Tín hiệu đáng mừng trong quan hệ thương mại Việt – Trung
Mặc dù ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã xuất hiện những dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây
Phóng viên VOV thường trú tại Trung Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Phú, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để hiểu thêm về vấn đề này.
PV: Trước tiên, xin ông có thể giới thiệu đôi nét về quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua?
Ông Nguyễn Duy Phú: Trước hết, tôi xin đến kết quả thương mại song biên Việt Nam – Trung Quốc 6 tháng đầu 2009. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc cung cấp, tổng kim ngạch XNK hai chiều đạt trên 8,5 tỷ USD, giảm 18,4%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 3,0%; Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trên 6,4 tỷ USD, giảm 23,7%. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 4,3 tỷ USD, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2008.
Trong hoàn cảnh thương mại toàn cầu giảm sút mạnh, xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc không tránh khỏi khó khăn. Việc Việt Nam xuất khẩu tăng trưởng 3,0% sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm sau nhiều tháng giảm sút là một tín hiệu ban đầu đáng mừng.
Một điểm nổi bật nữa trong xuất nhập khẩu Việt - Trung thời gian qua, theo tôi đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về tốc độ lẫn quy mô của nhóm sản phẩm thực vật xuất sang Trung Quốc. Nửa đầu năm nay, sản phẩm thực vật, trong đó có trái cây, sắn, tinh bột sắn tăng trưởng 52,6%, kim ngạch đạt 416,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng tới 19,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng.
PV: Thưa ông, Bộ Công thương Việt Nam đánh giá, nhìn nhận thế nào đối với thị trường Trung Quốc? Thời gian qua, cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp với nhau như thế nào để đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, đáp ứng lợi ích người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Duy Phú: Bộ Công Thương luôn đánh giá thị trường Trung Quốc là thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng của hàng Việt Nam, trên thực tế, đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Gần đây nhất, ngày 24/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp chủ trì hội nghị với đại diện 7 tỉnh biên giới phía Bắc, bàn thảo về phương hướng, biện pháp phát triển thương mại với thị trường Trung Quốc. Cùng ngày, Bộ Công thương cũng tổ chức hội nghị với trên 150 doanh nghiệp và đại diện các bộ ngành hữu quan, chuyên bàn về tình hình và biện pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ý thức rất rõ tầm quan trọng của vấn đề an toàn chất lượng sản phẩm trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam-Trung Quốc. Đến nay, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định song phương về kiểm dịch động thực vật. Các bộ ngành hữu quan hai nước đã ký kết các thỏa thuận và ghi nhớ hợp tác song phương về tiêu chuẩn chất lượng, về kiểm dịch y tế biên giới, về kiểm dịch kiểm nghiệm các hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan.
Thời gian qua, cơ quan chức năng Vịêt Nam và Trung Quốc đã tích cực phối hợp, kịp thời xử lý, tháo gỡ được nhiều vụ việc nổi cộm, đột xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song biên phát triển, hỗ trợ và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.
Tuy vậy, để giải quyết cơ bản và ổn định vấn đề an toàn chất lượng của sản phẩm xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc, hai bên cần tiến hành quản lý chất lượng sản phẩm xuất khẩu từ khâu sản xuất theo các quy trình hiện đại; xây dựng và công nhận lẫn nhau hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan; hai bên cũng cần hợp tác xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo và áp dụng các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ về mất an toàn chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
PV: Theo ông, Việt Nam cần có những biện pháp gì để tăng cường hơn nữa sức cạnh tranh sản phẩm, thâm nhập tốt hơn vào thị trường Trung Quốc?
Ông Nguyễn Duy Phú: Bộ Công thương nhận định, vấn đề nổi cộm hiện nay trong thương mại song biên Việt Nam – Trung Quốc là vấn đề nhập siêu lớn của Việt Nam. Để từng bước cân bằng thương mại song biên, Bộ Công thương cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Để làm được điều đó, tôi cho rằng: Trước hết, Việt Nam phải đầu tư thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc nhiều năm qua thay đổi chậm, tỷ trọng hàng nông sản, nguyên liệu thô và khoáng sản hiện vẫn chiếm rất lớn trong tổng giá trị xuất khẩu.
Thứ hai là phải đầu tư nâng cao chất lượng bản thân hàng hóa xuất khẩu. Đối với hàng nông sản cần đầu tư trồng trọt, sản xuất, chế biến theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến mà nước nhập khẩu yêu cầu. Cần tăng cường đăng ký cơ sở sản xuất, bao gói, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã sản phẩm xuất khẩu với các cơ quan quản lý của nước nhập khẩu. Nên hiểu là chúng ta chỉ có thể xuất khẩu được ngày càng nhiều và ổn định những sản phẩm mà thị trường nhập khẩu cần và thỏa mãn được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Thứ ba là cần đầu tư mạnh cho công tác tuyên truyền quảng bá, tiếp thị các sản phẩm xuất khẩu tại Trung Quốc theo hướng lâu dài, liên tục, chuyên sâu từng sản phẩm. Chí ít, trước mắt là cho những sản phẩm xuất khẩu trọng điểm.
Tin rằng, khi chúng ta đã làm tốt những công việc kể trên, sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện đáng kể, thâm nhập tốt hơn vào thị trường này.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Trung Nghĩa
VOV
|