Nhân sự công ty chứng khoán: "Nóng - lạnh" theo thị trường
Cùng với câu chuyện nóng trở lại của thị trường gần đây là cơn sốt của làn sóng bổ sung nhân sự của các CTCK, nhất là khi nhiều đơn vị đã sa thải hàng loạt vào cuối 2008 - đầu 2009.
Có những chuyên viên vài tháng lại thay một danh thiếp mới là chuyện bình thường. Khó có nghề nào lại "lỏng lẻo" như lĩnh vực CK, bởi công việc cũng "nóng - lạnh" theo thị trường.
"Chết dở" vì thiếu người
Thời điểm "lạnh" nhất của thị trường nhân sự liên quan đến lĩnh vực CK là cuối năm 2008, khi TTCK sụt giảm mạnh chưa từng có. Hàng loạt CTCK lâm vào tình trạng sống dở, chết dở: Doanh thu sụt giảm, tự doanh lỗ và nhất là chưa thể nhìn ra đâu là cuối đường hầm. Giải pháp cắt giảm chi phí được tính đến như nỗ lực cuối cùng để cầm cự. Rất nhiều Cty đã thực hiện tinh gọn bộ máy bằng cách sa thải hàng loạt và chỉ giữ lại một - hai nhân sự chủ chốt của từng bộ phận. Thậm chí, có CTCK còn cắt bỏ một số bộ phận bằng cách sáp nhập hoặc kiêm nhiệm.
Tuy nhiên, đúng vào lúc khó khăn nhất thì thị trường lại chuyển biến tích cực. Bất ngờ là sự phục hồi trong gần 4 tháng qua theo chiều thẳng đứng. Đi cùng với đó là quy mô giao dịch tăng đột biến chưa từng có. Dòng tiền đổ ào ào vào thị trường. Lượng tài khoản mở mới cũng như nạp thêm tiền tăng vọt. Các CTCK trở tay không kịp để đảm bảo chất lượng dịch vụ, nhất là môi giới.
Trưởng bộ phận môi giới của một CTCK khá lớn trên đường Kim Mã than thở, đúng vào lúc Cty tinh gọn bộ phận môi giới từ 9 người xuống còn 4 người thì nhu cầu giao dịch lại tăng vọt. Bản thân anh cũng phải vừa trực điện thoại, vừa tham gia nhập lệnh chóng mặt. Các nhân viên còn lại không chỉ làm việc với 100% công suất, mà còn bị NĐT trách mắng, kêu than nhức đầu.
Không chỉ bộ phận môi giới, phòng phân tích của nhiều CTCK cũng bị thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. "Bộ phận phân tích của Cty tôi giải tán gần hết, còn đúng... 1 người" - thành viên còn lại duy nhất của phòng phân tích CTCK S trên đường Láng Hạ cho biết, trong khi trước đây, bộ phận phân tích Cty này khá mạnh với đội ngũ phân tích viên cũng như đội nhập và xử lý số liệu. Hiện Cty này đang gấp rút thông báo tuyển một lúc 6 chuyên viên phân tích để bổ sung, nhưng "rao" từ tháng 6 tới giờ vẫn chưa tuyển được.
Lại "lên ngôi"
Mặc dù không ít CTCK đã nhìn thấy nhu cầu bức thiết phải bổ sung nhân lực để đảm bảo chất lượng dịch vụ, nhưng vào thời điểm này, cơ hội tuyển được người ưng ý lại không hề dễ. PGĐ một CTCK trên đường Láng Hạ cho biết, hồ sơ ứng viên cũng khá nhiều, nhưng hầu như mới chọn được một vài vị trí tiềm năng cho bộ phận môi giới với công việc đơn giản nhất là nhập lệnh, trực điện thoại. Vị trí phó phòng phân tích, thậm chí cả chuyên viên phân tích tìm mãi chưa ra.
Chỉ tính riêng trên trang web tuyển dụng vietnamworks.com, từ đầu tháng 7 đến nay đã có gần 40 tin đăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các CTCK. Nếu thống kê cả những tin tuyển dụng từ tháng 6 vừa qua thì số lượng còn cao hơn nhiều. Khá nhiều tên tuổi mới gia nhập thị trường gần đây thông báo tuyển ồ ạt như CTCK Phú Hưng tại TPHCM tuyển tới 40 nhân viên môi giới.
Rất nhiều tên tuổi cũ cũng gấp rút bổ sung lực lượng như CTCK Bảo Việt, Seabank, CTCK Sacombank, CTCK Habubank, CTCK Châu Á - Thái Bình Dương, CTCK Đại Tây Dương... Vị trí tuyển dụng nhiều nhất vẫn là môi giới và phân tích đầu tư. Tuy nhiên cũng có một số Cty tìm kiếm nhân sự cho vị trí cao hơn như CTCK Bảo Việt tìm Phó GĐ chi nhánh tại TPHCM, hay một số vị trí "lạ" khác như chuyên viên quan hệ quốc tế, chuyên viên luật, chuyên viên kiểm soát nội bộ, trợ lý ban giám đốc...
Cán bộ cao cấp của một CTCK đã chuyển qua vị trí khác của ngân hàng "mẹ" cho biết, gần đây anh nhận được điện thoại mời quay trở lại vị trí cũ với mức đãi ngộ tốt hơn trước, nhưng vẫn còn đang phân vân: "Công việc hiện tại cũng "ấm" và nhất là chưa biết tương lai sẽ thế nào nếu quay trở lại. Cứ thị trường nóng, Cty lại mời mọc; lúc thị trường nguội lại nhăm nhe giảm lương, cắt thưởng. Nhiều nhân viên chán nản và cảm thấy không được trọng dụng. Hầu như những người có kinh nghiệm khi ra đi đều có thể tìm được việc tương tự ở một Cty khác nhờ mối quan hệ. Những nhân sự có trình độ tìm kiếm mới khó, còn các vị trí cho công việc thông thường thì chỉ cần một năm kinh nghiệm là đủ".
Chủ tịch một CTCK lớn ở Hà Nội cho rằng, thị trường nguội lạnh là một cơ hội để tái cấu trúc. Cty có thời gian để làm những việc mà trước đó chưa thể thực hiện vì thiếu thời gian. Nhân sự là một trong những khâu trọng yếu. Tuy nhiên, vấn đề là các Cty phải có kế hoạch đàng hoàng, tinh giản nhân sự đồng nghĩa với nâng cấp chất lượng nhân sự chứ không phải làm theo kiểu đối phó.
Hoàng Nguyễn
LAO ĐỘNG
|