Thứ Tư, 08/07/2009 06:48

Nhà nước không bao cấp giá xăng dầu

Đây là khẳng định của Bộ Tài chính trước tình hình giá xăng liên tục tăng và các thông tin về cơ chế điều hành giá xăng dầu và tương quan giá xăng dầu Việt Nam so với thế giới đang được quan tâm hiện nay.

Xăng Việt Nam rẻ nhất khu vực?

Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng nhiều lần. Cụ thể, năm lần tăng giá xăng RON 92 từ 11.000 đồng/lít lên 14.200 đồng/lít; bốn 4 lần tăng giá dầu hỏa từ 11.000 đồng/lít lên 13.650 đồng/lít; ba lần tăng giá dầu madút từ 8.500 đồng/kg lên 10.500 đồng/kg và diezel từ 10.000 đồng/lít lên 12.100 đồng/lít.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, mặc dù giá xăng được điều chỉnh tăng lên, gần xấp xỉ với Trung Quốc, nhưng vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực từ 924 đồng/lít đến 6.473 đồng/lít; giá dầu diezel thấp hơn từ 1.251 đồng/lít đến 6.214 đồng/lít.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, sở dĩ Việt Nam có được mức giá thấp trên là do chúng ta còn sử dụng biện pháp giảm thuế và các công cụ tài chính khác trong điều hành giá xăng, dầu.

Để tiện theo dõi, Bộ Tài chính đã cập nhật giá cả xăng dầu một số nước trong khu vực và cho thấy, giá xăng, dầu ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực.

Bảng so sánh giá xăng dầu giữa Việt Nam và các nước.

Khó có thể so sánh giá hiện nay với trước đây

Một trong những nội dung mà dư luận quan tâm là trước đây, khi dầu thô ở mức 147 USD/thùng thì giá xăng trong nước được điều chỉnh lên 19.000 đồng/lít, nhưng nay giá dầu thô chưa bằng ½ mà giá xăng đã ở mức 14.200 đồng/lít.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, cách so sánh này chưa thật phù hợp. Bởi vì, mức giá dầu thô Mỹ (WTI) 147 USD/thùng là của thời điểm ngày 14/7/2008, chưa phải là mức giá của bình quân giá thế giới được tính bình quân tối thiểu 20 ngày dự trữ lưu thông trong nước để làm căn cứ xác định giá bán trong nước.

Việc tính giá xăng, dầu trong nước là trên cơ sở bình quân giá thị trường thế giới của từng chủng loại xăng, dầu thành phẩm mà không phải là căn cứ vào giá dầu thô.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước, cơ cấu tính giá xăng, dầu trong nước không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của giá xăng dầu thị trường thế giới, mà còn phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam với đồng đôla Mỹ, chính sách điều tiết của Nhà nước phù hợp với đường lối phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ…

Giá trong nước không nên để thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng nhằm hạn chế việc buôn lậu và gian lận thương mại.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, với mức giá bán xăng trong nước 19.000 đồng/lít thời điểm năm 2008 là cũng chưa tính toán đủ theo mặt bằng giá xăng trên thị trường thế giới.

Bởi vì Nhà nước còn thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu như: tạm ứng từ ngân sách Nhà nước tương ứng với số lỗ kinh doanh mặt hàng xăng, để các doanh nghiệp có vốn hoạt động; bù lỗ mặt hàng dầu.

Nếu tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí theo thị trường và Nhà nước không hỗ trợ, giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu trong nước sẽ còn phải cao hơn. Từ năm 2009, Chính phủ thực hiện điều hành giá mặt hàng xăng, dầu theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không còn bù lỗ, hỗ trợ đối với kinh doanh các mặt hàng xăng, dầu như trước đây. Bộ Tài chính khẳng định

Tăng giá 1.000 đồng/lượt không phạm luật

Giải thích cụ thể điều này, Bộ Tài chính cho rằng, đợt tăng 10/6, căn cứ giá xăng dầu thị trường thế giới bình quân 27 ngày (từ ngày 8/5/2009 -ngày điều chỉnh giá gần nhất - đến ngày 4/6/2009) giá dầu thô và giá dầu thành phẩm tăng mạnh (12,4 - 24,4%) so với giá bình quân của thời gian trước đó, trong đó giá dầu ma dút tăng mạnh nhất là 24,4%.

Thời điểm đó, DN đề xuất tăng giá từ 1.000 đồng/lít, kg đến 1.900 đồng/lít, kg nhưng Bộ Tài chính chỉ chấp thuận tăng 1.000 đồng/lít, kg xăng dầu, sau khi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ DN. Mặc dù vậy, sau khi tăng giá, chỉ có xăng, dầu hỏa là có lãi, diesel hòa vốn, còn dầu mazut vẫn lỗ.

Đến ngày 1/7, giá dầu thô và giá xăng, dầu thành phẩm tăng mạnh (10,6 - 20,3%) so với giá bình quân của thời gian trước đó, trong đó giá dầu hoả tăng mạnh nhất là 17,6%.

Các DN lại tiếp tục đề nghị tăng giá thêm 5% tương đương từ 500 đồng/lít, kg đến 1.000 đồng/lít, kg cho mỗi chủng loại xăng, dầu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ chấp thuận tăng giá 5% đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu. Mức tăng cao nhất là 700 đồng/lít đối với xăng.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giá không quá 500 đồng/lít, kg là trong điều kiện giá thị trường thế giới diễn biến bình thường, không có biến động lớn và gắn liền với hoạt động của Quỹ Bình ổn giá.

Có nghĩa là khi Quỹ Bình ổn giá đã có nguồn lực (số dư lớn), giá thị trường thế giới biến động tăng làm cho giá vốn bán lẻ trong nước tăng vượt quá 500 đồng/lít, kg so với giá bán lẻ hiện hành. Doanh nghiệp được điều chỉnh giá tăng 500 đồng/lít, kg phần tăng vượt trên 500 đồng/lít, kg được trích Quỹ Bình ổn giá để bù đắp.

Trước thời điểm Liên Bộ Tài chính - Công Thương chấp thuận để các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh giá 1.000 đồng/lít, các doanh nghiệp đã ba lần đề nghị được tăng giá.

Xét thấy tại thời điểm đó chưa thích hợp cho việc điều chỉnh giá, nên Liên Bộ tạm thời chưa chấp thuận tăng giá mà sử dụng các công cụ tài chính khác để bình ổn giá, như: giảm thuế nhập khẩu, tạm dừng trích Quỹ Bình ổn giá, kéo dài thời gian hoàn trả Ngân sách Nhà nước 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng.

Tuy nhiên, giá xăng dầu thị trường thế giới tiếp tục biến động mạnh, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện hàng loạt các công cụ tài chính,  Liên Bộ thấy cần phải có sự điều hành giá linh hoạt, phù hợp với giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới. Và đây được Bộ Tài chính cho là giải pháp mang tính tình thế và cần thiết.

Sửa đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu

Bộ Tài chính cho biết sẽ đề xuất sửa đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu trên các nguyên tắc: Thực hiện cơ chế thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, Nhà nước không bao cấp.

Rà soát mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu (barem về thuế) và mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để các doanh nghiệp làm căn cứ chủ động xác định giá bán lẻ và đảm bảo nguyên tắc hạch toán trong hoạt động kinh doanh của mình.

Các doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán lẻ theo giá thị trường, không gây ra sự biến động lớn (giật cục) về giá bán lẻ. Trường hợp đặc biệt (giá xăng dầu thị trường thế giới tăng quá cao), Nhà nước sẽ xem xét can thiệp bằng các quyết sách cụ thể.

Phước Hà

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   Phụ tải điện tháng 7 có thể tăng đột biến (08/07/2009)

>   HVS đặt tên cho tàu đóng mới đầu tiên (08/07/2009)

>   Hưởng lợi từ đất công (08/07/2009)

>   "Không có chuyện cắt giảm gói kích cầu" (08/07/2009)

>   Doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội (08/07/2009)

>   Doanh nghiệp cà phê: Liên kết chống lũng đoạn (08/07/2009)

>   Trình HĐND TPHCM danh mục "khu đất vàng" lựa chọn nhà thầu (07/07/2009)

>   Kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,2 - 1,3 tỉ đô la (07/07/2009)

>   30.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng đường sắt cao tốc (07/07/2009)

>   Mặt bằng cao cấp: Có tiền cũng khó chen chân (07/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật