Thứ Tư, 29/07/2009 21:34

Trung Quốc thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài

Sự phình lên hồi tuần trước của Quỹ dự trữ ngoại tệ chính thức của Trung Quốc lại thêm một lý do nữa cho thấy, nước này phải đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài để “tái chế” nguồn ngoại tệ đó.

Cơn bão ngoại giao nổi lên từ việc Bắc Kinh bắt giam bốn nhân viên của tập đoàn Rio Tinto mới đây cho thấy, con đường vươn ra hải ngoại của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ gập ghềnh đến thế nào nếu như vụ này kích hoạt một phản ứng mạnh chống lại các quyền lợi của Trung Quốc.

Nhiều tiền cũng khổ

Trung Quốc từ lâu đã lùng sục khắp địa cầu để tìm kiếm nguồn năng lượng và nguyên liệu nuôi dưỡng nền kinh tế phình ra liên tục của mình. Cái mới là quyết tâm của giới lãnh đạo nước này muốn gia tăng hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (OFDI - outbound foreign direct investment) như một cách thức đưa nền kinh tế vươn lên khỏi hoạt động lắp ráp giá trị thấp và hướng tới xuất khẩu hiện nay. Thương vụ của tập đoàn Sinopec - công ty lọc dầu lớn nhất Trung Quốc - mua lại công ty thăm dò dầu khí Addax của Thụy Sĩ với giá 7,24 tỉ đô la Mỹ hồi tháng trước là vụ mua lại công ty nước ngoài lớn nhất cho đến nay của Trung Quốc.

Nhưng Chính phủ Trung Quốc không hành động bất cẩn. Bắc Kinh đã ngăn cản vụ Ngân hàng Bank of China mua cổ phần của ngân hàng thương mại Pháp La Compagnie Financière Edmond de Rothschild, và phản ứng một cách lạnh nhạt với kế hoạch của công ty cơ khí Tengzhong tỉnh Tứ Xuyên - một công ty chế tạo máy ít ai biết - mua lại bộ phận sản xuất xe Hummer của tập đoàn General Motors.

Nửa đầu năm 2009 tỏ ra là một thời điểm bước ngoặt trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc - theo nhận định của Daniel Rosen, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Peterson về Kinh tế Quốc tế tại Washington, Mỹ. “Mặc dù có những mối lo ngại trong ngắn hạn, hoạt động OFDI của Trung Quốc vẫn gia tăng đáng kể trong trung hạn và dài hạn; tầm quan trọng của hoạt động đầu tư này đối với các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang thay đổi một cách căn bản trong lúc đất nước phải đối mặt với nhu cầu tái cân bằng mô hình tăng trưởng” - ông Rosen nhận định như vậy trong một báo cáo nghiên cứu soạn chung với ông Thilo Hanemann.

Vì lợi thế do sản xuất với quy mô lớn ở trong nước đã không còn nữa, các công ty rất mong muốn tiến ra nước ngoài để nâng cấp hoạt động sản xuất công nghiệp và tham gia cạnh tranh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn như phân phối, thiết kế và thương hiệu. Ông Rosen và ông Hanemann đều cho rằng, chẳng bao lâu nữa “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) sẽ dần nhường chỗ cho “Made by China-abroad” (Được làm bởi Trung Quốc ở nước ngoài).

Vượt qua khỏi những động lực thương mại thông thường, tăng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài còn giúp Trung Quốc thực thi chính sách tiền tệ dễ dàng hơn qua việc làm giảm thặng dư trong cán cân thanh toán. Hiện nay để duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp có lợi cho xuất khẩu, Ngân hàng trung ương Trung Quốc phải mua gần hết số ngoại tệ chảy vào thị trường nội địa, vì thế mỗi đồng đô la được “tái chế” qua hoạt động đầu tư ra nước ngoài là giảm được áp lực phải mua một đồng đô la đưa vào quỹ dự trữ.

Quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã tăng thêm 177,9 tỉ đô la Mỹ trong quý 2, lên mức 2.120 tỉ đô la Mỹ; tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng lượng cung tiền ra thị trường, tăng dư nợ tín dụng đến mức các nhà kinh tế lo sợ sẽ tạo ra những bong bóng bất động sản.

Thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài

Vì thế, các quy định mới mà Chính phủ Trung Quốc ban hành trong tuần trước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thanh toán các khoản đầu tư trực tiếp ở nước ngoài là hết sức có ý nghĩa.

“Nhu cầu đầu tư của Trung Quốc có những mục tiêu khác nhau - họ cần bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng; họ cần nắm các công nghệ mới - và họ cũng cần “tái chế” nguồn lợi tức tính bằng đô la Mỹ thu được” - ông Qu Hongbin, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc của Ngân hàng HSBC tại Hong Kong nhận định.

Trong thập niên vừa qua, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài tăng dần đều và đạt tới kỷ lục vào năm ngoái với 52 tỉ đô la Mỹ. Tuy vậy, tổng lượng vốn đầu tư ra nước ngoài trong 10 năm qua, dù ở mức lịch sử là 170 tỉ đô la Mỹ, cũng chưa thấm tháp gì so với quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ và lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc, ở mức 876 tỉ đô la Mỹ.

Theo dự báo của ông Qu, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc có thể lên tới 100 - 150 tỉ đô la Mỹ mỗi năm vào năm 2012.

Những trở ngại mang tính chiến lược

Ông Rosen và ông Hanemann xác định bốn lĩnh vực cần được xúc tiến để thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Chính phủ phải hoàn toàn không can thiệp vào quyết định đầu tư của doanh nghiệp; phải tự do hóa nhiều hơn nữa sự tiếp cận ngoại tệ và nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. Trung Quốc cần cho phép mọi công ty đều được đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung Quốc cần một chiến lược phục vụ lợi ích lâu dài của mình - việc bảo vệ các nhà nước bị cộng đồng quốc tế lên án, nơi Trung Quốc có đầu tư lớn, đang hủy hoại hình ảnh của các công ty Trung Quốc trong mắt người tiêu dùng.

Một thiệt hại lớn tương tự về danh tiếng đã xảy ra gần đây khi Trung Quốc bắt giữ ông Stern Hu, nhà quản trị và nhà thương thuyết chính của tập đoàn khoáng sản Rio Tinto trong những cuộc đàm phán cam go về giá quặng sắt. Ý tưởng rằng Bắc Kinh đang trả thù tập đoàn Rio Tinto vì tập đoàn này đã khôn hơn họ trong những cuộc đàm phán về quặng sắt đang dẫn tới thái độ cứng rắn hơn không chỉ ở Úc.

Cuối cùng, các nhà bình luận đã nhiều lần than phiền rằng, công ty nước ngoài ở Trung Quốc không thể kinh doanh và đầu tư trên một sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp Trung Quốc. Thế thì tại sao phương Tây phải trải thảm đỏ đón chào các nhà đầu tư Trung Quốc?

Giáo sư Pettis của Đại học Bắc Kinh nói rằng, ông hy vọng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng bất chấp “những tranh cãi chính trị ồn ào” gây ra từ những thương vụ nổi bật, nhưng ông công nhận rằng, thái độ ứng xử của Trung Quốc với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó mà làm cho người nước ngoài có thiện cảm với vốn đầu tư từ Trung Quốc. “Nếu bạn muốn phản đối việc Trung Quốc mua lại các công ty nước ngoài, thật dễ dàng chỉ ra những vụ việc đang xảy ra ngay tại Trung Quốc” - ông Pettis nói.

Theo ông Rosen, những cáo buộc đối với tập đoàn Rio phản ánh sự non nớt của Trung Quốc trong vấn đề quản lý hoạt động thương mại. “Một mặt, sự non nớt này là trở ngại cho dòng chảy vốn đầu tư xuyên biên giới, cả vào lẫn ra. Nhưng mặt khác, tuy có vẻ khác thường, nhưng đây là một trong những lý do khiến Trung Quốc trở nên hấp dẫn, cả với tư cách một nhà đầu tư, lẫn với tư cách một điểm đến của dòng vốn” - ông Rosen viết.

Huỳnh Hoa

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bank of America có thể đóng cửa 10% chi nhánh (29/07/2009)

>   Đằng sau BCTC: 5 vấn đề đáng cân nhắc dành cho giới đầu tư (29/07/2009)

>   Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2009: Hiện trạng và kỳ vọng (29/07/2009)

>   Mỹ - Trung cam kết ổn định và cân bằng tăng trưởng KT thế giới (29/07/2009)

>   Trung Quốc lại thành công lớn về bán cổ phần lần đầu (29/07/2009)

>   Anh: Giá nhà tăng trở lại (29/07/2009)

>   Shell: Nigiêria thất thu 47 tỷ USD do các cuộc tấn công của MEND (29/07/2009)

>   Du lịch Trung Mỹ đạt doanh thu hơn 7 tỷ USD năm 2008 (29/07/2009)

>   Ngành dịch vụ bưu điện Mỹ có nguy cơ thua lỗ cao (29/07/2009)

>   Chính phủ Canađa có thể hủy thương vụ Ericsson mua lại Nortel (29/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật