Thứ Hai, 06/07/2009 09:08

Nhật Bản và Trung Quốc chạy đua chiếm lĩnh thị trường châu Phi

Theo nhật báo Nikkei, các hãng sản xuất máy xây dựng Nhật Bản đang tăng cường các nỗ lực quảng cáo sản phẩm tại châu Phi, khi nhu cầu về máy móc xây dựng phục vụ cho các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát triển cơ sở hạ tầng ở châu lục này đang có xu hướng gia tăng. Cùng lúc, các nhà chế tạo máy xây dựng của Trung Quốc cũng đang nỗ lực chiếm lĩnh thị trường này với sự hỗ trợ của chính phủ các nước châu Phi. Điều này đang gây ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất hai nước.

Ngày 1/6, tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi đã khai trương văn phòng đại diện tại Johannesburg (Nam Phi). Mặc dù là một trung tâm thương mại nổi tiếng của châu lục, song cơ sở hạ tầng ở Johannesburg vẫn chưa phát triển tương xứng. Mitsubishi cho rằng nhu cầu về máy xây dựng và máy phát điện ở thành phố này và các địa phương lân cận đang rất lớn.

Tuy nhiên, công ty TNHH Komatsu và công ty máy xây dựng Hitachi mới là những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên có kế hoạch khai thác lục địa đen. Tháng 4/09, Komatsu đã khai trương cơ sở kỹ thuật có tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu yên tại Đaca (Xênêgan), nhằm hướng dẫn người dân địa phương cách thức sử dụng máy khai thác mỏ. Những người trải qua quá trình đào tạo có thể làm việc tại các mỏ than ở các nước như Ghinê và Cộng hòa dân chủ Cônggô. Công ty này cũng dự kiến thành lập các cơ sở tương tự tại Kênia và Êtiôpia.

Hitachi vừa mở một chi nhánh bán hàng tại Dămbia và dự kiến sẽ thiết lập một chi nhánh khác ở Gana vào tháng 9/09, coi đây là nền tảng để khai thác thị trường Tây Phi. Công ty này cũng đang cân nhắc khả năng thành lập văn phòng tại Môdămbích. Tháng 4/09, Hitachi đã thành lập một nhóm chiến lược châu Phi tại trụ sở chính ở Tôkyô, thông qua việc tái cơ cấu nhóm phụ trách thị trường châu Âu và châu Phi.

Một thách thức lớn đối với các công ty Nhật Bản là sự hiện diện ngày càng tăng của đối thủ Trung Quốc. Tại Angiêri, một tuyến đường cao tốc dài 1.200km đang được xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2010. Đây sẽ là tuyến đường giao thông huyết mạch nối quốc gia Bắc Phi này với Tuynidi ở phía đông và với Marốc ở phía tây. Các loại máy xúc của Komatsu và Hitachi đang được sử dụng trên đoạn đường chạy qua khu vực phía đông Angiêri, trong khi các nhà thầu Trung Quốc là công ty công nghiệp nặng Sany và tập đoàn máy xây dựng Xuzhou sử dụng chủ yếu các thiết bị do trong nước chế tạo để xây dựng đoạn đường tại khu vực miền trung và miền tây.

Các công ty xây dựng và khai thác tài nguyên Trung Quốc đã thắng thầu các dự án phát triển tại châu Phi nhờ sự hậu thuẫn của Chính phủ. Các công ty này đã mua hầu hết thiết bị do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Tại một hội nghị đầu tư trong lĩnh vực khai thác mỏ ở châu Phi diễn ra tại Nam Phi tháng 2/09, Trung Quốc đã công bố 17 dự án đầu tư công cộng và tư nhân tại châu lục này, với tổng vốn đầu tư lên tới 7,3 tỷ USD.

Trong khi đó, các công ty Nhật Bản phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Mùa Xuân năm 2008, Hitachi đã mất tới 6 tuần để vận chuyển một máy xúc chạy bằng sức nước từ Nam Phi tới một mỏ đồng ở Cônggô, do cơ sở hạ tầng ở khu vực này quá kém. Tại Trung và Nam Phi, dầu mỏ từ các xe bồn được sử dụng để vận hành các máy xúc thường xuyên bị ăn trộm trong quá trình vận chuyển.

Trong tài khóa 2008, kim ngạch xuất khẩu máy xây dựng của Nhật Bản tới châu Âu giảm 47% so với cùng kỳ năm 2007, tới Mỹ giảm 27%, tới châu Phi và Trung Đông chỉ đạt 61, 1 tỷ yên, giảm 27%, trong khi nhu cầu của Trung Quốc tăng gần 40%. Các doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng nhu cầu từ châu Phi sẽ hồi phục từ tài khóa 2010, khi giá các tài nguyên thiên nhiên tăng. Quan trọng hơn, họ có một tầm nhìn lâu dài về tiềm năng phát triển hạ tầng cơ sở và tài nguyên thiên nhiên của châu Phi- cơ sở cho việc đẩy mạnh khai thác thị trường này trong các thập kỷ tới.

Thanh Tùng

TTXVN

Các tin tức khác

>   Bôlivia tiếp tục quốc hữu hóa những ngành KT quan trọng (06/07/2009)

>   Đồng USD trong cơn lốc mất giá (06/07/2009)

>   Lượng hóa hiệu quả hỗ trợ quảng cáo của Internet (06/07/2009)

>   Giá dầu sẽ xuống 33 USD hay lên 200 USD mỗi thùng? (06/07/2009)

>   Khi nhà giàu mắc nợ (05/07/2009)

>   Washington đang cố dịu dàng vui vẻ với Bắc Kinh (05/07/2009)

>   Từ võ sỹ thành ông trùm Las Vegas (05/07/2009)

>   Liên minh châu Âu: Cho phép bán rau, củ, quả xấu xí (05/07/2009)

>   Adidas chờ hốt bạc từ các vụ chuyển nhượng ở Real Madrid (05/07/2009)

>   Châu Á cần phát triển mô hình kinh tế mới (04/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật