Chủ Nhật, 23/08/2009 16:16

Để cổ phiếu tăng giá khi chào sàn: Không chỉ dựa thiên thời

Thị trường chứng khoán đang trên đà tăng cao, nhiều cổ phiếu đưa ra chào sàn đã đạt được kết quả giao dịch ngoạn mục: Tăng hết biên độ trong phiên đầu tiên và tăng cao trong nhiều phiên kế tiếp. Nhưng cũng có cổ phiếu ngậm ngùi đắng cay khi hẩm hiu trồi lên tụt xuống. Yết tố nào làm nên thành công và thất bại?

Mong ước "hết biên độ trong ngày đầu"“Tăng hết biên độ ngày đầu tiên giao dịch” là nỗi niềm mong ước của bất cứ một doanh nghiệp nào. Nhiều người tin rằng đó là sẽ là khởi đầu may mắn, lại có người xem như một niềm vui lớn lao vượt trên cả giá trị vật chất của sự lên giá mang lại. Để đạt được điều đó, ngoài yếu tố “thiên thời” là thị trường đang tăng cao, còn cần phải có “địa lợi” với nền tảng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, và đưa ra phương án tính giá chào sàn sao cho “nhân hòa”.

Thiên thời là khi thị trường thuận lợi, xu hướng tăng mạnh, thanh khoản đang ở mức cao nên việc lên sàn gần như nắm chắc phần thắng. Khi đó, các cổ phiếu sắp lên sàn luôn được giới đầu tư săn lùng. Thậm chí, việc “đua” trước ngày lên sàn đã trở thành một trào lưu với không ít nhà đầu tư mạo hiểm.

Để một nền tảng “địa lợi” với kết quả kinh doanh tốt, doanh nghiệp phải trải qua nhiều năm gầy dựng với phương án kinh doanh tốt cùng nhiều yếu tố khác. Còn việc tính giá chào sàn giống như cú sút bóng quyết định, chỉ diễn ra trong tích tắc và thể hiện rõ tài năng, bản lĩnh của người sút. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết phải tính toán phương án giá chào sàn sao cho thật hợp lý, phải làm sao cho giá thật hấp dẫn để nhiều người mua - ít người bán, kèm theo đó là nhiều phương án ứng phó. Như trường hợp diễn biến xấu xảy ra, giá tụt giảm mạnh thì những cổ đông lớn phải chuẩn bị tiền sẵn trong tài khoản để ra tay “cứu giá”.

Tuyệt kỹ ghi bàn

Nổi bật nhất là việc lên sàn của nhóm cổ phiếu ngành cao su trong  thời gian qua. Công ty cổ phần (CTCP) cao su Phước Hòa (PHR) chào sàn tại HOSE vào ngày 18-8. Với giá tham chiếu (1 cổ phiếu) trong ngày giao dịch đầu tiên là 36.000đ, PHR đã tăng hết biên độ 7.200đ, lên mức 43.200đ. Khối lượng giao dịch của PHR khá khiêm tốn đạt 19.600 cổ phiếu, kết thúc phiên với dư bán của PHR trống trơn, trong khi dư mua còn khá nhiều.

Trước đó vào ngày 11-8, việc  25 triệu cổ phiếu CSM của CTCP công nghiệp cao su miền Nam lên sàn đã tạo ra một cơn sốt với dư mua giá trần lên tới 7 triệu đơn vị. Giá giao dịch tăng hết biên độ ngay từ khi mở cửa cho tới khi chốt phiên, CSM đã thành công khi đạt 50.000đ, so với giá tham chiếu 42.000 đồng.

CTCP phát triển đô thị-công nghiệp số 2 (D2D) niêm yết ngày 14-8 với giá tham chiếu là 40.000 đồng. D2D đã tăng hết biên độ cho phép, lên mức 48.000đ. Khối lượng giao dịch đạt 320.950 đơn vị, dư bán trống trơn, trong khi dư mua giá trần tới 47.100 đơn vị.

Ngày 17-8, 8,19 triệu cổ phiếu của CTCP Giao nhận Vận tải và Thương mại -Vinalink (VNL) cũng đạt 31.200đ sau khi tăng kịch trần từ giá chào sàn là 26.000 đồng. Ngày 19-8, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng -DIC đã tăng kịch trần trong phiên đầu tiên, từ 55.000đ lên 66.000đ.

Nhìn trên biểu đồ (đăng kèm), đường biểu diễn giá giao dịch của CSM thật mát lòng nhà đầu tư với 9/9 phiên tăng liên tục, nâng giá giao dịch từ 42.000đ tăng lên đến 72.000đ (ngày 21-8). Tương tự, PHR có 4/4 phiên tăng liên tục, giá từ 36.000đ tăng lên 49.800đ. DIG có 3/3 phiên tăng liên tục, giá từ 55.000đ lên 72.000đ.

Cũng có cú sút...trượt khung thành

Ngày 19-8, cổ phiếu PVX (Tổng CTCP xây lắp dầu khí Việt Nam) với giá chào sàn 28.000đ đã giảm một phát xuống còn 24.900đ, rồi sau đó nỗ lực trườn lên để tăng liền hai phiên kế tiếp, lên  26.600đ-28.400đ (21-8).

Cùng niêm yết trong ngày 19-8, nhưng hai cổ phiếu DAD (CTCP đầu tư và phát triển giáo dục Đà Nẵng) và SED (CTCP đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam) lại kém may mắn hơn PVX. SED từ 25.000đ giảm dần đều xuống 20.100đ, 18.800đ, 17.900đ. Còn DAD từ 24.600đ tuột xuống 15.900đ, sau đó lên chút xíu 16.000đ, rồi tiếp tục xuống sâu 14.900đ.

Con đường đi của D2D thì khá gập ghềnh (xem biểu đồ). Sau khi tăng trần lên 48.000đ trong phiên giao dịch đầu tiên, các bước đi tiếp cứ tụt xuống trồi lên, cố gắng lắm cũng chỉ dừng lại mức 47.500đ.

Điều rút ra là nhà đầu tư khi xem xét cổ phiếu mới chào sàn nên tính đến cả 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thiếu một trong ba, nhà đầu tư có thể không còn là người chủ động cùng những người quản trị doanh nghiệp sút bóng ghi bàn mà lâm vào tình huống "vào lưới nhặt bóng" như chơi.

Khuyên Khanh - Đăng Lan

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Thị trường đang tìm điểm tựa (23/08/2009)

>   Vinaconex tính đến phương án bán 500 tỷ đồng cp cho SCIC (22/08/2009)

>   Nhiều tổ chức đã giải ngân (22/08/2009)

>   Cơ hội sau khủng hoảng (22/08/2009)

>   Lợi nhuận đột biến còn tiếp diễn? (22/08/2009)

>   SSI và VDSC giao dịch khối lượng lớn NBB và VFMVF4 (22/08/2009)

>   Thuduc House dự kiến kết quả kinh doanh 2009 sẽ vượt kế hoạch (21/08/2009)

>   Khẩn trương lên sàn chứng khoán (22/08/2009)

>   Dòng vốn lớn bất thường từ khối ngoại (22/08/2009)

>   POT: BCTC chi tiết đã soát xét 6 tháng đầu năm 2009 (21/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật