cao là PTI 68,7%, Bảo Minh 64,8%, Bảo Long 64,3%, VIA 60,9%, Bảo Việt 55,9%...
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 20 triệu môtô và xe máy. Dự báo năm 2010, lượng xe máy cả nước sẽ khoảng 24 triệu xe. Đến năm 2020, dự báo lượng xe máy cả nước khoảng 35-40 triệu xe. Đây là lượng khách hàng tiềm năng rất lớn của các công ty bảo hiểm xe cơ giới.
“Không có chuyện họ lỗ từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Thứ nhất, nếu thực sự lỗ thì các doanh nghiệp đã không liên tục nhảy vào phân khúc này. Thêm nữa, trong năm 2008, 74% số vụ tai nạn trên toàn quốc là từ xe môtô, xe máy, trước đây nói bồi thường xe cơ giới cũng là ngầm nói bồi thường cho xe máy. Như vậy, chỉ cần 50% số xe máy này (10 triệu chiếc - PV) mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì tổng doanh thu sẽ tăng vọt” - tiến sĩ Nguyễn Hồng Thuận, Quỹ Đầu tư mạo hiểm Viet Saga, nhận định.
Nhùng nhằng bồi thường: Phải phạt nặng!
Ông Phạm Đình Trọng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, cho biết Điều 16 Nghị định 103 năm 2008 quy định thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ và không quá 30 ngày trong trường hợp phải xác minh hồ sơ. Nếu giải quyết bồi thường cho khách hàng mà nhùng nhằng sẽ bị phạt rất nặng. Cụ thể phạt tới 30 triệu đồng đối với người đứng đầu doanh nghiệp bảo hiểm, người được giao trách nhiệm giải quyết mà có hành vi giải quyết chậm so với quy định. Thậm chí có thể buộc bãi nhiệm chức danh người điều hành doanh nghiệp.
Nhiều người dân phản ánh khi xe cơ giới bị tai nạn thì không thấy bóng dáng nhân viên công ty bảo hiểm tới thu thập biên bản liên quan đến vụ tai nạn từ công an mà phó mặc cho khách hàng.
“Thực tế hiện nay không quy định nhân viên bảo hiểm phải có mặt ngay tại hiện trường để thụ lý giải quyết tai nạn, kể cả bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện. Để làm việc này đồng thời phòng chống tình trạng trục lợi bảo hiểm một cách tích cực, doanh nghiệp bảo hiểm thường ủy quyền cho các garage sửa chữa xe gần nhất, công ty tư vấn giám định bảo hiểm, công ty “thám tử” thay mặt mình thực hiện hợp đồng ủy quyền làm các công việc trên” - ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết.
Ông Trọng phân tích: “Về nguyên tắc, khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người đại diện ủy quyền phải phối hợp với các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất. Các doanh nghiệp phải thu thập biên bản vụ tai nạn giao thông để lập hồ sơ bồi thường. Trong đó gồm các tài liệu mà doanh nghiệp phải thu thập ở cơ quan công an như biên bản khám nghiệm hiện trường, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu, sơ đồ hiện trường, ảnh... Việc doanh nghiệp ủy quyền cho các garage, công ty “thám tử” là được phép nhưng chính doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm về kết quả đó”.
Ba tháng, tổng doanh thu tới 964 tỷ đồng
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong ba tháng đầu năm 2009, bảo hiểm xe cơ giới dẫn đầu doanh thu toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ với 964 tỷ đồng, tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2008.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, hiện Việt Nam có 27 công ty bảo hiểm phi nhân thọ với 350 công ty trực thuộc, tổng cộng hơn 50.000 cán bộ. Trong năm năm qua, các doanh nghiệp đã bồi thường hơn 140.000 vụ tai nạn giao thông với số tiền bồi thường khoảng 150 tỷ đồng. Riêng sáu tháng đầu năm 2009, số tiền bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự khoảng 200 tỷ đồng.
Nước ngoài: Cho cả thám tử điều tra thiệt hại
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ở nhiều nước, người dân và doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu cảnh sát, chính quyền địa phương xác nhận có tai nạn giao thông, ghi nhận lại hình ảnh hiện trường... Cảnh sát, chính quyền địa phương ý thức được rằng họ đang hưởng lương từ tiền thuế của dân và doanh nghiệp nên phải phục vụ. Hơn nữa, các nước đó còn công nhận kết quả giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty tư vấn giám định hoặc kết quả điều tra của thám tử. Các doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường trên cơ sở những kết luận của các đơn vị trên cung cấp nên rất nhanh chóng.
Trần Định
Pháp luật
|