Giải mã cổ phiếu: Lượng giao dịch lớn
Khối lượng cổ phiếu (CP) giao dịch là chỉ báo thể hiện tính thanh khoản. Nhìn lại cả tuần qua, các cổ phiếu sau đây có khối lượng giao dịch lớn nhất:
STB: Bình quân gần 5 triệu CP/phiên, trong đó phiên ngày 8 -7 lên tới trên 6,4 triệu CP. Ngoài những yếu tố đã đề cập trên số báo 110-111 (ra ngày 19 và 20-6), nay xin bổ sung 3 yếu tố đáng lưu ý. Một, chỉ trong thời gian ngắn từ 1 đến 7/7, STB đã bán 18,265 triệu CP quỹ bằng phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh, từ 1 đến 6/7 đã giao dịch thỏa thuận thành công qua HOSE 5,4 triệu CP, ngày 7-7 đã bán thỏa thuận toàn bộ số CP quỹ còn lại với giá không thấp hơn giá tham chiếu (xin lưu ý: giá mua làm CP quỹ cuối 2008 chỉ trên dưới 20.000 đồng, nay bán ra khi giá ở mức trên dưới 35.000 đồng/CP).
Việc tăng cung lớn này trước đó đã làm cho các nhà đầu tư lo ngại sẽ tạo áp lực giảm giá, nhưng nay có thể yên tâm hơn trong việc mua bán. Hai, bán CP quỹ cũng là chuẩn bị cho việc phát hành CP chia cổ tức sắp tới. Với mức chia dự kiến 20:3 sẽ có sức thu hút nhà đầu tư mua vào và hãm việc bán ra để chờ ngày chốt danh sách. Ba, sáu tháng đầu năm đã thu về 905 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, con số này đã gần bằng với mức 1.100 tỷ đồng của cả năm trước và có khả năng vượt xa kế hoạch 1.500 tỷ của cả năm nay.
ACB: có 585,7 triệu CP lưu hành, bình quân đứng thứ hai cả hai sàn. Giá trị vốn hóa thị trường khoảng 30 nghìn tỷ đồng, đứng đầu cả hai sàn. Hệ số P/E đạt 13,2 lần, chỉ bằng một nửa hệ số của 50 CP lớn nhất hai sàn. ACB được đánh giá là ngân hàng vượt trội khi duy trì được mức tăng trưởng khoảng 30%/năm.
SAM: Khối lượng CP đang luu hành khoảng 63,4 triệu, đứng thứ 34 trên cả hai sàn. Tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 1.902 tỷ đồng, đứng thứ 36 và nằm trong 50 CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị vốn hóa so với giá trị sổ sách còn rất thấp (1.902 tỷ so với 33.968 tỷ). Có lẽ tiềm năng này đã thu hút việc mua-bán nhiều của các nhà đầu tư.
SSI: Đây là mã được các nhà đầu tư quan tâm nhiều trong thời gian gần đây. Khối lượng CP lưu hành bình quân là 135,4 triệu, giá trị vốn hóa thị trường đạt 9.621 tỷ đồng, đứng thứ 11 trên cả hai sàn. SSI là một trong những công ty chứng khoán mạnh nhất Việt Nam hiện nay.
KLS: Tổng khối lượng CP lưu hành đạt 60 triệu, đứng thứ 39 trên cả hai sàn. Giá trị vốn hóa thị trường đạt 1.728 tỷ đồng, đứng thứ 40 cả hai sàn.
SHB: Ngân hàng SHB mới lên sàn được thời gian ngắn, nhưng có tốc độ tăng giá ban đầu thuộc loại rất cao. Tổng khối lượng CP lưu hành đạt 200 triệu, đứng thứ sáu trên cả hai sàn. Tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 6.380 tỷ đồng, đứng thứ 16 trên cả hai sàn. Tỷ lệ giá trị vốn hóa thị trường so với giá trị sổ sách hiện ở mức thấp (6.380 tỷ so với 11.778 tỷ).
VCB: Ngân hàng VCB trước khi lên sàn được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, bởi VCB không chỉ thuộc lĩnh vực ngân hàng mà còn có khối lượng CP và giá trị rất lớn. Tuy nhiên, gần đây được bán ra nhiều, giá cp bị giảm, có lẽ do khi lên sàn định giá ở mức quá cao. Cùng với BVH, việc giảm giá của VCB là bài học kinh nghiệm quý cho việc định giá khi lên sàn.
Đào Lâm
Thanh Niên
|