Ngành năng lượng Chờ bước chuyển mình
Nhu cầu điện giai đoạn 2006 - 2010 dự báo tăng bình quân 15,7%/năm, đạt 100 tỷ kWh trong năm 2010.
Lực cầu tăng mạnh!
Ngành năng lượng hiện đang được độc quyền bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngoài việc có những nhà máy điện riêng, EVN còn có được nguồn cung dồi dào từ các nhà máy sản xuất điện độc lập. EVN đóng vai trò là nhà phân phối duy nhất đến người tiêu thụ. Nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng từ 61,5 tỷ kWh trong năm 2006 lên 100 tỷ kWh trong năm 2010, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 15,7%/năm, cao hơn mức 14,3%/năm trong giai đoạn 2001 - 2004. Hiện tại, mức cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu có xu hướng tăng mạnh. Do đó, EVN đang phải bổ sung nguồn cung bằng cách mua thêm điện từ Trung Quốc.
Thỏa thuận giá điện
Giá bán điện trung bình của các công ty sản xuất điện được thỏa thuận giữa EVN và các công ty này dựa trên hợp đồng mua bán điện giữa 2 bên và tuân thủ theo các quy định hiện hành của Chính phủ. Do vậy, lợi nhuận của các công ty này phụ thuộc rất nhiều vào giá bán điện và những điều khoản ghi trong hợp đồng. Trong số công ty nằm dưới quyền quản lý của EVN, giá điện mua từ CTCP Nhiệt điện Phả Lại là khoảng 623 đồng/kWh và từ CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh là 563 đồng/kWh.
Chi phí cao
Một khó khăn mà EVN gặp phải là chi phí để sản xuất và phân phối 1 kWh điện đến người tiêu dùng cao hơn rất nhiều so với giá mà EVN được phép thu. Bên cạnh đó, biến động giá điện ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, giá điện sẽ không có những thay đổi lớn trong thời gian tới do Chính phủ sử dụng giá bán điện như một công cụ để kiềm chế lạm phát, đồng nghĩa với việc EVN tiếp tục chịu thua lỗ cho tới khi các kế hoạch mới đi vào hoạt động. Chúng tôi lo ngại rằng, điều này sẽ hạn chế EVN đầu tư vào các nhà máy điện mới trong khi nhu cầu điện ngày càng tăng.
Định hướng phát triển thị trường phát điện tự do và cạnh tranh
Chính phủ đã lên kế hoạch cải thiện tính hiệu quả và công suất của EVN để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng, bên cạnh đó từng bước giảm bớt vị thế độc quyền của EVN và cổ phần hóa các công ty con trong Tập đoàn để tăng lợi nhuận và dòng tiền. Trong giai đoạn 2005 - 2014, Chính phủ triển khai kế hoạch phát triển hệ thống phân phối điện cạnh tranh. Giai đoạn 2014 - 2022 là thị trường bán buôn, sau đó thị trường bán lẻ cạnh tranh sẽ được phát triển. Thêm vào đó, Chính phủ đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy điện nguyên tử trong trung hạn để cân bằng cung - cầu. Triển vọng tới năm 2020, năng lượng nguyên tử sẽ góp thêm 5 - 9% vào tổng sản lượng chung. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 11% vào năm 2025, đạt mức 25% và 30% tương ứng cho các năm 2040 - 2050.
Lợi nhuận cao hơn từ hoạt động thủy điện
Khác với nhà máy nhiệt điện, các nhà máy thủy điện có lợi nhuận biên cao hơn do cấu trúc chi phí rất thấp (chủ yếu sử dụng nguồn nước thiên nhiên). Tuy nhiên, một mùa khô kéo dài có thể dẫn đến sự sụt giảm lớn của sản lượng từ thủy điện. Vấn đề này có thể được khắc phục bằng cách vận hành các nhà máy nhiệt điện ở công suất tối đa.
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) là 2 đại diện tiêu biểu cho ngành điện thuộc thị trường điện Việt Nam.
Bài viết có sự hợp tác của CTCK Kim Eng và chỉ mang giá trị tham khảo
Đầu tư chứng khoán
|