Thứ Bảy, 22/08/2009 11:35

Cơ hội sau khủng hoảng

“Suy thoái đã chạm đáy hay chưa và khi nào kinh tế thế giới phục hồi thực sự? Đâu là cơ hội dành cho DN Việt Nam ‘hậu’ khủng hoảng?”. Đó là hai câu hỏi mà nhiều lãnh đạo DN băn khoăn nhưng không dễ tìm được được câu trả lời.

Chiều 19/8, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) đã tổ chức buổi hội thảo: “Cơ hội sau khủng hoảng kinh tế đối với các DN Việt Nam”. Gần 70 khách mời - phần lớn là các lãnh đạo DN niêm yết đã tập trung lắng nghe ý kiến đóng góp từ các diễn giả, dù các đề xuất hầu hết mới chỉ đề cập vấn đề ở góc độ vĩ mô.

Những phác thảo và đề xuất

Để trả lời câu hỏi thứ nhất, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tình trạng suy giảm sức cầu dù còn tiếp diễn diễn nhưng chắc chắn thế giới đã thoát khỏi “bóng ma” khủng hoảng dài và tồi tệ tương tự giai đoạn 1929 - 1933. Tuy nhiên, di chứng của cuộc khủng hoảng vẫn kéo dài trong một vài năm tới, năm 2009 trong dự đoán lạc quan nhất thì GDP toàn cầu chỉ tăng 2,2% và các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều tăng trưởng âm.

Trong nước, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, GDP năm 2009 tăng từ 4 - 5% hoặc cao hơn chút ít, CPI sẽ ở trong tầm kiểm soát, tăng 7 - 8%. Xuất khẩu và giải ngân FDI có thể thấp hơn năm 2008 nhưng không giảm đột biến. Về chính sách tỷ giá, VND tiếp tục được điều chỉnh linh hoạt theo tỷ giá của một số ngoại tệ mạnh, nhằm kích thích xuất khẩu và giảm nhập siêu. TTCK sẽ hồi phục với tốc độ chậm trong 6 tháng cuối năm… Đánh giá chung, TS. Lịch cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2009 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với các quốc gia trong khu vực, kinh tế vĩ mô ổn định hơn năm 2008. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm và năm 2010 sẽ là khoảng thời gian tiếp tục có sự sàng lọc nghiệt ngã đối với các DN.

TS. Trần Du Lịch kể rằng, ông vừa có chuyến đi Trung Quốc trong thời gian 10 ngày qua 8 thành phố lớn và cảm nhận chung là kinh tế nước láng giềng đã phục hồi thực sự. Theo vị diễn giả này, bí quyết phục hồi của quốc gia đông dân nhất hành tinh là sự chuyển hướng rất nhanh về thị trường nội địa. Ở điểm này, Việt Nam cũng có thể học tập: cuộc khủng hoảng là cơ hội để cả Nhà nước và DN thực hiện các tái cấu trúc sản phẩm hàng hóa dịch vụ trên thị trường. Thay vì phí công sức đi tìm câu trả lời cho những vấn đề lớn lao như kinh tế Mỹ đã đến đáy chưa, mỗi DN nên tập trung tìm nhu cầu thị trường và đáp ứng nhu cầu đó! Theo gợi ý của TS. Lịch, thị trường nội địa là chìa khóa để các DN Việt Nam phát triển dựa trên thế mạnh của riêng mình…

Tiếng nói từ  DN

“Tại sao công ty không phát triển mạnh thị trường nội địa?”. Trong mùa ĐHCĐ năm 2008, một cổ đông đã chất vấn chủ tịch HĐQT một công ty thủy sản từng dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu cá da trơn. Để trả lời, ông này kể lại chuyện một siêu thị của Pháp đến DN đặt mua cá để phân phối trong hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Công ty kỳ vọng có thể tiêu thụ được vài container/ngày, tuy nhiên năng lực tiêu thụ thực tế của chuỗi siêu thị chỉ có thể đáp ứng được tối đa 1/2 container/ngày. “Với khả năng tiêu thụ có giới hạn, chi phí bảo quản, vận chuyển, phân phối tới các siêu thị lại lớn, làm cho việc tiêu thụ theo kênh này trở nên không hiệu quả”, vị chủ tịch HĐQT kết luận.

Một trường hợp khác tại CTCP Thủy sản số 1 (SJ1) - một DN thủy sản quy mô trung bình. Mỗi tháng, sản lượng chế biến của Công ty đạt khoảng 150 - 180 tấn, trong đó chỉ 20 - 30 tấn tiêu thụ ở thị trường nội địa, số còn lại dành cho xuất khẩu... Với cơ cấu tiêu thụ như trên, đương nhiên trong cuộc khủng hoảng vừa qua, các DN xuất khẩu thủy sản như SJ1 sẽ chịu tác động mạnh khi cả đơn hàng và giá bán đều giảm.

Bà Trần Thị Hà, Phó tổng giám đốc SJ1 cho biết, tại thị trường nội địa, SJ1 đang là nhà cung cấp duy nhất cho hệ thống Lotteria với nguyên liệu hambuger tôm và cá; Công ty cũng thực hiện bán sỉ qua hệ thống siêu thị của Lottemart và Metro. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường nội địa rộng hơn hoàn toàn không dễ dàng, do mới chỉ có một bộ phận dân cư tập trung tại thành thị có thói quen mua sắm trong các trung tâm thương mại. Việc SJ1 tự thân phát triển mở rộng mạng lưới và phân phối để cân đối giữa thị trường xuất khẩu và nội địa là nhiệm vụ bất khả thi.

Có mặt tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE) đề xuất: “Có nhiều vấn đề tự thân các DN không làm nổi. Chẳng hạn, Việt Nam thiếu nền công nghiệp phụ trợ nên các nguyên liệu đầu vào cho lĩnh vực công nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, sức cạnh tranh của các DN như REE bị hạn chế với các hãng nước ngoài ngay tại sân chơi nội địa. Để tạo ra năng lực cạnh tranh thực sự, ngoài nỗ lực của DN cần một chiến lược quy hoạch và phát triển đồng bộ từ cấp cao hơn”.

Rõ ràng, không thể có một đáp án chung cho lối ra của tất cả các DN và phần lớn DN Việt Nam có thị trường tiêu thụ nội địa nhỏ và nguồn lực tài chính hạn hẹp. Việc tái cấu trúc cần sự điều phối của một nhạc trưởng là Nhà nước bằng các chính sách. Tuy nhiên, theo TS. Lịch, vẫn có các cơ hội mà DN có thể tận dụng ngay trước mắt. Đó là việc gói kích cầu thứ hai hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn để thực hiện đầu tư mới. “Nếu như gói kích cầu thứ nhất mới có tác dụng sơ cứu thì gói kích cầu thứ 2 sẽ mang tính chất trị bệnh tận gốc”, ông Lịch đánh giá.          

Ngọc Giang

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Lợi nhuận đột biến còn tiếp diễn? (22/08/2009)

>   SSI và VDSC giao dịch khối lượng lớn NBB và VFMVF4 (22/08/2009)

>   Thuduc House dự kiến kết quả kinh doanh 2009 sẽ vượt kế hoạch (21/08/2009)

>   Khẩn trương lên sàn chứng khoán (22/08/2009)

>   Dòng vốn lớn bất thường từ khối ngoại (22/08/2009)

>   POT: BCTC chi tiết đã soát xét 6 tháng đầu năm 2009 (21/08/2009)

>   VFR: BCTC chi tiết đã soát xét 6 tháng đầu năm 2009 (21/08/2009)

>   VE1: BCTC chi tiết đã soát xét 6 tháng đầu năm 2009 (21/08/2009)

>   DHI: BCTC chi tiết đã soát xét 6 tháng đầu năm 2009 (21/08/2009)

>   CTM: Báo cáo tài chính tóm tắt quý II năm 2009 (21/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật