Hưởng lợi từ đất công
Đợt giám sát tình hình quản lý, sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (gồm tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Điện lực (EVN), Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn và Tổng công ty Dệt may Gia Định) trên địa bàn TP.HCM do Đoàn đại biểu Quốc hội TP tổ chức (từ ngày 6 - 10.7) đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Đợt giám sát nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước (nhiều người thường gọi là công sản), có quy mô lớn chỉ mới bắt đầu. Song qua 2 ngày kiểm tra tại 2 tập đoàn lớn (VNPT và EVN), được thuê, giao hàng trăm ngàn mét vuông nhà, đất, với hàng trăm cơ sở nhà, đất, trong đó có nhiều "khu đất vàng" tại địa phương vốn được xem là "tấc đất, tấc vàng", đã nổi lên một số vấn đề nhức nhối trong việc quản lý, sử dụng công sản mà dư luận lên tiếng bấy lâu. Tại VNPT, có lẽ do "xài không hết", một số đơn vị thành viên của tập đoàn cắt một phần của hai cơ sở nhà, đất nằm ở trung tâm Q.1 cho tư nhân thuê. Dù số tiền hưởng lợi không được tập đoàn VNPT báo cáo rõ cho đoàn giám sát, song một số thành viên trong đoàn khẳng định con số này là không nhỏ, do hai cơ sở này đều nằm ở vị trí đắc địa. Đáng chú ý, trong khối công sản thuộc quyền sử dụng của VNPT còn có khu đất C30 (nằm trên địa bàn quận 10 và Tân Bình), diện tích lên đến hơn 40 ha, trị giá hàng trăm tỉ đồng, nhưng do chờ điều chỉnh quy hoạch, phương án đầu tư nên từ hàng chục năm nay "khu đất vàng" này luôn trong tình trạng hoang hóa một phần.
Tại EVN, những người được giao quản lý đã tự ý đem đất công chia cấp cho những cán bộ lãnh đạo các phòng, ban thuộc công ty. Đó là khu đất số 4-6 Nguyễn Siêu (P.Bến Nghé, Q.1) ngoài một phần làm văn phòng, phần còn lại đơn vị đã tự ý chia cấp cho 59 hộ CBCNV ngành điện làm nhà ở. Một khu đất khác diện tích hơn 2.000m2 tại số 122 Phạm Thế Hiển (P.2, Q.8) nay cũng đã biến thành nơi ở của 9 hộ gia đình CBCNV…
Sai phạm rành rành, song tại các buổi làm việc với đoàn giám sát, lãnh đạo hai tập đoàn lớn vẫn luôn miệng kêu thiếu quỹ đất để phục vụ sản xuất kinh doanh; riêng lãnh đạo EVN kiến nghị "UBND TP, chính quyền các quận, huyện trên địa bàn TP quan tâm dành quỹ đất thích đáng… nhằm giúp tập đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của TP…".
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn TP.HCM, hiện tổng số nhà đất do các cơ quan thuộc TP quản lý là 8.433 địa chỉ với diện tích trên 136 triệu m2. Các bộ ngành trung ương có 2.102 địa chỉ nhà, đất với diện tích hơn 96 triệu m2. Việc thu hồi tài sản công sử dụng sai mục đích, lãng phí của các đơn vị, đặc biệt là cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM không phải là điều đơn giản. Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) từng nói với Thanh Niên: Quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất tất nhiên có sự xung đột quyền lợi nên các ngành, đơn vị liên quan vẫn còn nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau. Đi sâu vào từng trường hợp sẽ thấy việc ra quyết định thu hồi nhà, đất của các đơn vị không dễ chút nào.
Trước vấn đề nan giải này, nhiều người tỏ ra đồng tình khi ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đưa ra giải pháp hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí đất công, khi thông báo sẽ kiến nghị Chính phủ nâng giá cho thuê đất hiện "rẻ như cho", tiệm cận giá thị trường, không để cơ chế 2 giá tồn tại, như vậy các đơn vị sẽ không dám "ôm" đất cho thuê lại để hưởng chênh lệch, đặc biệt tại các "khu đất vàng" có giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Mặt khác, ông Lịch cho rằng, vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là các đơn vị thành viên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cổ phần hóa nhưng lại nắm trong tay phần diện tích đất khá lớn. Do đó, đoàn Đại biểu Quốc hội TP yêu cầu các đơn vị phải rà soát thật kỹ vì thực tế đã chứng minh nếu không sửa sai trong quản lý tài sản công trước khi chuyển đổi, thì đất công là thứ dễ "bay hơi" nhất. Kinh nghiệm này được ông Trần Du Lịch rút ra được từ nhiều năm là thành viên của Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố, khi chứng kiến cảnh doanh nghiệp kiên quyết "ôm" đất; sau đó không lâu đã "phù phép" đất công thành đất tư.
Minh Nam
Thanh niên
|