Thứ Bảy, 25/07/2009 11:17

Nhiều CTCK vi phạm giao dịch, vì sao?

Chỉ trong một ngày (18/6), Sở GDCK TP. HCM (HOSE) có công văn cảnh cáo gửi 4 CTCK Quốc tế Hoàng Gia, Nam Việt, Beta và Rồng Việt về cùng một lỗi: hủy lệnh trong cùng đợt khớp lệnh định kỳ.

Ngay trong tháng 7 này cũng có nhiều công ty như CTCK Ngân hàng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, CTCK Vincom, CTCK Thủ đô, Beta… mắc lỗi. Khá nhiều CTCK đã mắc lỗi về giao dịch trực tuyến (GDTT) khiến HOSE phải ra văn bản cảnh cáo, thậm chí ngắt GDTT. Được kiểm tra khá chặt chẽ trước khi đi vào vận hành, vì sao lỗi GDTT của CTCK vẫn diễn ra phổ biến?

Hai dạng lỗi chính

Hiện nay, giao dịch tại HOSE được chia thành 3 đợt: đợt 1, từ 8h30 đến 9h, khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa; đợt 2, từ 9h đến 10h15, khớp lệnh liên tục và đợt 3, từ 10h15 đến 10h30, khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa. Theo quy định, trong phiên khớp lệnh định kỳ, NĐT không được hủy lệnh nhằm tránh tình trạng tạo cung - cầu ảo, thị trường không minh bạch. Theo ghi nhận của ĐTCK, hiện CTCK hay mắc lỗi trong loại giao dịch này.

Một dạng lỗi phổ biến nữa đó là việc NĐT nhập lệnh vào hệ thống trước khi HOSE mở cửa giao dịch. Việc CTCK đẩy lệnh vào hệ thống trước giờ giao dịch là biểu hiện của dạng chèn lệnh, cướp lệnh, tạo ra sự không bình đẳng trong giao dịch giữa các NĐT.

Khó có thể thống kê số CTCK mắc lỗi GDTT kể từ khi HOSE áp dụng phương thức giao dịch này. Trên đây là hai lỗi GDTT phổ biến và thường bị xử lý nặng nhất. Tại sàn HNX, các thành viên không bị mắc những lỗi kể trên do phương thức khớp lệnh liên tục được thực hiện trong cả phiên và NĐT được phép hủy lệnh.

Nguyên nhân

Hiện nay, có khoảng 85 CTCK thực hiện GDTT với HOSE. Trước khi được chấp thuận, các CTCK đều đáp ứng yêu cầu của HOSE về công nghệ, nhân lực. GDTT là lệnh của NĐT được truyền trực tiếp đến HOSE, nhưng vẫn phải qua bộ lọc là CTCK. Vì sao lỗi giao dịch vẫn xảy ra?

Ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực HĐQT HOSE cho biết, trước khi cho phép CTCK thực hiện GDTT, HOSE đã kiểm tra hệ thống công nghệ và các công ty đều đáp ứng được. Vậy nhưng, trong quá trình vận hành, do CTCK thực hiện nâng cấp, phần mềm chưa ổn định dẫn đến lỗi GDTT. Ông Trà cho biết, các dạng lỗi GDTT hiện nay khó phân biệt đâu là do máy móc, đâu là do con người. Nhưng điều đó không quan trọng và mỗi khi khi xảy ra lỗi thì HOSE đều có công văn nhắc nhở, cảnh cáo... Thông thường, CTCK vi phạm đều có văn bản giải trình và sau khi HOSE kiểm tra, nếu nhẹ thì chỉ ngắt kết nối trong ngày, nặng thì kéo dài 1 tuần. Ông Trà cho rằng, việc ngắt kết nối là hình thức xử lý vi phạm GDTT tương đối nặng và CTCK buộc phải điều chỉnh cho phù hợp.

Không ít ý kiến cho rằng, việc vi phạm lỗi GDTT là do CTCK chiều khách hàng hoặc thực hiện hoạt động tự doanh (gửi lệnh trước giờ giao dịch, hủy lệnh trong phiên giao dịch định kỳ). Trên thực tế, CTCK đều rất ngại bị ngắt kết nối vì như thế, họ phải cử đại diện đến sàn thực hiện nhập lệnh thủ công. Ngoài thủ tục thì cũng tốn kém thêm chi phí. Mặt khác, việc bị cảnh cáo, ngắt kết nối cũng ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của CTCK.

Giám đốc công nghệ thông tin của một CTCK cho biết, ngoại trừ ý muốn chủ quan, những lỗi GDTT tại CTCK hiện nay hoàn toàn có thể khắc phục được. Bởi mặc dù là GDTT, nhưng lệnh của NĐT vẫn phải thông qua bộ lọc của CTCK trước khi được truyền thẳng vào hệ thống của HOSE. Nếu hệ thống của CTCK hiện đại thì hoàn toàn chặn được các lệnh hủy trong phiên khớp lệnh định kỳ hoặc đúng giờ giao dịch mới chuyển lệnh vào hệ thống. Mặt khác, CTCK cũng cần kiểm tra thường xuyên, cập nhật hệ thống để loại bỏ sai sót, trục trặc trong quá trình GDTT.

7 cấp độ xử lý vi phạm GDTT

Trường hợp thành viên vi phạm các quy định liên quan trong quá trình GDTT hoặc không đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động GDTT, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng, HOSE có thể áp dụng các hình thức xử phạt:

1. Nhắc nhở, khiển trách;

2. Cảnh cáo thành viên;

3. Yêu cầu thành viên thay đổi hoặc có biện pháp kỹ thuật đối với nhân viên phụ trách GDTT;

4. Ngưng hoặc tạm ngưng GDTT của thành viên;

5. Đình chỉ tư cách thành viên;

6. Chấm dứt tư cách thành viên;

7. Các hình thức xử lý vi phạm khác thuộc thẩm quyền của HOSE.

Điều 11, Quy định GDTT tại HOSE

Hiền Linh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TTCK: Sẽ mất thời gian (25/07/2009)

>   FPTS mua chứng khoán lô lẻ trực tuyến (25/07/2009)

>   PJT: Lợi nhuận 6 tháng chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ (24/07/2009)

>   VSH: Lợi nhuận 6 tháng bằng 81.2% kế hoạch năm (24/07/2009)

>   Thủy sản Nam Việt lỗ 80 tỷ đồng (24/07/2009)

>   FMC: Lợi nhuận 6 tháng bằng 34% so với cùng kỳ (24/07/2009)

>   Transimex mới đạt 36.7% kế hoạch năm (24/07/2009)

>   Nhựa Bình Minh 6 tháng lãi hơn 129 tỷ đồng (24/07/2009)

>   Domesco đạt 70% kế hoạch năm (24/07/2009)

>   Kết quả kinh doanh của TCT, TS4, RHC (24/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật