Xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản mạnh hơn
Mức phạt tiền cao nhất trong lĩnh vực khoáng sản lên đến 500 triệu đồng, gấp 5 lần so với quy định hiện hành là một trong những điểm mới tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, được đưa ra lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân.
Tinh thần chung của Dự thảo Nghị định là quy định chặt chẽ hơn các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và bổ sung một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Như đ ể tránh xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản không giấy phép diễn ra tràn lan, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết các mức tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm, giúp các cơ quan chức năng xử lý vi phạm đúng người đúng tội, đồng thời giúp các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản nhận thức rõ hơn hành vi vi phạm của mình nếu có và mức xử phạt tương ứng.
Trong đó, đối với trường hợp khai thác khoáng sản quý, hiếm, đặc biệt và độc hại, Dự thảo quy định cụ thể: Phạt tiền từ 150-200 triệu đồng nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về việc đóng cửa mỏ; phạt tiền từ 160-200 triệu đồng nếu khai thác không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn, khai thác vượt công suất đến 50%...
Ngoài ra, đối với hành vi thăm dò khoáng sản không có giấy phép, sẽ bị phạt tiền từ 100-150 triệu đồng (mức cũ từ 10-20 triệu đồng).
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi khảo sát khoáng sản không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn (mức cũ từ 2-5 triệu đồng).
Các vi phạm về điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, cũng như chế biến, quản lý khoáng sản... đều tăng mức xử phạt lên nhiều lần so với quy định hiện hành.
Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả hiện đang áp dụng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản gây ra, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định "Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm hành chính gây ra".
Chính phủ
|