Khẩn trương lên sàn chứng khoán
Nhiều công ty đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ để đưa cổ phiếu của mình niêm yết tại sàn chứng khoán hoặc thị trường đăng ký giao dịch (UPCoM) không chỉ vì sức ép từ cổ đông, nhà quản lý mà còn khai thác và tận dụng tối đa cơ hội của người đi trước.
Không ít công ty phải nhanh tay vì đã rút ra kinh nghiệm vào sàn theo mùa, phong trào có thể bị dội chợ, chào sàn sẽ khó khăn hơn.
Chậm vào sàn, càng thiệt hại
Dù đang là cổ phiếu có tính thanh khoản nhất nhì tại thị trường OTC nhưng Ngân hàng Eximbank cũng đang ráo riết làm thủ tục niêm yết tại sàn chứng khoán TP.HCM với lộ trình dự kiến trong tháng 10-2009. Một lãnh đạo Eximbank cho biết các thủ tục đang được xúc tiến khẩn trương nhưng việc niêm yết đúng với kế hoạch dự kiến hay không còn phụ thuộc vào việc hoàn chỉnh hồ sơ và sự chấp thuận của các cơ quan quản lý. “Nhưng càng chậm đưa cổ phiếu vào niêm yết, cổ đông càng bị thiệt hại vì chỉ có ở sàn niêm yết, thông qua sự thẩm định của nhà đầu tư trên thị trường, thực lực của đơn vị mới được đánh giá một cách chuẩn xác hơn...” - vị lãnh đạo này nói.
Cùng với Eximbank, một số ngân hàng khác cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để đưa cổ phiếu vào sàn niêm yết như Ngân hàng CP Quân đội, Ngân hàng CP Sài Gòn... Không chỉ ngân hàng, nhiều công ty đại chúng cũng đang xin ý kiến cổ đông để được chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên sàn. Để rút ngắn thời gian, nhiều công ty cổ phần đã chọn cách xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thay vì phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Rơi vào trường hợp này là những đơn vị không có kế hoạch lên sàn ngay từ đầu năm. Còn những đơn vị đã có kế hoạch trước, được cổ đông thông qua trong đại hội hồi đầu năm thì nay chỉ lo hoàn chỉnh thủ tục.
Một lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) xác nhận nhiều công ty đang gấp rút lên sàn, số lượng các công ty đại chúng nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tăng mạnh so với những tháng đầu năm. Theo số liệu của HoSE, từ đầu năm đến nay có 20 cổ phiếu lên sàn thì có đến năm là vào sàn trong ba tuần lễ đầu của tháng 8-2009. Hiện HoSE cũng đã chấp thuận nguyên tắc niêm yết cổ phiếu cho tám công ty đại chúng, sáu công ty khác đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
Nhiều lý do để sớm lên sàn
Theo nhận định của một số chuyên gia, nhiều công ty muốn tranh thủ thị trường khởi sắc để lên sàn. Thực tế, nhiều cổ phiếu lên sàn thời gian gần đây đều tăng giá khá mạnh, có cổ phiếu tăng 2-3 lần so với trước khi lên sàn. Cũng là công ty cổ phần, cùng ngành nghề, tiềm lực, lợi nhuận như nhau nhưng cổ phiếu trên sàn luôn có giá tốt và thanh khoản cao hơn. Vào sàn, công ty cũng có cơ hội huy động vốn, tự hoàn thiện mình, tăng tính minh bạch để tạo sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, từ đó thu hút họ góp vốn vào công ty. Đó là những động lực chính để các công ty phải nhanh chân vào sàn.
Ngoài ra còn một sức ép phải sớm lên sàn, đó là tới đây tất cả các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch ở những chợ chứng khoán tập trung và có tổ chức. Với những công ty đủ điều kiện thì niêm yết ở sàn TP.HCM và Hà Nội, trong đó sàn TP.HCM là ưu tiên. Còn những công ty không có kế hoạch niêm yết thì phải đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM.
Các công ty cổ phần cũng khó né tránh việc đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung. Trước đây, Bộ Tài chính đã quy định tất cả công ty cổ phần đủ điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký, không đăng ký sẽ bị phạt. Như vậy, lộ trình giao dịch cổ phiếu tập trung đã rõ ràng, nếu không nhanh chân vào hai sàn niêm yết thì đến một thời điểm nào đó, tất cả đều phải đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM. Theo nhiều công ty, nhanh chân vào sàn niêm yết có thể tận dụng được nhiều hơn các cơ hội khi niêm yết trên sàn. Một khi “nườm nượp” vào sàn, các cơ hội sẽ giảm dần, thậm chí sẽ có những so sánh không có lợi cho công ty, kể cả việc thị trường không “tiêu hóa” kịp khối lượng cổ phiếu mới chào sàn.
“Việc công ty đại chúng phải chọn lựa niêm yết hay đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM không bất ngờ, đã được Bộ Tài chính công bố cách đây hơn hai năm. Không có lý do gì để các công ty đại chúng đứng ngoài sự quản lý của các cơ quan quản lý thị trường...” - một quan chức Ủy ban Chứng khoán nhà nước nói.
Ông Vũ Bằng, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết sẽ có những biện pháp chế tài nhất định để khuyến khích các công ty đưa vào giao dịch ở các thị trường có kiểm soát, cả niêm yết chính thức lẫn UPCoM. Những công ty chưa niêm yết mà cũng không vào UPCoM sẽ gặp khó khăn hơn trong thủ tục xét duyệt tăng vốn. Đồng thời nơi này cũng cải tiến các giao dịch ở thị trường tập trung, giúp các cổ phiếu ở sàn tập trung có tính thanh khoản cao hơn.
Nhanh tay “xí” mã chứng khoán
Trung tâm Lưu ký chứng khoán VN (VSD) vừa chấp thuận bảo lưu mã chứng khoán cho ba công ty đại chúng gồm Tổng công ty Đức Giang (mã chứng khoán được bảo lưu là MDG), Ngân hàng CP Nam Việt (NVB) và Công ty CP Ngoại thương và phát triển đầu tư TP.HCM (FDC). Theo quy định, thời hạn bảo lưu kéo dài sáu tháng, quá thời hạn này mã chứng khoán sẽ không còn hiệu lực tại VSD nếu công ty chưa nộp hồ sơ đăng ký và xin cấp mã chứng khoán đầy đủ. Được biết thời gian gần đây, khá nhiều công ty đại chúng đã “đặt chỗ” trước ở sàn niêm yết với hình thức đề nghị được bảo lưu mã chứng khoán.
Hải Đăng
Tuổi trẻ
|