Thứ Tư, 08/07/2009 08:07

Điều chỉnh giá điện giờ cao điểm: Cần cho đối tượng nào?

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ hai phương án xử lý giá điện giờ cao điểm. Theo đó, có phương án sẽ điều chỉnh giá điện giờ cao điểm với đối tượng DN được lựa chọn. Và phương án hai là giữ nguyên cách tính hiện thời. Câu hỏi đặt ra từ việc trình này là: Giá điện để tạo điều kiện ổn định cho ngành điện, cho DN, hay là cần cho cả hai đối tượng này và tiêu dùng toàn xã hội ?

Theo phương án 1 của Bộ Công Thương, chỉ các DN có quy mô nhỏ được hưởng lợi từ việc giảm giá điện giờ cao điểm

Theo phương án đầu tiên của Bộ Công Thương, thì có thể điều chỉnh giá điện giờ cao điểm (9h30 – 11h30) đối với các DN có quy mô nhỏ, sử dụng cấp điện áp từ 35/22kV trở xuống. Mức giảm tối đa với đối tượng DN này là không quá 20% giá điện giờ cao điểm hiện hành. Nếu được chấp nhận, phương án này sẽ áp dụng từ 1/8/2009. Còn phương án hai là giữ nguyên giá điện giờ cao điểm sáng, cũng như cách tính như hiện đang áp dụng.

Phương án sửa đổi giá điện hiện hành (phương án một) được đánh giá là có thể giảm khó khăn cho DN, đặc biệt là các DN nhỏ. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cách làm này là một dạng thỏa hiệp và không khuyến khích DN tìm kiếm các giải pháp tối ưu hóa sản xuất, thay đổi công nghệ sản xuất để tiết kiệm điện. Dẫn chứng được lấy ngay từ kết quả khảo sát của Bộ Công Thương. Theo đó, việc áp dụng giá điện giờ cao điểm đã có kết quả số DN tăng tiền điện giờ cao điểm nhỏ hơn 10% (so với mức giá cũ) đã tăng lên trong từng tháng, và chiếm phần lớn trong tổng số DN được khảo sát. Cụ thể, số DN này chiếm 63% trong tháng 4/2009 và tăng lên thành 73% trong tháng 5/2009. Ngược lại, số DN có mức tiền điện tăng trên 20% đã giảm đều, chỉ chiếm 15,17% trong tháng 4/2009 và chỉ còn 13,28% trong tháng 5/2009. Thống kê này cho thấy dường như các biện pháp tiết giảm chi phí điện của DN đã bắt đầu phát huy hiệu quả và từ đó góp phần giảm tải, hỗ trợ tốt cho hệ thống cung ứng điện.

Để tăng thêm “sức nặng” cho kết quả khảo sát, Bộ Công Thương công bố đã khảo sát tại một số ngành sản xuất lớn, và khẳng định tỷ trọng tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất sau khi áp dụng giá điện giờ cao điểm của DN là rất nhỏ. Cụ thể, ngành xi măng là 0,28 - 2,75%, ngành thép là 0,06 – 0,23%, ngành bia rượu là 0,23%... Bộ Công Thương kết luận là các DN đã tích cực trong tìm kiếm giải pháp tiết kiệm điện. Thể hiện cụ thể bằng tỷ trọng tăng tiền điện trên tổng chi phí là không cao.

Do vậy, để tôn trọng chỉ đạo của Thủ tướng về việc hạn chế mức tăng chi phí tiền điện cho DN nhỏ xuống dưới 10%, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án hỗ trợ cho các DN này. Chứ còn về “tâm lý”, bộ vẫn muốn giữ nguyên phương án hiện đang áp dụng.

Báo DĐDN đã nhiều lần đề cập sự bất hợp lý của việc tính giá điện giờ cao điểm sáng. Cách làm ấy không khác gì buộc DN phải chấp nhận trả tiền điện giá cao, vì không thể thay đổi công nghệ sản xuất chỉ với mục đích tránh vài tiếng giờ cao điểm. Đó là điều thứ nhất. Thứ hai, để chứng minh việc áp giá giờ cao điểm là đúng, Bộ Công Thương đã tổ chức khảo sát tại các DN để đưa ra mức tăng tỷ trọng tiền điện trong tổng chi phí sản xuất của DN không lớn. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, việc khảo sát do bộ tiến hành là trong thời gian nền kinh tế đang khủng hoảng, bản thân các DN cũng phải giảm cường độ sản xuất và dường như sẽ là lý do dẫn tới tỷ lệ tăng do áp giá giờ cao điểm không lớn. Điều này thể hiện đặc biệt rõ ngay trong kết quả khảo sát của bộ tiến hành với DN ngành thép và xi măng.

Câu hỏi đặt ra là sự khủng hoảng của ngành thép, dẫn tới nhiều DN phải tiết giảm giờ làm có ảnh hưởng gì tới số nộp tiền điện hay không lại chưa được trả lời rõ ràng. Và câu hỏi ấy cũng có thể đặt ngay với kết quả khảo sát tại ngành xi măng. Không thể nói tới một kết quả chính xác, khi mà đối tượng khảo sát lại đang “bết” vì những lý do ngoài điện. Không hiểu đề xuất của Bộ Công Thương có “ngó” gì tới thực tế ấy không. Nhưng cái kết quả do bộ khảo sát thì đã được trình đúng thời điểm các DN đang khó khăn, và dựa trên kết quả khảo sát trong thời gian khó khăn trước đó của DN.

Quốc Dũng

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Tăng giá xăng dưới góc nhìn DN (08/07/2009)

>   Donataba đạt gần 3.000 tỷ đồng doanh thu 6 tháng đầu năm (08/07/2009)

>   Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn (08/07/2009)

>   Phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm cao hơn 5% (08/07/2009)

>   Hàng hóa vào đợt tăng giá mới (08/07/2009)

>   8 doanh nghiệp thiết kế sản phẩm bền vững (08/07/2009)

>   Hanjin đưa tàu mẹ vào Tân Cảng - Cái Mép (08/07/2009)

>   Hàng thiết yếu có xu hướng giảm giá (08/07/2009)

>   TP.HCM tập trung duy trì tăng trưởng hợp lý (08/07/2009)

>   "DOJY hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển" (08/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật