Ông Đặng Hoàng Hải, Cục Phó Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương):
Tiếp tục làm rõ cơ cấu giá sữa
“Gần đây có một số hiện tượng, như có dấu hiệu độc quyền trong phân phối dược phẩm mà chúng tôi gọi là độc quyền quốc tế. Riêng về giá sữa, đây là vấn đề phức tạp, vì trong sữa có nhiều yếu tố nhất là yếu tố liên quan đến thuế nhập khẩu".
Nói về giá sữa bột nhập khẩu của Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các nước trên thế giới, ông Hải nhấn mạnh như trên.
Cùng một loại sữa nhưng các siêu thị lại bán với giá khác nhau. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Giá bán đó chưa chắc phản ánh giá xuất ra của doanh nghiệp. Theo thói quen người tiêu dùng không lấy hóa đơn.
Vì thế, phải kiểm tra lại giá xuất ra của doanh nghiệp là bao nhiêu, so sánh với giá bán của siêu thị thì mới có câu trả lời. Từ đó, sẽ làm sáng tỏ được việc có vi phạm gian lận thương mại hay không.
Theo tôi, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan, vì mặt hàng sữa thuộc nhóm hàng quan trọng. Việc vừa qua, TPHCM kiểm tra và phát hiện giá sữa bán trên thị trường gấp 2,5 lần giá vốn có thể là gốc so sánh. Giá sữa Việt Nam cao là chuyện có thật. Vấn đề cần xem xét đó là giá cao như thế có hợp lý không.
Thực tế chi phí quảng cáo là một trong những yếu tố đẩy giá sữa lên cao. Doanh nghiệp sữa nội thì so bì bị khống chế tỷ lệ quảng cáo trong khi sữa ngoại thì không. Theo ông có nên khống chế khoản chi phí này với với các hãng sữa ngoại?
Sữa là mặt hàng nằm trong nhóm bình ổn giá, nên khía cạnh quảng cáo cần phải quản lý xem xét (có chi phí bất hợp lý). Đích hướng tới là để người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt nhất, giá hợp lý nhất.
Phạm Anh – Khánh Huyền
Tiền Phong
|