Thứ Tư, 08/07/2009 07:26

Hàng hóa vào đợt tăng giá mới

Từ ngày 7- 7, giá thép của Vina Kyoei, Pomina, VNSTEEL... đồng loạt tăng 150.000 đồng/tấn. Doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu kêu trời vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao

Sau một thời gian dài phải giảm giá sản phẩm do suy thoái kinh tế, thời gian này nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, sản phẩm ngành nhựa cũng như các dịch vụ vận tải... đều phải tính toán tăng giá. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất, kinh doanh ngày càng bị đội lên do giá nguyên liệu tăng, tiền điện và đặc biệt là chi phí xăng dầu tăng cao.

Sắt thép, vật liệu xây dựng... đua nhau tăng

Theo tính toán của các doanh nghiệp (DN) ngành sản xuất sắt thép xây dựng, sau ba đợt tăng giá xăng dầu vừa qua tổng cộng mặt hàng dầu diesel (dùng trong sản xuất thép) đã tăng 2.700 đồng/lít thì sản xuất một tấn thép thường phải tốn 50 lít dầu sẽ phải tốn thêm 135.000 đồng cộng với áp lực giá phôi thép trên thế giới liên tục tăng buộc các DN phải tăng giá bán sản phẩm. Trước mắt, ngay trong tuần này giá thép sẽ tăng thêm ít nhất 150.000 đồng/tấn (ngày 7- 7, giá thép của Vina Kyoei, Pomina, VNSTEEL đều đồng loạt tăng 150.000 đồng/tấn lên 10,6 triệu- 11 triệu đồng/tấn, chưa tính thuế). Dự kiến tháng 8 và tháng 9 tới giá thép sẽ điều chỉnh tăng tiếp khoảng 500.000 đồng/tấn. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho biết: “Dù sức tiêu thụ mặt hàng thép đang giảm do đã vào mùa mưa nhưng vì áp lực giá phôi tăng cũng như giá xăng dầu tăng liên tục nên buộc DN thép phải điều chỉnh giá tăng để tránh lỗ”.

Khảo sát thị trường vật liệu xây dựng tại TPHCM cũng cho thấy giá các mặt hàng cát, đá, gạch đã tăng thêm từ 5%- 10%. Ông Trần Bảo Tuấn, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận - TPHCM), cho hay: Ngay khi giá xăng dầu tăng lập tức giá gạch tăng thêm 100 đồng/viên (gạch thường từ 360 đồng lên 450 đồng/viên, gạch chất lượng cao từ 650 đồng lên 750 đồng/viên). Đồng thời mỗi xe tải vận chuyển cát, đá đều tăng thêm từ 20.000 đồng- 50.000 đồng/xe.

Các DN nhựa cũng đang kêu trời vì rơi vào hai gọng kìm tăng giá (giá nguyên liệu nhựa tăng và chi phí xăng dầu tăng cao). Ông Lại Anh Việt, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Sài Gòn, bức xúc: Giá nguyên liệu nhựa đã tăng 10% so với tháng trước, nếu giá nguyên liệu tăng tiếp và giá dầu cao như hiện nay buộc DN phải tăng giá sản phẩm ít nhất 10%.

Ngành chế biến thủy sản gặp khó

Thông tin từ các DN chế biến thủy hải sản cho biết các tàu đánh bắt xa bờ đang tính toán thiệt hơn cho các chuyến ra khơi trong thời điểm này. Nguyên nhân là do giá dầu tăng cao đã đẩy chi phí cho mỗi chuyến ra khơi của họ tăng thêm hàng chục triệu đồng. Vì vậy giá cá nguyên liệu cũng đang tăng nhanh.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty XNK Thủy hải sản Bà Rịa- Vũng Tàu, cho biết vài ngày nay nguyên liệu chế biến hàng thủy hải sản xuất khẩu tăng khá mạnh. Chẳng hạn, giá cá thu từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/kg, bạch tuộc từ 28.000 đồng lên 32.000 đồng/kg, mực nang từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng/kg, cá mối từ 9.000 đồng lên 11.000 đồng/kg, cá chỉ vàng từ 13.000 đồng lên 14.000 đồng/kg... Với giá nguyên liệu tăng cao như vậy gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Những hợp đồng đã ký sẽ không còn lãi, còn hợp đồng mới cũng đang gặp khó khăn do khách hàng không chấp nhận tăng giá, trong khi hiện nay tìm được khách tiêu thụ hàng là không hề đơn giản...

Về vận tải, ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm HTX Vận tải Xe khách và Du lịch liên tỉnh, cho biết dù các tuyến xe khách liên tỉnh hiện chưa thể tăng giá do các đơn vị vận tải đang cạnh tranh nhau quyết liệt, nhưng đối với các hợp đồng du lịch rơi vào những ngày cuối tuần đều phải tăng 10% để bù lỗ cho những tuyến khác. Giá cước vận tải hàng hóa tuyến đường dài cũng đã tăng khoảng 10%. Chẳng hạn tuyến vận chuyển Bắc - Nam từ 1,1 triệu- 1,2 triệu nay tăng lên 1,3 triệu đồng/tấn hàng hóa...

Không nên điều chỉnh giá xăng dầu liên tục

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, giá cả xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất. Mỗi khi giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá cả hàng hóa tăng, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá cả hàng hóa lại không được điều chỉnh giảm theo. Điều này gây tác hại đến chỉ số chung giá cả, ảnh hưởng đến đời sống của người dân...

“Điều chỉnh giá xăng dầu trong nước cần phải hết sức thận trọng. Giá xăng dầu thế giới tăng rồi lại giảm (hiện đang giảm trở lại) trong khi giá trong nước lại điều chỉnh tăng liên tục trong thời gian ngắn là không thể chấp nhận. Trong thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu bằng quỹ bình ổn để giá xăng dầu ổn định trong thời gian đủ dài giúp DN chủ động trong sản xuất, hiệu quả kìm giá hàng hóa khác cũng tốt hơn”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.

Nguyễn Hải

Người lao động

Các tin tức khác

>   8 doanh nghiệp thiết kế sản phẩm bền vững (08/07/2009)

>   Hanjin đưa tàu mẹ vào Tân Cảng - Cái Mép (08/07/2009)

>   Hàng thiết yếu có xu hướng giảm giá (08/07/2009)

>   TP.HCM tập trung duy trì tăng trưởng hợp lý (08/07/2009)

>   "DOJY hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển" (08/07/2009)

>   Thủ tướng phê duyệt một số dự án FDI (08/07/2009)

>   Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước khủng hoảng (08/07/2009)

>   Nhà nước không bao cấp giá xăng dầu (08/07/2009)

>   Phụ tải điện tháng 7 có thể tăng đột biến (08/07/2009)

>   HVS đặt tên cho tàu đóng mới đầu tiên (08/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật