Thứ Năm, 23/07/2009 16:04

Thép tố khổ vì bị cắt ngoại tệ

Lý do các ngân hàng từ chối cung ứng ngoại tệ cho DN vì thép phế không thuộc nhóm hàng được ưu tiên đảm bảo cho vay ngoại tệ.

Sau kiến nghị vượt cấp ngày 14/7 của 5 doanh nghiệp cổ phần ngành thép, ngày 20/7, Tổng công ty Thép Việt Nam có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh chuyện họ không vay, mua được ngoại tệ để nhập khẩu thép phế liệu, phục vụ sản xuất. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu nút thắt này không sớm được gỡ bỏ, hoạt động của doanh nghiệp thép sẽ bị ảnh hưởng mạnh, bởi có những công ty phụ thuộc tới 80% vào nguồn thép phế.

Các doanh nghiệp đã có đơn kiến nghị gồm Tổng công ty Thép Việt Nam, CTCP Luyện thép Sông Đà, CTCP Thép Việt, CTCP Tập đoàn Hòa Phát, CTCP Thép Vạn Lợi và CTCP Thép Đình Vũ. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện họ không thể mở được thư tín dụng (L/C) cho các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu thép phế, gang và các vật liệu phục vụ sản xuất phôi thép do các ngân hàng từ chối cho vay ngoại tệ.

Thông tin từ Hiệp hội Thép cho biết, lý do các ngân hàng từ chối cung ứng ngoại tệ cho doanh nghiệp vì thép phế không thuộc nhóm hàng được ưu tiên đảm bảo cho vay ngoại tệ, theo chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hạn chế nhập khẩu thép phế, song phôi thép và thép thành phẩm vẫn được cung ứng ngoại tệ đầy đủ. Điều này theo phản ánh của các doanh nghiệp là bất hợp lý, không khuyến khích sản xuất trong nước.

Tại sao đến thời điểm này doanh nghiệp thép mới nêu ra bất hợp lý trên? Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho hay, thời điểm này NHNN siết chặt việc quản lý ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ căng thẳng, vì thế khi ngân hàng “quay lưng”, doanh nghiệp dù chấp nhận mua giá cao cũng không có. Trong khi đó, thép phế hiện là nguồn nguyên liệu chính của các nhà máy thép tại Việt Nam, do đặc thù cần bãi, kho chứa diện tích rộng nên các doanh nghiệp đều không nhập dự trữ, mà chủ yếu “ăn đong”. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, hoạt động của những doanh nghiệp này sẽ bị tác động lớn. Việc không cho vay ngoại tệ nhập khẩu đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu đầu vào để sản xuất, đầu ra ngành thép có thể thiếu hụt, tạo cơ hội cho thép nhập ngoại tràn vào thị trường.

Câu chuyện của ngành thép chỉ là một trong những ví dụ cho thấy cung cầu ngoại tệ phục vụ thanh toán vẫn là câu chuyện căng thẳng tại các ngân hàng. Điều này thể hiện ở việc tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại đang được duy trì kịch trần cho cả tỷ giá bán ra, mua vào và chuyển khoản. Bị trả thêm phí, lại khó khăn trong việc mua USD, một số doanh nghiệp đã phải xoay xở đủ cách. Cách làm phổ biến nhất là doanh nghiệp có nhu cầu mua USD tìm đến những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu USD thường xuyên. Nếu như chi phí trả “điểm chênh” tại ngân hàng khoảng 200 - 300 đồng cho mỗi USD thì chi phí trả cho doanh nghiệp bạn chỉ bằng một nửa. Một kiểu hợp tác phổ biến khác là doanh nghiệp có nguồn thu USD thường đi kèm với chức năng xuất nhập khẩu trong giấy phép kinh doanh nên doanh nghiệp bạn cần nhập mặt hàng nào thì cứ việc giao dịch, liên hệ rồi trả trước VND, doanh nghiệp có USD sẵn sàng đứng ra nhập khẩu hộ với chi phí thấp hơn nhiều so với mua USD qua ngân hàng. Cũng vì khó mua USD nên thời điểm này, doanh nghiệp dù ý thức được rủi ro tỷ giá có thể tác động lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, rất muốn áp dụng những nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhưng nhiều ngân hàng đã từ chối thẳng.

Ở góc độ cơ quan quản lý, NHNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-3% lên +/-5% đối với giao dịch mua bán của các ngân hàng thương mại; can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và ổn định tỷ giá; thực hiện các biện pháp hạn chế găm giữ và chống đầu cơ ngoại tệ. Trong thông điệp phát ra thị trường về chủ trương điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá như trong 6 tháng đầu năm 2009, can thiệp mạnh và hợp lý theo tín hiệu thị trường trên cơ sở có chọn lọc đối tượng, nhằm đảm bảo ổn định tỷ giá và cán cân thanh toán. NHNN cho rằng, tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm tăng 1,81%, mặc dù có sức ép tăng từ cuối tháng 3, về cơ bản vẫn ở mức phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.

Định hướng điều hành của cơ quan quản lý rõ ràng như vậy, nhưng thực tế diễn biến thị trường đang cần những can thiệp mạnh tay hơn của cơ quan quản lý để cung cầu ngoại tệ ổn định, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, giải tỏa tâm lý găm giữ ngoại tệ, tránh những tác động bất lợi tới nền kinh tế.

Thùy Linh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   SHB tăng lãi suất tiết kiệm VND lên 9,65%/năm (23/07/2009)

>   NH Bắc Á được phát hành giấy tờ có giá dài hạn năm 2009 (23/07/2009)

>   Nút thắt tỷ giá (23/07/2009)

>   Giá vàng lại nóng, USD trượt giá (23/07/2009)

>   Tín dụng nóng hay lạnh? (23/07/2009)

>   Mua chứng chỉ tiền gửi: Được và mất (23/07/2009)

>   Găm ngoại tệ nhờ lãi vay rẻ (23/07/2009)

>   Vay đầu tư chứng khoán, bất động sản sẽ khó hơn (23/07/2009)

>   Không có chuyện phát hành tín phiếu bắt buộc để rút tiền (22/07/2009)

>   Thiếu đô la, doanh nghiệp "lách" bằng ngoại tệ khác (22/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật