Doanh nghiệp cà phê: Liên kết chống lũng đoạn
Trước diễn biến khó lường và bất lợi cho các DN cà phê, mới đây Ban Chấp hành Hiệp hội Cà phê Ca cao VN đã họp phiên bất thường để bàn biện pháp ứng phó với tình hình biến động xấu và giá giảm sút nghiêm trọng gây thua lỗ lớn cho các DN kinh doanh cà phê và gây tổn thất cho ngành cà phê VN. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hữu Đễ - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao xung quanh vấn đề này.
Ông Đễ nhận định: Nguyên nhân dẫn đến giá giảm đột biến trong 2 tuần cuối tháng 6 chủ yếu do các nhà đầu cơ lũng đoạn thị trường, dìm giá để kết thúc hợp đồng thu lời đối với các hợp đồng kỳ hạn chủ chốt, giá giao hàng đã ứng 70% tiền. Ông Đễ cho rằng để giải quyết bài toán giá cà phê hiện nay cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN với người nông dân, hạn chế tổn thất. Về các DN, cũng phải tính toán theo chiến lược kinh doanh của mình, cũng cần phải xem xét bán như thế nào và bán vào thời điểm nào. “Thị trường cà phê có đặc điểm là có hàng bán lúc nào cũng được, xuống giá, lên giá đều bán được, nên tôi cho rằng các DN chào hàng và chỉ bán khi nào giá có thể chấp nhận được chứ không thể bán lỗ được”.
- Thưa ông, nhiều chuyên gia nói rằng giải pháp tối ưu hiện nay là các DN cà phê VN phải ngừng ngay hoạt động mua vào và bán ra, ngừng ký mọi hợp đồng xuất khẩu. Tuy nhiên giải pháp này không thể thực thi được, vì các DN nước ta rất thiếu đoàn kết, ông nghĩ sao về vấn đề này ?
Hiện tại việc các DN hoạt động kinh doanh là việc của DN, Hiệp hội không can thiệp sâu vào việc kinh doanh của các đơn vị, chúng tôi chỉ khuyến cáo các DN cần phải thận trọng trước khi bán hàng. Chúng tôi cho rằng giữa người sản xuất và người kinh doanh cần liên kết để chống lại việc đầu cơ, lũng loạn thị trường như hiện nay.
- Chúng ta là nước đứng thứ hai thế giới về XK mà vẫn phải chịu việc làm giá từ các nhà nhập khẩu. Vì sao vậy, thưa ông ?
Đây là điều mà Hiệp hội chúng tôi đang tính toán, có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi giờ là lúc mà các DN cần phải liên kết với nhau thành một khối để đối phó với việc làm giá, với lượng cà phê hằng năm như vậy cần phải tính toán được thời điểm bán ra cho phù hợp. Nguyên nhân chính của việc giá cà phê xuống giá là do các nhà nhập khẩu đầu cơ, lũng loạn thị trường và ép giá các nhà XK. Chính vì vậy mà Hiệp hội đang nỗ lực cùng với các DN nỗ lực tìm các giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề này. Tới đây, định hướng của Hiệp hội là yêu cầu các DN phải thông báo và cập nhật thường xuyên về lượng bán ra và có sự cân đối điều hòa lượng bán ra để tránh tình trạng làm giá như hiện nay. Chẳng hạn nhiều DN ký hợp đồng sớm, đến khi không có hàng thì tìm mọi cách để gom đủ số lượng. Có khi mua thì cao mà bán thì lại gặp đúng lúc thị trường xuống nên bán giá thấp. Các DN cần phải tự tính toán lượng bán, từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 200 ngàn tấn.
- Giải pháp mà Hiệp hội đang đề nghị là Nhà nước thu mua cà phê để điều tiết lượng xuất khẩu theo ông liệu có khả thi ?
Tôi cho là khả thì, vì thực ra việc này trước đây đã làm, hiện nay chúng tôi đang đề nghị Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ để dự trữ một số lượng cà phê, ví dụ khoảng 150 - 200 ngàn tấn/năm. Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các DN cà phê để quay vòng vốn, hoặc Nhà nước tạo điều kiện để các DN bảo quản cà phê, giảm chi phí cho DN cũng như nông dân... Ví dụ Ngân hàng cho vay, lãi suất giảm, đảm bảo thu mua của nông dân phải có lãi.
- Ông có thể đưa ra nhận định tình hình cà phê từ nay tới cuối năm ?
Tôi cho rằng với tình hình suy thoái kinh tế như hiện nay phải tới giữa năm sau thì giá cà phê mới hồi phục. Không chỉ cà phê mà nhiều mặt hàng khác cũng vậy, cần phải xem xét giá bán sao cho quay vòng đồng vốn có lợi nhất.
- Vậy đến thời điểm này, lời khuyên mà Hiệp hội đưa ra với các DN cà phê sẽ là gì ?
Niên vụ cà phê 2008/2009 đã bán được số lượng lớn. Lượng hàng còn lại của niên vụ này khoảng hơn 100.000 tấn. Các DN nên nắm chắc nguồn hàng mới bán. Không nên bán kỳ hạn giao hàng quá xa khi thị trường biến động khó lường. Đối với các hợp đồng kỳ hạn nên đàm phán điều chỉnh thời gian cho phù hợp với khả năng cung ứng hàng từ các nhà cung ứng trong nước và đàm phán nâng mức ứng tiền từ 70% lên 80- 85%. Về niên vụ mới 2009/2010, do chưa đánh giá được sản lượng và biến động của thời tiết nên các DN chưa nên ký hợp đồng giao hàng cho niên vụ mới.
Tóm lại giá cả biến động bất lợi các DN nên hạn chế bán hàng ra lúc này và phải liên kết với nhau để bảo vệ quyền lợi. Chúng tôi cũng kiến nghị các bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế hỗ trợ lãi suất không phần trăm cho một số DN lớn trữ hàng và nhận hàng ký gửi của dân khoảng 200.000 tấn cho niên vụ mới bắt đầu từ tháng 10/2009. Chúng tôi cho rằng, ngành cà phê là ngành hàng lớn nên để cho quá nhiều DN xuất khẩu cũng gây bất lợi. Hiệp hội sẽ khẩn trương xây dựng qui chế xuất khẩu cà phê phù hợp với tình hình mới để trình các bộ ngành có liên quan.
- Xin cảm ơn ông.
Ông Đoàn Triệu Nhạn - Nguyên TGĐ TCty Cà phê VN: “Năm 2010 giá sẽ tăng”!
Đổ lỗi cho đầu cơ thì dễ nhưng gốc của mọi vấn đề đều là vấn đề cung - cầu. Tình hình cung năm nay rất lớn, từ đầu năm tới nay ta đã XK khoảng 10 triệu bao cà phê, tương đương khoảng 6 triệu tấn, đây là số lượng rất lớn. Chính vì vậy chúng ta đã tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu "no" cà phê nên họ có đủ hàng để bán cho DN rang, xay nên họ mua cũng được mà không mua cũng được. Chính vì thế họ mới làm giá ! Cà phê của Brazil thường là năm được năm mất, sang năm cà phê của Brazil sẽ giảm nên lúc đó cà phê VN gần như "một mình một chợ", giá sẽ lên.
Quốc Anh
Diễn đàn Doanh nghiệp
|