Bàn cách ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá
Việc các vụ kiện chống bán phá giá ngày một tăng là lý do để Viện nghiên cứu phát triển, Trung tâm WTO TPHCM phối hợp với Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap 3) và Dự án Star-Việt Nam tổ chức hội thảo xoay quanh chủ đề ứng phó với tình hình trên vào sáng 12-8 tại TPHCM.
Hội thảo đã bàn về các quy định của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ về thuế chống bán phá giá, nhằm trang bị cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam kiến thức và kinh nghiệm ứng phó khi xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá.
Các chuyên gia trong và ngoài nước cũng phân tích các khiếu kiện từ hai trường hợp điển hình là điều tra thuế đối kháng đối với túi nhựa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ và vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da vào thị trường EU.
Hiện tại, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định điều tra túi nhựa sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu vào nước này nhằm áp thuế đối kháng. Trong vòng 3 năm qua, túi nhựa Việt Nam nhập vào Mỹ tăng hơn gấp đôi về sản lượng và gấp 4 về kim ngạch. Nếu DOC quyết định áp thuế lên sản phẩm túi nhựa thì đây là lần đầu tiên Việt Nam bị điều tra áp thuế đối kháng.
Thuế đối kháng thường được áp dụng nhằm trả đũa nước xuất khẩu bán phá giá, gây thiệt hại cho nước nhập khẩu.
Từ năm 2000 đến nay, các nhà xuất khẩu Việt Nam liên tục đối mặt nhiều vụ kiện chống bán phá giá trên thị trường thế giới, như vụ kiện chống bán phá giá phi lê cá ba sa và cá tra vào thị trường Mỹ, vụ kiện chống bán phá giá tôm sú đông lạnh vào Mỹ, vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da xuất vào thị trường EU…
Hồng Văn
TBKTSG Online
|