Thứ Bảy, 11/07/2009 14:56

Từ lạm phát đến kích cầu

Trong cuốn sách “Từ lạm phát đến kích cầu” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành tuần trước, tác giả TS. Phạm Đỗ Chí, Kinh tế gia trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho rằng, nền kinh tế Việt Nam (cùng với Trung Quốc) sẽ vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế trước các nền kinh tế Âu - Mỹ và một số nền kinh tế châu Á. Đây là cơ sở để nhà đầu tư nước ngoài trở lại TTCK Việt Nam và mua ròng trong thời gian qua.

Thưa ông, liệu có lạc quan quá khi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam không chờ suy thoái kinh tế thế giới chấm dứt, mà có thể ra khỏi suy giảm tăng trưởng trước khi nền kinh tế Âu - Mỹ và thế giới vượt qua được khủng hoảng?

Đầu năm, chúng ta đặt câu hỏi bao giờ khủng hoảng tài chính thế giới chấm để chúng ta thoát khỏi suy giảm kinh tế. Nhưng nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc đã không phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu như một số nước châu Á, như mọi người đã từng nghĩ. Cả hai nền kinh tế đã dựa vào sức cầu nội địa để tăng trưởng trong những tháng vừa qua khi mà ảnh hưởng khủng hoảng tài chính diễn ra nặng nề nhất ở mọi nơi. Hiện nay, Việt Nam đã tăng trưởng 3,9% trong 6 tháng đầu năm, hy vọng sẽ đạt tới mức 5% cho 6 tháng tới để cả năm sẽ có mức tăng trưởng GDP khoảng 4,5%.

Từ tháng 3 năm ngoái, việc ban hành, áp dụng các chính sách tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã được thực hiện linh hoạt và hiệu quả. Toàn bộ kế hoạch điều tiết vĩ mô được làm rất tốt, từ việc chống lạm phát trong 6 tháng cuối 2008 đến việc thực thi giải pháp kích cầu trong 6 tháng đầu 2009. Đó cũng là lý do để tôi tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau giai đoạn suy giảm.

Nhiều người cho rằng, một phần tiền chảy qua chứng khoán là tiêu cực, nhưng tôi lại nghĩ TTCK tăng điểm là tích cực vì khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư và cho chính các DN về sự phục hồi và nét khởi sắc của nền kinh tế. Khi có niềm tin, người ta mới mạnh dạn tiêu dùng, DN mới mạnh dạn tiếp tục đầu tư, duy trì sản xuất như chúng ta đã và đang thấy.

Theo ông, đã đến lúc Việt Nam phải tính đến việc thắt chặt tín dụng để ngăn chặn lạm phát trở lại?

Thực ra điều này đang được thực hiện bằng các chính sách kiểm soát cho vay mua chứng khoán, repo cổ phiếu, sau đó là tín dụng tiêu dùng. Lạm phát thấp như hiện nay (3,9% vào tháng 6 tính từ cùng kỳ năm ngoái) là kết quả của chính sách thực thi 6 tháng trước, còn bây giờ là lúc thực thi chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát cho nửa năm tới.

Nhưng vấn đề đặt ra là liều lượng, duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, không nới lỏng quá mức gây ra lạm phát và cũng không siết chặt quá mức chặn đà phục hồi nền kinh tế. Thêm vào đó, chính sách kích thích tài khóa công cần áp dụng hiệu quả, linh hoạt nhằm cùng vào 2 mục đích đó.

TTCK sẽ như thế nào theo nhận định của ông?

Sự uyển chuyển của chính sách điều hành vĩ mô giúp kinh tế phục hồi bền vững, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt trên 5%. Lợi nhuận quý II và quý III của DN tốt hơn dự đoán ban đầu sẽ giữ cho giá chứng khoán không giảm quá nhiều. VN-Index có thể dao động quanh 500 điểm từ giờ đến cuối năm; một điểm ngoại lệ cần lưu ý là trừ phi các thị trường Mỹ và thế giới có thể giảm mạnh trong thời gian tới. Nhưng tôi hy vọng TTCK Việt Nam sẽ tăng dần được sự độc lập với thị trường Mỹ vì lý do kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trước. Sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố tạo sự bền vững cho TTCK Việt Nam thời gian tới.

Sau khủng hoảng, hình như chiến lược của một vài tổ chức đầu tư nước ngoài đã thay đổi, từ mua và giữ sang hiện thực hóa lợi nhuận ngay khi đạt lợi nhuận kỳ vọng? Tức là có cả đầu tư dài hạn, có cả lướt sóng khi có cơ hội?

Không thể phủ nhận vài nhà đầu tư nước ngoài “lây bệnh” lướt sóng của nhà đầu tư cá nhân trong nước nhưng nhà đầu tư có tiêu chí đầu tư lâu dài ở Việt Nam vẫn phải chú trọng đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư nước ngoài hiện mua và bán đều tích cực, nhưng tôi tin là sau khi đã tái cấu trúc danh mục xong trong thời gian qua thì họ sẽ chuyển sang đầu tư lâu dài. Đầu tư vào những công ty lớn (blue-chip), quản trị tốt, sổ sách minh bạch là chiều hướng đầu tư của tương lai, khác với chiến lược ồ ạt mua bất cứ thứ gì theo tâm lý bầy đàn như dạo cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Nhiều thương vụ mua bán cổ phiếu của các công ty sổ sách chưa minh bạch ngoài thị trường OTC trước kia đã thất bại nặng nề cho người mua. Xu hướng đầu tư mới này sẽ khuyến khích các công ty niêm yết ở hai sàn HOSE và HNX và nay thêm sàn UPCoM. Vốn hóa TTCK sẽ tăng nhanh. Từ tháng 2 là 12 tỷ USD lên khoảng 18 tỷ USD hiện nay và sẽ tiếp tục tăng nữa.

Sau tác động của cuộc khủng hoáng tài chính thế giới lần này, ông có góp ý gì cho hướng đi tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam ?

Sau hai cuộc khủng hoảng, chúng ta cần định vị lại nền kinh tế Việt Nam, theo đó chú trọng phát triển sức cầu nội địa, tăng cường nội lực bằng phát triển nhu cầu và mãi lực trong nước, đặc biệt chú trọng đến kinh tế nông thôn nơi tập trung 70% dân số Việt Nam cho xứng với tầm quan trọng của khu vực kinh tế này. Chúng ta không nhất thiết phải tăng trưởng quá cao nhờ vào mô hình dựa quá nhiều vào xuất khẩu, mà chấp nhận tăng trưởng mức thấp hơn, nhưng bền vững hơn dựa vào thị trường nội địa. Nếu được đề xuất một tư duy mới cho nền kinh tế, tôi xin đề nghị hướng đến một nền nông nghiệp “sạch”. Hướng đến sản xuất nội địa và xuất khẩu các sản phẩm sạch đang có nhu cầu cao sang các nước có lợi tức cao, nhất là Âu Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xây dựng môi trường bớt ô nhiễm, các điều kiện vệ sinh cho một đất nước sạch hơn. Và chúng ta sẽ hướng tới một chiến lược tăng trưởng có chất lượng và bền vững.

Thu Hương

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu phân hóa mạnh: Cơ hội lớn cho nhà đầu tư (11/07/2009)

>   “Thị trường khó giảm sâu” (11/07/2009)

>   “Phập phồng” hoàn nhập dự phòng (11/07/2009)

>   Ba nguyên tắc vàng của Warren Buffet dành cho NĐT Mỹ (11/07/2009)

>   Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn OPC, VHG, DQC (11/07/2009)

>   TTP: Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt gần 498 tỷ đồng (11/07/2009)

>   RAL: Giao dịch CP của người có liên quan đến cổ đông nội bộ (11/07/2009)

>   SJS: Phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu (11/07/2009)

>   VNM: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (10/07/2009)

>   TS4: Ngày đăng ký cuối cùng tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2009 (11/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật