Tín dụng vào chứng khoán: Vẫn phải cảnh giác
Bị giới hạn bởi Quyết định 03 về tỉ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán không vượt quá 3%/tổng dư nợ, nhưng sự kết hợp giữa ngân hàng - công ty chứng khoán trong hoạt động này thời gian qua tỏ ra rất hiệu quả.
Hoạt động cho vay cầm cố được coi là nở rộ trong tháng 6 khi các CTCK kết hợp với các NH triển khai mạnh loại hình tín dụng này.
Có những CTCK khi báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, hoạt động repo đã đóng góp một tỉ lệ không nhỏ trong lợi nhuận 2 quý đầu năm nay.
Được vay tới 20 tỉ đồng
Hoạt động cho vay cầm cố được coi là nở rộ trong tháng 6 khi các CTCK kết hợp với các NH triển khai mạnh loại hình tín dụng này. Một số CTCK ban đầu triển khai repo còn cầm chừng khi số vốn/cá nhân hoặc một hợp đồng chỉ là mức vài chục tới vài trăm triệu đồng. Trong khi đó một số CTCK khác kết hợp với trên 1 NHTM để đáp ứng nhu cầu của NĐT, và mức vốn vay mà một số Cty công bố cho mỗi cá nhân có thể lên tới hàng tỉ đồng.
Khách hàng trong lĩnh vực này cũng được mời chào với một loạt ưu đãi về số vốn được vay, lãi suất cạnh tranh giữa các Cty hay mở rộng danh sách những CP được phép cầm cố.
Thống kê trong thời gian qua cho thấy, mức cao nhất theo con số tuyệt đối là tại CTCK Đà Nẵng khi Cty này liên kết với Agribank-Chi nhánh Q.10 (TPHCM) và BIDV để hỗ trợ cầm cố CK niêm yết lên tới 6,5 tỉ đồng đối với mỗi cá nhân, 20 tỉ đồng đối với NĐT là tổ chức. Thời hạn tối đa của hợp đồng là 3 tháng. CTCK Âu Việt cũng kết hợp với 2 NH cho vay tối đa 40% thị giá CP.
Trong tháng 6, báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều NH cho biết có mức lãi lớn, trong đó có đóng góp không nhỏ từ hoạt động tín dụng. Một số CTCK khi công bố kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng cho biết, nguồn thu từ repo CP chiếm một tỉ trọng không nhỏ. Có Cty, nguồn thu từ repo còn lớn hơn nguồn thu từ môi giới CK.
Tất nhiên là những thông tin cụ thể về doanh thu từ từng hoạt động được các Cty này giữ kín, nhưng bản thân họ cũng thừa nhận: "Các dịch vụ hỗ trợ NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính đã phát huy hiệu quả khi thị trường tăng mạnh trong quý II đã đóng góp một phần vào lợi nhuận của Cty và thu hút được nhiều NĐT về giao dịch".
Ở góc độ NĐT, khi thị trường tăng nóng, đã có thể thu được mức lãi lớn tới vài trăm phần trăm. Do đó, chi phí vốn vay như trên vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi thị trường có dấu hiệu chững lại, khách hàng sẽ kém mặn mà với dịch vụ này, nhất là trong bối cảnh lãi suất còn có thể tăng cao.
Lãi suất phải trả là bao nhiêu?
Tính tới đầu tháng 7, điều kiện về lãi suất cho vay mà các CTCK đưa ra là 10,5%/năm (mức trần ở thời điểm hiện tại) và có thể điều chỉnh theo lãi suất của các NH. Thêm vào đó là các khoản phí phụ khác như phí quản lý cầm cố (thường từ mức 0,2 - 0,3%/hợp đồng).
Một số CTCK thừa nhận, tổng mức phí mà khách hàng phải trả có thể lên tới mức 14-15%/năm. Hiện lãi suất cơ bản mà NHNN quy định trong tháng 7 vẫn là 7,5%/năm. Như vậy, trần cho vay vẫn là 10,5%/năm. Do đó, bên cạnh hoạt động tín dụng hỗ trợ lãi suất theo chủ trương kích cầu của Chính phủ, hoạt động cho vay đầu tư CK được các NH chú trọng. Chính vì thế mà cho tới thời điểm này, nhiều NH và CTCK vẫn thông báo đẩy mạnh hoạt động repo. Nhiều NH vẫn tuyên bố "luôn mở rộng" nguồn tín dụng đối với lĩnh vực này.
Theo số liệu thống kê của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 4, dư nợ cho vay CK là 7.157 tỉ đồng, tăng 4% so với đầu năm và chiếm 4,4% tổng số VĐL của toàn hệ thống.
Trong buổi trả lời báo chí trung tuần tháng 6, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, dư nợ cho vay đầu tư CK mới đạt gần 7.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là dư nợ cho vay tiêu dùng lại tăng mạnh với con số khổng lồ là 85.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm. Trong số này, không có thống kê nào có thể chắc chắn việc có bao nhiêu vốn được khoác chiếc áo "tiêu dùng" để đi vào CK.
Với con số tín dụng tiêu dùng tăng trưởng một cách nhanh chóng, Thống đốc NHNN cũng công nhận, mức tăng này là "hơi nhanh" và cho rằng những dư nợ mang tính nhạy cảm đều thấp hơn tốc độ tăng dư nợ chung của cả nước. Các NH vẫn mở rộng cho vay tiêu dùng với lãi suất phổ biến là 14-15%/năm, một số NH lớn áp dụng mức 11%/năm.
Theo Thống đốc NHNN, khống chế chung của Quyết định 03 trong cho vay CK là không quá 20%/VĐL, và đến thời điểm đó vẫn chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác và kiểm soát nguồn vốn vào kênh đầu tư này.
Lưu Thủy
Lao Động
|