Đầu tư khi thị trường không rõ xu hướng
Sức khỏe doanh nghiệp, chứng khoán thế giới, kinh tế vĩ mô, thay đổi nhân sự trong công ty, triển vọng đầu tư, những dự án tiềm năng… là những yếu tố tác động mạnh mẽ lên giá cổ phiếu (CP).
Tuy nhiên, không phải bao giờ điều này cũng đúng. Có những thời điểm chẳng hạn như hiện nay, thị trường trở nên khó hiểu và không bị chi phối bởi yếu tố nào rõ ràng khiến nhà đầu tư (NĐT) bối rối.
Thẩm thấu thông tin tiềm năng
Mặc dù đã có phiên tăng điểm mạnh mẽ cuối tuần qua nhưng nhìn chung trong cả tháng nay, thị trường chứng khoán (TTCK) luôn được giới chuyên gia cũng như giới phân tích nhận định "chưa rõ xu hướng". Cứ một phiên tăng điểm lại một phiên giảm điểm đan xen. Có lúc tưởng chừng ngưỡng 400 điểm bị phá vỡ thì bỗng dưng, thị trường lại bật lên mạnh mẽ. Nhưng khi TTCK thế giới được phủ xanh bởi kỳ vọng thoát ra khỏi đáy của cuộc khủng hoảng thì thị trường trong nước lại "một mình một chợ" tràn ngập sắc đỏ của sự mất giá trên bảng điện tử.
Nếu như lợi nhuận của Goldman Sachs khiến TTCK Mỹ bật dậy ngoạn mục thì hàng loạt ngân hàng, các thương hiệu lớn trong nước công bố con số lợi nhuận nửa năm đầy ấn tượng vẫn không thể cứu giá CP của họ bị NĐT bán tháo. Nhận xét về vấn đề này, một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, với TTCK các nước khác trên thế giới, thông tin thường được phản ánh rất kịp thời, cũng có một số thông tin cần độ trễ nhất định rồi tác động lên giá CP. Riêng ở Việt Nam, có rất nhiều giai đoạn, thị trường lại "thẩm thấu" thông tin ở dạng tiềm năng trước, đến khi công bố chính thức thì không còn tác dụng nữa. Đó là lý do vì sao, nhiều người cứ thắc mắc "chứng khoán hiện nay vô cảm với thông tin". Chuyên gia này chứng minh, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2009 rất quan trọng trong việc đánh giá việc thực hiện kế hoạch năm của doanh nghiệp.
Thông thường, mùa công bố báo cáo tài chính nửa năm là mùa CP sẽ phân hóa rõ ràng nhất. Tùy vào sức khỏe của doanh nghiệp mà giá CP sẽ tăng hay giảm giá; nguồn cầu cũng sẽ tập trung vào những CP có kết quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên, tình hình hiện nay lại khác, bất chấp việc các công ty công bố lợi nhuận nửa năm, thị trường vẫn đi xuống. Thậm chí, không ít công ty có kết quả kinh doanh tốt nhưng giá CP vẫn giảm đều. Lý do là thông tin về sức khỏe doanh nghiệp đã được thị trường hấp thụ từ trước. Giá CP đã tăng từ trước nên việc công bố chính thức thông tin hầu như không còn tác động gì nhiều.
Đầu tư trung hạn
Trong vòng gần một tháng qua, NĐT nước ngoài đã mua ròng khoảng 20 phiên liên tiếp. Đây là chuỗi ngày mua ròng dài nhất từ đầu năm 2009 trở lại đây. Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại từ đầu tháng 7 tới nay đã lên tới gần 1.300 tỉ đồng. Tất nhiên, so với nguồn vốn từ các NĐT nội thì khối ngoại vẫn chưa thể đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, với kinh nghiệm, kế hoạch và chiến thuật của mình, việc mua ròng của các NĐT nước ngoài là tín hiệu lạc quan cho thị trường trong thời gian giảm điểm liên tiếp vừa qua. Đó là chưa kể, việc duy trì mua ròng kéo dài của khối ngoại đã tạo tác động tích cực lên không ít NĐT nội hiện nay. Những phiên VN-Index ngấp nghé ngưỡng 400 điểm là lúc khối ngoại lại tăng mua, giảm bán. Giám đốc một quỹ đầu tư tại TP.HCM cho rằng, đầu tư của khối ngoại hiện nay là dạng đầu tư trung hạn.
Nếu dự đoán VN-Index cuối năm khoảng 500-600 điểm thì những khoản đầu tư hiện nay cũng có mức sinh lời tới 30% - 40% chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm. Vì vậy, có thể hiểu được động thái mua vào của khối ngoại hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Theo giới phân tích, thị trường sau phiên tăng điểm mạnh mẽ cuối tuần có thể vẫn trong tình trạng "lình xình" như trước. Và đây cũng có thể là cơ hội cho các NĐT trung hạn giải ngân vào các CP tốt và chờ đợi thu hoạch vào cuối năm.
Nguyên Hằng
thanh niên
|