Không lập "DN siêu nhà nước” quản lý hạ tầng viễn thông
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự thảo Luật Viễn thông trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay (11/8) đã có nhiều nội dung được chỉnh lý. Tuy nhiên, nhiều vấn đề "nóng" như hạ tầng mạng, đầu mối quản lý tài nguyên, thị trường cạnh tranh... vẫn chưa được thống nhất.
Có chế độ kế toán riêng
Trong quá trình soạn thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng, Luật nên quy định Nhà nước tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông để DN thuê lại.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH, yêu cầu của quá trình hội nhập là khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông. Việc chỉ cho phép DN nhà nước xây dựng hạ tầng mạng sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư, tăng rủi ro kinh doanh vốn nhà nước, dẫn đến nguy cơ hình thành một siêu doanh nghiệp nhà nước độc quyền. Đưa quy định này vào trong luật là không phù hợp.
Liên quan đến vấn đề dùng chung hạ tầng cơ sở giữa các ngành viễn thông, điện lực, truyền hình cáp, điện nước, dự thảo luật quy định, việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và lợi ích giữa các DN. Việc dùng chung nhằm bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị, nhất là cột ăng ten, cống bể cáp, nhà trạm...
Thực tế, việc dùng chung hạ tầng viễn thông lâu nay vẫn còn bất cập, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn vốn.
Ngoài các quy định về hợp tác để dùng chung hạ tầng, dự thảo cũng đưa ra một số quy định chống cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, yêu cầu các DN thống lĩnh thị trường, nắm giữ phương tiện viễn thông thiết yếu phải thực hiện chế độ thống kê, kế toán riêng, nhằm xác định giá thành dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế.
Sẽ lập Cục quản lý viễn thông
Quy định gây tranh cãi nhất trong dự thảo luật là việc thành lập một cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Lý do mà ban soạn thảo đưa ra là hầu hết các nước thành viên Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đều đã hình thành cơ quan quản lý chuyên ngành. Chưa kể, hoạt động quản lý viễn thông không chỉ liên quan đến kinh tế - xã hội mà còn là vấn đề quốc phòng, an ninh.
Ty nhiên, theo các thành viên Ủy ban Thường vụ QH, cần làm rõ chức năng của cơ quan này, là tham mưu hay quản lý nhà nước.
"Không có lý gì anh nằm trong Bộ mà lại có thẩm quyền của Bộ. Như vậy không minh bạch và lẫn lộn nhiệm vụ", Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thắc mắc.
Theo dự thảo luật, cơ quan này vừa làm tham mưu, lại vừa chủ trì thực hiện các chiến lược, quy hoạch. Ngoài ra còn có quyền cấp, đình chỉ, thu hồi các giấy phép viễn thông, quản lý giá cước, phí, lệ phí dịch vụ viễn thông, xử lý các vi phạm...
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói, đơn vị này sẽ tương đương với một Cục. Nếu vậy, Cục quản lý viễn thông trong tương lai chỉ cần làm tốt hai nhiệm vụ: Tham mưu các chính sách và trực tiếp làm một số công việc quản lý nhà nước.
Lắng nghe các góp ý trên, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp cho hay, ban soạn thảo dự án luật sẽ xem xét và đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền của đơn vị này.
Lê Nhung
Vietnamnet
|