Thứ Tư, 12/08/2009 06:07

Hàng trong nước tại các chợ, siêu thị:

Nhiều, nhưng chưa chiếm ưu thế

Bộ Chính trị vừa có kết luận đồng ý việc tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng trong dân, giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh và tự tin đứng vững trên thương trường trong giai đoạn hội nhập.

Để hiểu rõ hơn cán cân thương mại của hàng trong nước và hàng nhập khẩu trên thị trường hiện nay, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 2 chợ đầu mối lớn ở TPHCM là Bình Tây (quận 6) và An Đông (quận 5) cùng các siêu thị trong chuỗi Co.opMart, BigC, MaxiMark, CitiMart...

Phần lớn là hàng “của ta” nhưng...

Tại chợ Bình Tây (quận 6), ngôi chợ có lượng hàng nhập khẩu lớn nhất hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi cũng như nhận định của ông Huỳnh Quốc Bảo, đại diện Ban quản lý chợ, thị phần hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm ưu thế khắp các ngành hàng tại đây.

Trong đó nhóm thực phẩm tươi sống, thủ công mỹ nghệ thì hầu như 100% hàng hóa được bày bán tại chợ đều là hàng trong nước. Nhóm lương thực thực phẩm chế biến và thực phẩm công nghệ hơn 80% là hàng trong nước.

Nhóm vải sợi và quần áo may sẵn thì giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu so kè nhau 50% - 50%, trong đó nhóm quần áo trẻ em hàng trong nước chiếm 7 phần thì hàng nhập chỉ có 3 phần và ngược quần áo người lớn hàng trong nước chỉ có 3 phần thì hàng nhập khẩu lại chiếm đến 7 phần.

Cùng với vải sợi và quần áo may sẵn, nhóm hàng giày dép, bánh kẹo thị phần giữa hàng trong nước và nhập khẩu cũng chia đều nhau 50% - 50%, riêng nhóm đồ gia dụng, nhôm, nhựa, sành sứ hàng trong nước vẫn chiếm 70% - 80%.

Là một trong những siêu thị được xem là có lượng hàng ngoại nhập chiếm nhiều nhất so với những siêu thị khác, tại siêu thị MaxiMark trên đường 3-2 (quận 10) hàng trong nước vẫn chiếm ưu thế, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến.

Trong dãy hàng bánh kẹo, mặc dù gần đây có sự lấn sân của rất nhiều sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan, Singapore, Malaysia… nhưng nhìn chung hàng trong nước với các thương hiệu như Kinh Đô, Bibica, URC, Phạm Nguyên… vẫn chiếm hơn 50%.

Điều đáng nói là có khá nhiều sản phẩm trong nước mặc dù chất lượng và mẫu mã không thua gì hàng ngoại, giá lại thấp hơn đến 60%, nhưng vẫn bán chậm hơn sản phẩm cùng loại ngoại nhập. Cụ thể sản phẩm bánh sôcola kem vani Orris của Bibica, Creamo của URC giá chỉ có 4.500 đồng/phong, nhưng khó bán hơn bánh Ritz giá 10.500 đồng (của Indonesia) và Khong Guan của Singapore.

Tương tự, cũng tại siêu thị này ở dãy ngành hàng sữa bột, nhiều sản phẩm trong nước giá thấp hơn hàng ngoại nhập: Nuti IQ loại 900 gram của Công ty Nutifood giá chỉ có 139.000 đồng/hộp, rẻ hơn sản phẩm Star 2 của Công ty NamYang (Hàn Quốc) có cùng trọng lượng nhưng giá đến 255.000 đồng/hộp và sản phẩm Dupro Gold của Dumex giá đến 229.000 đồng/hộp… Vậy mà người mua vẫn muốn chọn hàng ngoại (!).

Trong vai một người tiêu dùng, chúng tôi đã đề nghị một nhân viên bán hàng tại đây có tên là T.A., tư vấn. Không ngần ngừ, nhân viên này nói liền: “Nếu chị mua tặng thì nên mua hàng ngoại vì thương hiệu nó “sang” hơn, còn nếu mua dùng thì nên mua hàng nội vì chất lượng hàng nội cũng tương tự hàng ngoại nhưng giá lại rẻ hơn”.

Nâng cao chất lượng và thắt chặt cửa khẩu

Chúng tôi gặp anh Võ Tiến Dũng, ngụ tại 4A95 đường 304 phường 25, quận Bình Thạnh. Anh cho biết sẽ ưu tiên chọn hàng nội để sử dụng nếu như các nhà sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng và giá cả ổn định. Bên cạnh đó, theo anh Dũng, các doanh nghiệp trong nước có ưu thế chính họ hiểu rõ người tiêu dùng Việt Nam cần gì.

Trong cuộc cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại, nhiều sản phẩm hàng trong nước đã “thắng” được hàng ngoại nhờ chất lượng và giá cả ổn định. Cụ thể là nhóm hàng gia vị, hiện nay phần lớn người tiêu dùng đều mua hàng trong nước vì xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và giá ít thay đổi.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương, chủ tiệm tạp hóa Chí Thanh trên đường D1, phường 25 quận Bình Thạnh, cho biết: “Tôi thích bán hàng sản xuất trong nước hơn vì hóa đơn chứng từ rõ ràng. Hàng nhập thường không có hóa đơn chứng từ nên mặc dù chiết khấu cao, lời nhiều hơn nhưng nếu cơ quan chức năng mà phát hiện họ tịch thu thì mất trắng. Tuy nhiên để đa dạng hóa ngành hàng tôi vẫn bán xen kẽ hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng!”.

Là một nhà sản xuất, ông Phạm Ngọc Châu, Giám đốc Công ty Hancofood, cho rằng: Để chiếm lĩnh thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong nước nên xây dựng tiêu chí chất lượng sản phẩm rõ ràng. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.

Riêng về phía Hancofood, dù đầu tháng 8 vừa qua thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa tăng 14%, nhưng từ đầu năm đến nay chúng tôi chưa hề tăng giá lần nào. Không những thế, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch hợp tác với các trường mầm non ở TPHCM giảm giá trực tiếp 30% trên bảng giá chính thức cho các trường mầm non, nhóm trẻ khu vực ngoại thành sử dụng sữa và các sản phẩm dinh dưỡng của Hancofood.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Quốc Bảo, đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây, hàng trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh với hàng ngoại, lấy lại “ưu thế sân nhà” nếu như nhà nước có biện pháp quyết liệt thắt chặt hàng rào thuế quan, qua đó toàn bộ hàng nhập khẩu phải chịu mức thuế hợp lý.

Mai Thi

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Những bước tiến tích cực trong quan hệ thương mại Việt–Nga (12/08/2009)

>   Tăng cường hợp tác thương mại Việt Nam-Bỉ (11/08/2009)

>   Chuẩn bị xây tuyến ống dẫn khí về Cần Thơ (11/08/2009)

>   Không thể xuất khẩu đến 10 triệu tấn gạo (11/08/2009)

>   Sắp thiếu than, than vẫn đẩy mạnh xuất khẩu (11/08/2009)

>   Không lập "DN siêu nhà nước” quản lý hạ tầng viễn thông (11/08/2009)

>   Hà Nội muốn chữa 'bệnh' kém thân thiện với doanh nghiệp (11/08/2009)

>   TPHCM kiến nghị giao dịch bình thường (11/08/2009)

>   Quỹ bình ổn xăng dầu: Bù lỗ tối đa 500 đồng/lít (11/08/2009)

>   Nên thuê tư vấn lập quy định về kiến trúc (11/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật