Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý các loại hàng dự trữ
Tổng cục Dự trữ Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý dự trữ nhà nước; trực tiếp quản lý các loại hàng dự trữ được Chính phủ giao.
Chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg, ngày 20/8/2009, có hiệu lực kể từ ngày 5/10/2009.
Theo Quyết định này, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có 17 nhiệm vụ và quyền hạn.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước có nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, mức dự trữ từng loại hàng, tổng mức dự trữ nhà nước và tổng mức tăng dự trữ nhà nước trong từng thời kỳ và hàng năm; sử dụng quỹ dự trữ để tham gia bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô...
Một trong những nhiệm vụ chính của Tổng cục Dự trữ Nhà nước là tổ chức quản lý, sử dụng quỹ dự trữ nhà nước theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; thực hiện quản lý dự trữ nhà nước bằng tiền theo quy định.
Đối với nhiệm vụ trực tiếp quản lý các loại hàng dự trữ nhà nước theo danh mục được Chính phủ giao, Quyết định nêu rõ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, bảo vệ an toàn các hàng dự trữ được giao; đồng thời thực hiện xuất hàng dự trữ để cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn, viện trợ quốc tế.
Về cơ cấu tổ chức, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực: Hà Nội, Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh, Cửu Long, Tây Nam Bộ.
Mai Linh
Chính Phủ
|