Cân bằng kinh tế Trung Quốc như thế nào?
Không phải các nhà kinh tế Trung Quốc và những người hoạch định chính sách của nước này không nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn trong mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu của Trung Quốc, cũng như trong thành tích tăng trưởng ấn tượng hiện nay. Nhưng một sự cải cách kinh tế - nói cách khác là tái cân bằng nền kinh tế theo hướng bền vững - đòi hỏi một ý chí chính trị mạnh mẽ mà hiện nay giới lãnh đạo nước này vẫn chưa sẵn sàng.
Tăng chi tiêu, giảm tiết kiệm?
Một trong những khuyến nghị thường được nhắc đi nhắc lại là Trung Quốc phải đẩy mạnh tiêu thụ của thị trường trong nước, khuyến khích người dân chi tiêu hơn là để dành tiền. Khuyến nghị này dựa trên giả định rằng, người Trung Quốc có truyền thống “thắt lưng buộc bụng” để phòng khi ốm đau, già yếu, do đó tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 35% GDP; muốn cân bằng nền kinh tế, Trung Quốc phải đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, bớt lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu.
Vấn đề không đơn giản như vậy. Theo báo Economist, thực tế tiêu dùng nội địa của Trung Quốc không giảm mà vẫn tăng đều đặn 8% mỗi năm trong suốt 10 năm qua và có thể đạt 10% trong năm nay nhờ biện pháp kích cầu. Trong 12 tháng qua, doanh số bán lẻ đã tăng tới 17%, trong đó có phần mua sắm của chính phủ.
Tuy vậy, mức tăng nhu cầu tiêu thụ vẫn chậm hơn tăng trưởng GDP và hậu quả là tỷ trọng của tiêu dùng trong GDP giảm chứ không tăng; từ mức 49% năm 1990 xuống còn 35% hiện nay; trong khi ở các nền kinh tế châu Á khác con số này là 50-60% và ở Mỹ là 75%.
Theo Giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell, Mỹ, tỷ lệ tiết kiệm trong tổng thu nhập của người dân đô thị Trung Quốc đã tăng từ 20% lên 28% trong thập niên qua, lý do là người dân cần để dành tiền chăm sóc sức khỏe, học hành của con cái và chi tiêu khi về hưu. Để khuyến khích tiêu dùng, việc cần làm ngay là Trung Quốc phải xây dựng mạng lưới an sinh xã hội rộng khắp và tin cậy được.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã đi theo hướng này. Chỉ trong ba năm từ 2005-2008, Chính phủ Trung Quốc đã tăng gấp đôi chi phí cho hệ thống y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội, bãi bỏ thuế nông nghiệp và quy định giáo dục miễn phí bậc tiểu học cho học sinh nông thôn. Năm nay Trung Quốc quyết định tăng hưu bổng, hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp và có kế hoạch cung cấp dịch vụ y tế căn bản cho 90% dân số vào năm 2011. Chính phủ hy vọng, khi người dân bớt lo âu cho tương lai họ sẽ giảm tiết kiệm, tăng chi tiêu. Nhưng thực tế, việc thay đổi hành vi chi tiêu của xã hội thường phải mất rất nhiều năm. Huống nữa, đầu tư cho phúc lợi xã hội của Trung Quốc vẫn còn quá thấp, khoảng 6% GDP - so với mức 25% ở các nước phát triển - nên chưa đủ sức tạo sự thay đổi trong xã hội.
Nhưng bất công mới là trở ngại chính
Rõ ràng, Chính phủ Trung Quốc đã làm theo khuyến cáo của giới nghiên cứu kinh tế nhưng tại sao những sự bất cân đối trong nền kinh tế nước này vẫn không giảm mà còn trầm trọng hơn?
Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh, nhìn thấy vấn đề ở sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập: người giàu tiết kiệm nhiều hơn trong lúc dân nông thôn bớt tiết kiệm; người dân tiết kiệm ít, doanh nghiệp tiết kiệm nhiều. Ông Kuijs đã nghiên cứu và đưa ra nhiều dữ liệu chứng minh, nếu có ai tiết kiệm quá nhiều thì đó là các doanh nghiệp chứ không phải hộ gia đình.
Cội rễ của tình trạng trên là tuy kinh tế ngày càng tăng trưởng, lợi nhuận ngày càng cao nhưng phần thu nhập quốc dân đến được hộ gia đình người dân lại ngày càng giảm. Phần của người lao động trong chiếc bánh kinh tế ngày càng teo lại vì tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc dựa chủ yếu vào đầu tư vào các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều vốn liếng mà lại tạo ra ít công việc làm, từ đó lợi nhuận tăng nhanh hơn mức tăng tiền công.
Từ khi bắt đầu cải cách kinh tế đến nay Chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích các ngành công nghiệp hơn là dịch vụ, thông qua lãi suất thấp, tỷ giá hối đoái có lợi cho xuất khẩu và hầu hết các doanh nghiệp nhà nước gần như được ưu đãi tối đa về chi phí đầu vào như giá thuê đất và giá năng lượng. Chính vì thế, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc giàu lên, chính phủ giàu lên, song người dân không được hưởng nhiều thành quả từ sự giàu lên đó, của cải được tích lũy vào tay một thiểu số trong xã hội, vào các khu vực phát triển ở duyên hải trong khi vùng nông thôn rộng lớn vẫn hết sức khó khăn.
Kích thích người dân chi tiêu là một biện pháp cần nhưng không đủ để chuyển hướng nền kinh tế về hướng dựa vào nhu cầu nội địa thay cho xuất khẩu. Xây dựng mạng lưới an sinh xã hội cũng vậy. Nhưng biện pháp quan trọng nhất, theo ông Kuijs, phải là nâng cao thu nhập của người dân, giảm lợi nhuận tích lũy của doanh nghiệp nhà nước. Trung Quốc cần tự do hóa lĩnh vực tài chính để buộc doanh nghiệp nhà nước phải trả chi phí cao hơn cho phần vốn liếng mà họ sử dụng, mở rộng sự tiếp cận tín dụng của khu vực tư nhân và khuyến khích phát triển lĩnh vực dịch vụ tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn sản xuất công nghiệp.
Tăng lãi suất tiết kiệm là một biện pháp tăng thu nhập cho người dân. Những méo mó trong hệ thống thuế, theo đó hoạt động sản xuất công nghiệp được ưu đãi hơn cung ứng dịch vụ và những rào cản đối với kinh tế tư nhân cần được xóa bỏ. Doanh nghiệp nhà nước buộc phải thanh toán nhiều hơn cho những tài nguyên đất đai mà họ chiếm hữu. Mức giá ưu đãi cho các yếu tố đầu vào của sản xuất công nghiệp phải được điều chỉnh lại theo thị trường. Cải cách luật đất đai và bãi bỏ những hạn chế đối với người du dân từ nông thôn vào đô thị cũng sẽ góp phần nâng cao thu nhập và kích thích tiêu thụ.
Không thể cải tổ nửa vời
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện những cuộc cải tổ này, song chưa làm hết mình. Cải tổ đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải giảm bớt sự kiểm soát nền kinh tế - một điều mà Trung Quốc làm rất chậm chạp, rất miễn cưỡng.
Yếu tố cuối cùng thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao thu nhập của người dân là nâng tỷ giá hối đoái. Đồng nhân dân tệ mạnh lên có nghĩa là sức mua thật của người tiêu dùng tăng lên, giảm sự đầu tư vào sản xuất công nghiệp và giúp cân bằng cán cân thương mại. Trung Quốc đã thử nới lỏng tỷ giá vào tháng 7-2005 và sau đó đồng nhân dân tệ tăng giá 28% so với đô la Mỹ, làm dấy lên phong trào mua sắm, du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc.
Nhưng từ tháng 7 năm ngoái, lo ngại trước sự sút giảm xuất khẩu, Trung Quốc đã lại “neo” đồng tiền vào đồng đô la Mỹ. Khi đô la Mỹ giảm giá trong năm nay, nó kéo luôn cả đồng nhân dân tệ xuống; tính từ tháng 2-2009 đến nay, đồng tiền Trung Quốc đã yếu đi thêm 8%. Tuy vậy, theo Morris Goldstein và Nicholas Lardy của Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, đồng nhân dân tệ hiện vẫn còn được định giá thấp khoảng 15-25% so với giá trị thực của nó.
Những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong nước đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và làm giảm thặng dư thương mại. Nhưng hoạt động đầu tư - đầu cơ quá lớn không phải là điều tốt cho sự tăng trưởng bền vững. Chừng nào Trung Quốc chưa sẵn sàng tiến hành những cuộc cải tổ cơ cấu hết sức khó khăn, chưa để cho đồng tiền được tự do chuyển đổi, chưa tự do hóa lĩnh vực tài chính thì cam kết tái cân bằng kinh tế của Chính phủ Trung Quốc vẫn chỉ là lời hứa suông. Về lâu dài, điều đó gây hại cho chính nền kinh tế Trung Quốc, cũng như cho phần còn lại của thế giới.
Huỳnh Hoa
TBKTSG
|