Thứ Bảy, 22/08/2009 11:53

Cơ hội cuối cùng

Cùng với sự khởi sắc của TTCK, hai tháng trở lại đây nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã tái khởi động quá trình tăng vốn. Với những DN đủ vốn điều lệ theo quy định thì đây là thời điểm tốt để tăng tiềm lực tài chính, nhưng với các DN mà vốn vẫn thấp hơn quy định thì đây được xem như cơ hội cuối cùng.

Nhu cầu tăng vốn lớn

Theo Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ thì sau 3 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, vốn điều lệ tối thiểu của DN kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) là 300 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ (BHNT) là 600 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc đến cuối tháng 3/2010 nếu không tăng vốn thì DNBH sẽ không được tiếp tục hoạt động.

Trong khi các DN BHNT đã hoàn thành việc tăng vốn theo quy định thì trong lĩnh vực BHPNT vẫn còn 2 DN chưa thực hiện xong việc này, cụ thể là Bảo Long và Bảo Tín. Đầu tháng 8/2009, CTCP Bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long) đã lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành tăng vốn từ trên 172 tỷ đồng lên 340 tỷ đồng. Thực ra, việc tăng vốn đã được đặt ra từ ĐHCĐ năm 2008, nhưng do TTCK diễn biến xấu nên kế hoạch trên phải hoãn lại. Theo phương án phát hành của Bảo Long, số lượng phát hành là 17,28 triệu cổ phiếu. Trong đó, phát hành cho cổ đông hiện hữu 16,72 triệu cổ phiếu, theo tỷ lệ 1:1, với giá bằng mệnh giá; phát hành cho người lao động theo chính sách sách thu hút nguồn nhân lực 560.000 cổ phiếu. Trường hợp cổ đông không mua hết sẽ dành bán cho đối tác chiến lược, bán thêm cho người lao động và khách hàng đối tác của Công ty.

Trong quý IV năm nay, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Trước đó, Nghị quyết ĐHCĐ của VASS đã quyết nghị tăng vốn bằng cách chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Nhưng giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009 tình hình kinh tế gặp khó khăn nên VASS không tìm được đối tác để chào bán.

Để có đủ năng lực tài chính thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm vệ tinh và mở rộng chi nhánh, địa bàn hoạt động, CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cần tăng vốn thêm 150 tỷ đồng. Theo Nghị quyết ĐHCĐ họp hồi tháng 4/2009, PTI sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, giá bán bằng mệnh giá. Việc tăng vốn của PTI cũng nhằm tăng phần giữ lại của các hợp đồng bảo hiểm lớn, giảm phần nhượng tái bảo hiểm, giúp tăng lợi nhuận. Ngoài ra, việc tăng vốn sẽ giúp tăng dòng tiền khả dụng cho hoạt động đầu tư tài chính và đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hình ảnh của Công ty trước đối tác, bạn hàng, tăng cường vị thế và năng lực cạnh tranh trong kinh doanh.

Với số vốn điều lệ 80 tỷ đồng, CTCP Bảo hiểm Bảo Tín đã lên kế hoạch tăng vốn lên 500 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.

Có thể nói, ngoài quy định của pháp luật, việc tăng vốn điều lệ là nhu cầu tự thân của hầu hết DNBH. Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, trước hết là do vốn thấp nên mức phí giữ lại của các hợp đồng bảo hiểm rất thấp và phải tái bảo hiểm phí cho các nhà tái bảo hiểm trong và ngoài nước. Bình quân tỷ lệ tái bảo hiểm trên phí gốc lên đến 30%, thậm chí có nghiệp vụ phải tái đến 95% (hợp đồng xây dựng, lắp đặt). Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như thời gian qua, do vốn điều lệ thấp nên nhiều DN không thể khai thác các hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn vì yêu cầu về năng lực tài chính, nhất là các hợp đồng thông qua hình thức đấu thầu. Một lý do nữa là năng lực tài chính thấp đã hạn chế rất nhiều đến việc phát triển chi nhánh, mạng lưới giao dịch.

…nhưng không dễ

Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho rằng, để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập và phát triển, các DNBH cần xây dựng chiến lược kinh doanh ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kênh phân phối bằng cách huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, lành mạnh hóa khoản đầu tư, giảm các tài sản kém thanh khoản và các khoản phải thu khó đòi. Trong trường hợp cần thiết, có thể cân nhắc việc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để nâng cao năng lực quản trị điều hành, phát triển công nghệ bảo hiểm. Đây cũng là một hướng đi, nhưng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng thì việc mời gọi đối tác nước ngoài mua cổ phần không hề dễ dàng. Bởi lẽ, mặc dù được đánh giá là tiềm năng, nhưng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện rất khốc liệt. Hơn nữa, những DN thuộc diện phải tăng vốn theo quy định của pháp luật cũng chưa phải là DN có tên tuổi nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc huy động vốn tại thị trường trong nước có tính khả thi hơn.

Nhìn vào phương án tăng vốn của nhiều DNBH có thể thấy tính khả thi, bởi phần lớn đều là phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá. Tuy nhiên, theo ông Hoan, để tăng khả năng thành công cho đợt phát hành, các DN cần lên kế hoạch và công khai lộ trình niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên TTCK. Vì hiện tại, TTCK chỉ khởi sắc, sôi động trên thị trường chính thức, còn phần lớn cổ phiếu trên thị trường OTC vẫn trong tình trạng đóng băng, không xác định được giá. Một lộ trình tạo thanh khoản cho cổ phiếu có lẽ là động lực chính khiến nhà đầu tư mua cổ phiếu bên cạnh giá phát hành hấp dẫn.                          

Thanh Đoàn

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Cuộc đua mở rộng mạng lưới: Lấy dài... nuôi ngắn (22/08/2009)

>   Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi tăng hơn 1.000 tỷ đồng trong tuần (22/08/2009)

>   Kẽ hở để... lách thuế (22/08/2009)

>   15.000 tỷ đồng tiền thuế thành vốn bổ sung cho DN (22/08/2009)

>   Kiểm cứ kiểm, vi phạm cứ vi phạm (22/08/2009)

>   ACB triển khai chương trình tài trợ xuất khẩu trọn gói (22/08/2009)

>   VietinBank hợp tác với Becamex IDC (22/08/2009)

>   Hàng triệu thẻ ngân hàng có thể thay mới (21/08/2009)

>   Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý các loại hàng dự trữ (21/08/2009)

>   69 DN vi phạm việc trích nộp BHXH với trên 38,6 tỉ đồng (21/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật